Nguyễn Sơn Lâm

Nguyễn Sơn Lâm sinh ngày 25/12/1925, tại thành phố Hải Phòng, con trai cả  nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà. Do hoàn cảnh gia đình thuận lợi và nhất là tư chất thông minh, hiếu học mà Sơn Lâm từ lúc đi học ở trường Bonnal (Ngô Quyền ngày nay), trường Albert Sarrau (Hà Nội), bao giờ cũng là học sinh xuất sắc, thường nhận được phần thưởng xứng đáng. Tuy là con nhà giàu. học giỏi nhưng Sơn Lâm không muốn đi du học nước ngoài để tiến thân, mà ưa những hoạt động yêu nước sôi nổi của thế hệ thanh niên đang sẵn sàng hy sinh cứu quốc. Các bạn anh như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Văn Cao, Lê Hai...cùng tham gia tổ chức hướng đạo, đều chung chí hướng 'Sáng tác bài hát mới' (bằng tiếng Việt) có tinh thần yêu nước và lạc quan, hợp với tuổi thanh thiếu niên...


 


Nhờ tổ chức Hướng đạo mà Sơn Lâm, Nguyễn Đình Thi có dịp đưa đồng chí Vũ Quí đoàn trưởng Hướng đạo một cán bộ của Đảng chuyên trách phong trào thanh niên, học sinh tiếp xúc với ông Nguyễn Sơn Hà, một ngưòi có tâm huyết sẵn sàng giúp đỡ thế hệ trẻ in ấn 'Sáng tác văn nghệ' của bạn bè chí cốt của con trai. Vì có người cha vừa giỏi làm kinh doanh vừa hăng hái tham gia các hoạt động xã hội trong các tổ chức: Hội Trí Tri, Hội Ánh sáng, Hội Truyền bá quốc ngữ, Hội Cứu tế v.v..làm Phó hội trưởng Hội bảo trợ Hướng đạo Hải Phòng, nên Sơn Lâm càng được cha mẹ tán đồng, tạo mọi điều kiện cho anh hoạt động xã hội, và chính anh lại đưa tài liệu của Việt Minh về nhà cho cha mẹ và các em xem, làm cho cả gia đình ngày càng đồng tình hăng hái ủng hộ cách mạng. Các chiến sĩ Nguyễn Bình (Nguyễn Phương Thảo), Vũ Quốc Uy, Nguyễn Mạnh Ái v.v..đã từng đến gia đình Nguyễn Sơn Hà và đều nhận được sự giúp đỡ tận tình.


 


Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Nguyễn Sơn Lâm tham gia lực lượng vũ trang, làm cán bộ chỉ huy tự vệ khu 7, động viên cha ủng hộ cách mạng, kể cả việc đỡ đầu cho đơn vị  tự vệ khu 7 và đơn vị dân quân phủ Kinh Môn (Hải Dương). Khi nghe tin giặc Pháp trở lại Việt Nam, nổ súng đánh chiếm Sài Gòn và nhiều địa phương phía Nam, Sơn Lâm xung phong vào Nam chiến đấu. Nhưng lãnh đạo thành phố giữ lại, cử anh đi dự lớp quân chính để về làm cán bộ chỉ huy quân sự. Anh chỉ huy tự vệ khu 7 là lực lượng tự vệ nổi tiếng của thành phố Cảng. Anh cùng đội tự vệ Đông Khê (huyện Hải An) về xã Dương Nham, huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương để hỗ trợ và huấn luyện đội tự vệ, động viên cha thành lập 'Việt Nam võ khí công ty' nhằm thu mua sửa chữa võ khí phục vụ phong trào tự vệ đang phát triển. Tuy là con nhà giàu, có thanh thế nhưng Sơn Lâm luôn luôn khiêm tốn, giản dị, sống đồng cam cộng khổ với chiến hữu trong luyện tập quân sự, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Khi thấy quân Pháp khiêu khích dữ, anh bình tĩnh gặp cha cùng gia đình, động viên mọi người khẩn trương chuẩn bị, sẵn sàng tản cư, còn mình ở lại sẵn sàng sống chết bảo vệ thành phố Cảng thân yêu. Từ ngày 20/11 đến ngày 23/11/1946 Sơn Lâm phụ trách chỉ huy tự vệ chiến đấu ở khu 7 tại Ngõ Cấm. Ngoài nhiệm vụ chỉ huy chiến đấu Sơn Lâm còn dùng tiểu liên dũng cảm chiến đấu tiêu diệt được nhiều địch. Trong ngày 23/11/1946 Sơn Lâm cùng với em liên lạc (mà Sơn Lâm nhường mũ sắt) đi trinh sát bị mảnh đạn pháo của địch đã hi sinh. đồng chí Lê Hai (sau này là trung tướng quân đội nhân dân Việt Nam) người được chứng kiến cảnh đó nhớ lại Lúc đó cuộc chiến đấu đang diễn ra quyết liệt, chặn đánh quân Pháp ở khu vực ngõ Cấm... Máy bay trinh sát của Pháp lượn thấp, quan sát và phát hiện chúng bắn cối dồn dập vào khu vực đó. Một mảnh cối dã xuyên đúng ngực anh Lâm, anh gục xuống. Bấy giờ anh năm đó, nét mặt bình thản như đang ngủ. Anh em trân trọng phủ lên thi hài liệt sĩ một lá cờ đỏ sao vàng...


 


Trong khi cuộc chiến đấu còn diễn ra quyết liệt nhiều đồng bào đồng chí  trong đó có một số cụ phụ lão xã Đông Khê đã tổ chức chôn cất trọng thể liệt sĩ Nguyễn Sơn Lâm trước cửa đình Đông Khê.


 


Đến nửa đêm ngày 23/11/1923, gia đình biết tin Sơn Lâm hi sinh. Hôm sau ở Kinh Môn (Hải Dương) anh em tự vệ và gia đình đã tổ chức lễ truy điệu Sơn Lâm rất trọng thể. Cụ Long Điền Nguyễn Văn Minh đã có bài điếu với những dòng thơ da diết:                                     


'Chết anh hùng như cái chết của Sơn Lâm


Chết như thế bọn xâm lăng phải sợ


Chết mà sống, chết vẫn là sống


Vì tên ghi trên trang sử sách


 Đài vinh quang tổ quốc vẫn không nhoà


Ngàn thu vẫn vững Sơn - Hà'


           

Facebook zalo

Các tin đã đưa