Nguyễn Thị Vĩnh

Tên thật là Vũ Thị San, khi tham gia hoạt động cách mạng có bí danh là Nguyễn Thị Vĩnh, Yến cũng đọc An và Ngọc. Xuất thân trong một gia đình nề nếp có truyền thống yêu nước ở xã Tây Sơn, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, nới có phong trào cách mạng sôi nổi từ những năm 1930 1931. Năm mới 15 tuổi, Vũ Thị San đã làm liên lạc cho cán bộ Cộng sản ở quê. Thấy chị nhanh nhẹn tháo vát và tích cực hoạt động, Xứ uỷ Bắc Kỳ điều đi hoạt động thoát ly ở Hà Nội, rồi cử đi dự lớp tập huấn tại Thái Ninh, Phú Thọ. Lớp này do Lương Khánh Thiện, Trần Quý Kiên (tức Đinh Văn Nhạ) phụ trách dưới vỏ bọc là Xưởng sản xuất chè, ban ngày đóng vai thợ hái chè, ban đêm học chính trị quân sự, phương pháp, kinh nghiệm công tác. Mãn khoá, Vũ Thị San được Đảng điều về gây cơ sở Đảng ở huyện Thuận Thành, Gia Lâm... tỉnh Bắc Ninh, tham gia Ban cán sự Đảng bộ tỉnh này. Sau chuyển sang phụ trách công tác giao thông xứ uỷ.


 


Tháng 3/1943, do Nguyễn Văn Thêm chỉ điểm hầu hết  lãnh đạo và quần chúng trung kiên của Đảng ở nội thành và Kiến An bị bắt. Vũ Quý một cán bộ lãnh đạo bị truy lùng ráo riết, Đảng rút về tham gia Ban cán sự Hà Nội. Cơ quan lãnh đạo của Hải Phòng chưa lập lại  được. Xứ uỷ điều Vũ Thị San về xây dựng khôi phục phong trào ở Hải Phòng, Kiến An, Quảng Yên, Uông Bí. Tháng 4/1943 Bí thư Ban cán sự Hà Nội, Xứ uỷ viên Bắc Kỳ Lê Quang Đạo giới thiệu Vũ Thị San với Vũ Quý. Vũ Quý đã bí mật đưa Vũ Thị San về Hải Phòng, giới thiệu các cơ sở cách mạng chưa bị lộ. Từ đây, chị mang bí danh Nguyễn Thị Vĩnh và Nguyễn Thị Yên. Tại cơ sở cách mạng ở Cựu Viên, ngoại vi tỉnh lỵ Kiến An, nhà cụ Đặng Văn Viết, chị đã bắt mối liên hệ gây dựng nhiều tổ chức cứu quốc ở nội thành như Xi măng, Máy Tơ, chợ Sắt... và ở Kim Sơn, Kính Trực, Lão Phong (Kiến Thuỵ) Cựu  Viên, Kha Lâm (An Lão) Cam Lộ, Cống Mỹ (An Dương). Chị đã kết nạp 4 Đảng viên mới trong số cán bộ trung kiên lúc ấy là Đặng Kinh, Trần Xuân Tá, Nguyễn Kiêm Tuấn (tức Mạnh Ái), Lễ. Ngoài nhiệm vụ gây dựng khôi phục cơ sở cứu quốc, phát triển thêm Đảng viên, Vũ Thị San đã chắp nối gây dựng cơ sở ở vùng mỏ Uông Bí, Hòn Gai và khôi phục đường dây của Xứ uỷ  Hải Phòng Móng Cái. Ở Móng Cái, lúc ấy do Nguyễn Hải Nguyên, uỷ viên huyện bộ Việt Minh huyện này phụ trách. Từ trạm 59 phố Cầu Đất sang cơ sở ở gần Cầu Rào xuống thuyền theo đường biển khá kín đáo chị đã nhiều lần ra Móng Cái Hải Ninh kiểm tra, hướng dẫn củng cố, phát triển cơ sở và chắp nối lại đường dây liên lạc của Xứ uỷ.


 


Tháng 2/1944, Xứ uỷ bổ sung một cán bộ Đảng có kinh nghiệm dân vận là Nguyễn Thị Hải (Tuyết), đến tháng 8/1944 Xứ uỷ lại điều Phạm Văn Thuyên (Mai Côn) về phụ trách phong trào miền Duyên hải thay Nguyễn Thị Vĩnh chuyển về An toàn khu (ATK). Từ đây với bí danh mới là Nguyễn Thị Ngọc chị hoạt động tại vùng Bắc Ninh, Thái Nguyên... Cách mạng tháng Tám thành công, chị tham gia Ban chấp hành tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Thái Nguyên, trực tiếp làm Bí thư  Ban phụ vận tỉnh. Trong kháng chiến chống Pháp công tác tại cơ quan khu uỷ Tây Bắc và bị bệnh quan đời vào tháng 5/1954, không được chứng kiến không khí chiến thắng Điện Biên Phủ, chính phủ Pháp phải ký hiệp định Giơnevơ lập lại hoà bình trên toàn cõi Đông Dương.


 


Tuy hoạt động ở Hải Phòng, Kiến An chỉ có hơn 1 năm, nhưng chị có công lớn trong việc khôi phục phát triển phong trào Việt Minh và xây dựng Đảng. Hình ảnh tên tuổi người chiến sĩ cộng sản tận tuỵ tháo vát, hoà nhã Nguyễn Thị Vĩnh  vẫn in đậm trong quần chúng cách mạng thời kỳ phong trào Việt Minh.


 


                                      N. Đ. L


1.     Lịch sử đảng bộ Hải Phòng tập I,  Tr. 181, 182, 183


2.     Lịch sử vũ trang khoỉ nghĩa và kháng chiến cứu nước huyện Kiến Thuỵ: 1940 -1975.- Hải Phòng: Nxb. Hải Phòng, 1989.- Tr.28


3.     Kiến An bất khuất kiên cường: Người nữ cán bộ xứ uỷ Bắc Kỳ.- Hải Phòng: Nxb. Hải Phòng, 2000.- Tr.10 - 13

Facebook zalo

Các tin đã đưa