Vũ Quốc Uy

Xuất thân trong một gia đình tiểu trí thức, quê ở Nam Định. Ông may mắn được đi học đến bậc Thành chung cho nên sớm nhạy cảm với đời sống văn hoá, văn nghệ của thanh niên học sinh ở đô thị với Ao ước được làm chủ một hiệu sách nhỏ, để tha hồ đọc sách báo mới.(1)


            Từ năm 1937 Vũ Quốc Uy tham gia phong trào học sinh dân chủ, đã bắt đầu nghiên cứu triết học duy vật biện chứng và văn học cách mạng vô sản. Với trái tim đầy nhiệt huyết, Vũ Quốc Uy say mê đọc những tác phẩm văn học Xô Viết như Người mẹ của Gooc ki, Thép tôi đã thế đấy của Ốt Trốt Ki và học thuộc nhiều bài thơ Tố Hữu.


            Sau khi 'Đề cương văn hoá Việt Nam' của Đảng  ra đời (2/1943), phong trào hoạt động văn hoá cứu quốc phát triển sôi nổi, Vũ Quốc Uy từ hoạt động thanh niên cứu quốc, đồng chí được tiếp xúc nhiều với các đồng chí Lê Quang Đạo bí thư Thành uỷ Hà Nội, Hoàng Quốc Việt uỷ viên ban thường vụ Trung ương Đảng để trực tiếp nhận chỉ thị của Trung ương Đảng về phương hướng hoạt động phong trào văn hoá cứu quốc. Trên mặt trận tư tưỏng văn hoá cách mạng, Vũ Quốc Uy được cộng tác chặt chẽ với các chiến sĩ văn hoá của Đảng như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nam Cao, Học Phi, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Như Phong, mà Vũ Quốc Uy - Như Phong Tô Hoài Nguyễn Đình Thi là Nhóm đầu tiên được Lê Quang Đạo phổ biến bản Đề cương văn hoá Việt Nam và cũng là Tiểu tổ đầu tiên của Hội văn hoá cứu quốc được thành lập ở Hà Nội.... (2)


            Chính những ngày đầu tiên hoạt động Văn hoá cứu quốc, Vũ Quốc Uy đã cùng với Như Phong, Bàn về chuyện hoạt động ở Hải Phòng, nơi Nguyên Hồng đang sống cái thành phố đã trở thành bầu sữa mẹ cho các tác phẩm của Nguyên Hồng. (3) Đang hăng hái hoạt động trên mặt trận văn hoá văn nghệ thì vào giữa năm 1944 Vũ Quốc Uy bị địch bắt và bị quản thúc ở Nam Định. Đến tháng 4/1945 sau khi trốn án quản thúc, Vũ Quốc Uy định lên khu Giải phóng ở Việt Bắc thì được Đảng điều về hoạt động ở Hải Phòng.


            Là một trí thức trẻ năng động, Vũ Quốc Uy nhanh chóng tìm hiểu những đặc điểm về miền đất, con người Hải Phòng và liên hệ với cơ sở cách mạng ở đây.


            Sau khi tham gia khởi nghĩa Hà Nội, Vũ Quốc Uy lại được Đảng phái về Hải Phòng, quy tụ lực lượng cách mạng, khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng (23/8/1945). Với danh nghĩa chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Hải Phòng, đồng chí Vũ Quốc Uy tuyên bố xoá bỏ chính quyền cũ, thành lập uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời. Sau đó, còn kiêm nhiệm cả cương vị Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ thành phố. Trong thời điểm Tổ quốc ở trong tình thế 'Ngàn cân treo sợi tóc' Vũ Quốc Uy cùng với các đồng chí trong Thành uỷ đã vận dụng tư tưởng Đại đoàn kết toàn dân của Bác Hồ trong mọi công việc lãnh đạo và chỉ đạo hàng ngày, luôn luôn xác định: 'Nhiệm vụ hàng đầu của Thành uỷ chúng tôi là xây dựng được khối đoàn kết toàn dân để đẩy  công việc cách mạng ngày càng tiến tới' (4). Vũ Quốc Uy rất  quan tâm xây dựng Thành bộ Đảng dân chủ Hải Phòng với cương vị là uỷ viên Thành bộ Đảng dân chủ. Sau khi Hải Phòng - Kiến An bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Vũ Quốc Uy tham gia Liên tỉnh uỷ Hải - Kiến và uỷ viên thường vụ, làm trưởng ban tuyên huấn và Giám đốc trường Tô Hiệu. Với cương vị đó, Vũ Quốc Uy cùng với tập thể lãnh đạo nhà trường vượt qua mọi gian khổ ở căn cứ Đèo Voi (Đông Triều - Quảng Yên) và các căn cứ khác mở được nhiều lớp đào tạo được hơn 1000 cán bộ, đảng viên, phục vụ cho công cuộc kháng chiến, cho công tác tiếp quản thành phố.


            Sau khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, Vũ Quốc Uy được Đảng và Chính phủ giao cho trọng trách làm chủ nhiệm uỷ ban văn hoá đối ngoại, cho đến khi về nghỉ hưu. Trong cương vị mới này, Vũ Quốc Uy có quan hệ rộng rãi với nhiều người trong và ngoài nước hoạt động trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, báo chí. Nhà báo Pháp nổi tiếng Madeleine Riffaud, có một số lần viết thư cho Vũ Quốc Uy viết thư nhờ ông dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt  một số bài phóng sự về Việt Nam, Angiêri, về nước Pháp (trong tập De Notre Envoyéc Specialy). Năm 1988, ông dịch tác phẩm Im lặng của biển (Lesilence de la mer) của Veco, Nhà xuất bản Văn học xuất bản.


            Đối với Đảng bộ và nhân dân thành phố cảng Hải Phòng Vũ Quốc Uy luôn luôn tự hào là đã từng sống và làm việc trên Quê hương mới với những nét đặc sắc anh hùng. Với tâm huyết của một người làm công tác văn hoá, Vũ Quốc Uy đã viết những bài hồi ký: Tôi về Hải Phòng trong cao trào tổng khởi nghĩa, hoạt động dưới ánh sáng của đề cương văn hoá, về Đèo Voi những ngày gian khổ.v.v. Nhân kỷ niệm 30 năm Hải Phòng giải phóng (13/5/1955 13/5/1985) Vũ Quốc Uy đã viết tập sách: Bình minh trên sông Cấm hồi tưởng về 500 ngày của Hải Phòng từ khởi nghĩa tới kháng chiến chống thực dân Pháp (8/1945 7/1954) với trách nhiệm viết về đất Cảng như 'nộp lần Đảng liễm cuối cùng cho Đảng bộ Hải Phòng'.(5)


            Ngày 19 tháng 11 năm 1994, Vũ Quốc Uy đã từ trần để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng chí đồng bào đất Cảng nơi mà ông từng nhận là Quê hương mới đầy chất anh hùng.


 

 


 


 


 


---------------------------------------------


Chú thích: (1) (2) (3) (4) (5) đều trích trong những hồi ký của Vũ Quốc Uy.

Facebook zalo

Các tin đã đưa