Vũ Thiện Chân

Vũ Thiện Chân sinh năm 1913 tại Nam Định. Năm 1925, sau khi bố mất, mẹ dắt díu 5 anh em ra Hải Phòng kiếm sống. Bà mở quán bán nước tại cổng xưởng đóng, sửa chữa tàu thuyền Carông (Caron) nuôi các con ăn học. Những năm 1925 1927 Vũ Thiện Chân theo học tại trường Cao đẳng tiểu học Bonnal, là người giàu lòng yêu nước, lại được đắm mình trong không khí đấu tranh sôi sục của thanh niên học sinh Hải Phòng đòi thực dân Pháp thả Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh, được thôi thúc bởi tiếng bom mưu sát toàn quyền Méc lanh của Phạm Hồng Thái và sự kiện Quảng Châu công xã (1927) Vũ Thiện Chân đã tham gia hoạt động cách mạng và được Nguyễn Đức Cảnh kết nạp vào tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội (1928) trực tiếp tham gia gây dựng cơ sở của tổ chức Thanh niênnnn trong giới học sinh Hải Phòng. Là người tích cực hoạt động nên khi tổ chức Đông Dương cộng sản Đảng thành lập (8/1929) đồng chí được chuyển sang tổ chức cộng sản ngay từ đợt đầu tiên. Khi tổ chức Thanh niên cộng sản Đoàn của Đông Dương cộng sản Đảng thành lập ở Hải Phòng (9/1929), đồng chí được giao phụ trách công tác của chi bộ đoàn Thanh niên cộng sản  trong học sinh. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, chi bộ Đoàn thanh niên đã chép tay tờ báo Thanh niênnnn để làm tài liệu tuyên truyền thanh niên, học sinh Hải Phòng tham gia trong phong trào đấu tranh chung.


Ngày 7/11/1929 diễn ra các hoạt động kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga lần đầu tiên ở thành phố Cảng, một số đoàn viên bị địch bắt. Bảo đảm nguyên tắc hoạt động bí mật, Nguyễn Đức Cảnh điều Vũ Thiện Chân ra hoạt động tại mỏ Vạn Hoa (Quảng Ninh). Tại đây đồng chí đã tham gia viết báo, bị mật thám phát hiện và truy nã ráo riết. Tháng 12/1929, đầu năm 1930 Vũ Thiện Chân được điều về công tác  tại cơ quan in của xứ uỷ Bắc Kỳ nhà số 2 phố Marin (Marine phố Hạ Lý hiện nay). Cuối năm 1930, Vũ Thiện Chân được điều về hoạt động tại Nam Định, năm 1931 thì bị địch bắt về và bị đày đi Côn Đảo.


Năm 1936, Mặt trận nhân dân Pháp thắng cử lên lập chính quyền, thực dân Pháp ở Đông Dương buộc phải thả tù chính trị. Vũ Thiện Chân ra khỏi nhà tù và hoạt động trong phong trào báo chí công khai của Đảng. Tháng 3/1937, Vũ Thiện Chân được cử về Hải Phòng thành lập chi nhánh báo Đảng. Đồng chí đã tìm đặt trụ sở báo Đảng tại đầu đường Cát Dài, bắt liên lạc với Thành uỷ Hải Phòng để sinh hoạt Đảng và phối hợp hoạt động. Đồng chí là người phụ trách các hoạt động nửa công khai của Đảng bộ Hải Phòng. Thành uỷ thông qua các hoạt động của đại lý báo Đảng để truyền đạt các chủ trương đấu tranh tới các  giới quần chúng. Riêng về hoạt động báo chí, Vũ Thiện Chân đã tổ chức một mạng lưới phát hành báo chí xuống đến cơ sở, các hội quần chúng, thành lập các tổ bán báo Đảng công khai ở các phố, tổ chức trưng bày, bán báo Đảng và tài liệu Mác xít tại chợ phiên vườn hoa Bonnal. Lần lượt các tờ 'Bạn dân', 'Tin tức', 'Thời thế'... các tài liệu Vấn đề dân cày', của Qua Ninh và Vân Đình (bút danh của Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh) Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, ABC chủ nghĩa cộng sản được đưa xuống cơ sở, được tổ chức bán công khai góp phần nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng cho quần chúng. Vũ Thiện Chân còn là một phóng viên thực thụ đi về Hải Dương, Kiến An, Hưng Yên ra vùng mỏ để tìm hiểu, viết bài phản ánh tâm tư nguyện vọng và cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng. Cuối năm 1938, đồng chí tạm xa Hải Phòng đi công tác ở địa phương khác.


Sau ngày hoà bình lập lại (1954) Vũ Thiện Chân công tác tại trường đào tạo cán bộ quản lý Bộ y tế, là Bí thư Đảng uỷ trường cho đến lúc nghỉ hưu. Do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã qua đời năm 1998. Trưởng thành từ phong trào học sinh thanh niên Hải Phòng, Vũ Thiện Chân là một trong những người đi tiên phong trong quá trình phấn đấu trở thành người cộng sản. Đồng chí vừa là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, vừa là một nhà báo có công trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.


 


Phạm Xuân Thanh


 


Theo: Lịch sử Đảng bộ. Tập 1 (Tr.68, 73, 140)

Facebook zalo

Các tin đã đưa