Vạn Vân (Đoàn Đức Ban)

Cho đến cuối thế kỷ XIX, Cát Hải mới chỉ có nghề đánh cá biển và làm muối. Từ những chuyến chở cá và muối lên bán cho xứ Kinh Bắc người Cát Hải mới học được nghề làm nước mắm ở làng Vân, Bắc Ninh, nơi có rượu cũng rất nổi tiếng. Người làng Vân làm nước mắm bằng cá nước ngọt nên sản phẩm không có vị đậm, sản lượng cũng không nhiều, chủ yếu là dùng trong gia đình.


            Sau khi học được nghề, một số người Cát Hải đã làm nước mắm song ban đầu cũng chỉ dùng trong gia đình. Ông Đoàn Đức Ban (thường gọi là Lý Ban) ở thôn Hoà Hy, xã Hoà Quang là người đầu tiên nghĩ tới việc sản xuất nước mắm lên bán cho chính vùng Kinh Bắc. Nước mắm được chở bằng thuyền tới vạn chài làng Vân (vạn Vân) sau đó toả đi các nơi do vậy người mua quen gọi là nước mắm Vạn Vân. Bản thân Đoàn Đức Ban cũng luôn luôn mang ơn nơi đã truyền nghề cho mình bèn nhận cái tên dân gian và chính thức đặt tên cho nước mắm của mình là Vạn Vân. Học theo Đoàn Đức Ban sau này là chánh tổng Đoàn Đức Ngố (Chánh Ngố) gọi nước mắm gia đình mình sản xuất là Vạn Lợi. Con chánh tổng Ngố mở xưởng riêng, gọi sản phẩm của mình là Vạn An. Ngoài ra còn có nước mắm Ông Sao của gia đình Đoàn Đức Oanh và khoảng 50 sản phẩm nước mắm khác có tên hoặc không tên do những hộ gia đình khác ở Cát Hải sản xuất, dần dần tràn ngập khắp thị trường Bắc Kỳ và Trung Kỳ, trong đó có Bắc Ninh, làm mai một dần đến chỗ mất hẳn nghề ở nơi từng phát nguyên ra nghề này.


            Người làm nuớc mắm Cát Hải từ đó bỏ hẳn nghề đi biển và làm muối nhưng lại góp phần thúc đẩy ngư nghiệp không chỉ ở Cát Hải mà ở cả những vùng lân cận. Ngư dân Cát Hải, Cát Bà, Quảng Yên, Hồng Gai, Hải Ninh tới tấp chở cá bán cho những hộ sản xuất nước mắm và chở bã cá từ đấy bán cho nguời Hà Cối dùng trong chăn nuôi. Vạn Vân là người có đầu óc kinh doanh và phát triển sản xuất. Lúc đầu cũng như mọi hộ sản xuất nước mắm khác, thuyền của ông chở nuớc mắm đi khắp nơi rồi lại về. Sau ông mua nhà ở Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội vừa làm kho vừa làm cửa hàng. Cửa hàng ở Hải Phòng đặt tại 184 Xavátxiơ (nay là phố Quang Trung), ngay trước bến nhận hàng trên sông Lấp. Cửa hàng ở Hà Nội đặt tại ngã ba phố Trần Nhật Duật và Hàng Khoai gần sông Hồng và ga Đầu Cầu (ga Long Biên). Cửa hàng ở Bắc Ninh cũng gần sông. Ngoài ra bên sông Tam Bạc Hải Phòng còn có cửa hàng nước mắm Vạn Nguyên của người con rể Vạn Vân. Học theo Vạn Vân, các chủ sản xuất nước mắm Vạn An, Vạn Lợi, Ông Sao, Vạn Toàn cũng mua nhà làm cửa hàng ở Hải Phòng, Hà Nội.


            Theo một tài liệu của Pháp ấn hành vào năm 1936 thì xí nghiệp Vạn Vân là cơ sở sản xuất nước mắm lớn nhất nước ta, được  thành lập vào năm 1916 ở giữa hai làng Can Lộc và Văn Chấn thuộc Cát Hải. Xưởng có 10.000 chum loại 400kg đựng chượp để lâu năm mới đem nấu. Nước mắm Vạn Vân được chế biến từ ba loại cá: Cá Quân một loại cá xác - đin, chỉ đánh được vào tháng 5, tháng 6 hàng năm, cho ra nước mắm thượng hảo hạng; cá nhâm có nước mắm loại hai; các ruội có nước mắm loại ba.


            Bị cạnh tranh quyết liệt, là người giàu đầu óc kinh doanh, Vạn Vân lại nghĩ ra phương thức mới nhằm chiếm lĩnh thị trường. Vốn trước đây nước mắm của các hãng dù có tên, có cửa hàng hoặc không tên, không có cửa hàng đều chứa trong chum và thùng lớn, từ đó đong ra bán lẻ. Nay Vạn Vân nghĩ ra cách đóng chai và dán nhãn hiệu Nước mắm Vạn Vân một cá vàngggg đồng thời đăng ký trình toà với Nha kinh tế Hải Phòng. Chính nhờ vậy các loại nước mắm Vạn Lợi, Vạn An, Ông Sao... tuy chất lượng không kém và kinh doanh thu cũng cao, người tiêu dùng lại dường như chỉ biết có nước mắm Vạn Vân. Từ đó có câu ca về những sản vật ngon nổi tiếng Bắc Kỳ  >>>Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét,...


            Ông bà Vạn Vân có hai con trai hai con gái. Con trai cả là Đoàn Đức Trình và con gái (vợ chủ hãng Vạn Nguyên) theo nghề của cha. Người con trai thứ hai, Đoàn Đức Chuẩn (nhạc sĩ Đoàn Chuẩn) lại say mê âm nhạc. Ngoài cửa hàng bên sông Hồng, ông bà Vạn Vân mua riêng cho Đoàn Chuẩn biệt thự  số 9 Cao Bá Quát Hà Nội. Đoàn Chuẩn xây rạp Đại Đồng và lập gánh hát Lúa Vàng. Ông là nhạc công ghita  Haoai xuất sắc và sáng tác một số ca khúc, trong đó có nhạc phẩm Thu quyến rũ nổi tiếng. Ca sĩ chính của gánh hát Lúa Vàng là Thanh Hằng (sau hoà bình lập lại trên miền Bắc đổi là Lê Hằng).


            Đầu năm 1945 ông Vạn Vân ốm nặng. Tháng 4/1945 chính phủ Trần Trọng Kim thành lập, mời ông tham gia nội các. Đoàn Đức Trình thay mặt cha vào hội đồng kinh tế lí tài Đông Dương song từ chối lời mời làm thứ trưởng kinh tế.


Gia đình Vạn Vân vốn hướng về cách mạng. Cửa hàng trên phố Trần Nhật Duật Hàng Khoai Hà Nội từng là nơi nuôi giấu cán bộ, trong đó có Trần Duy Hưng (Chủ tịch Uỷ ban hành chính Hà Nội sau ngày giải phóng). Thực dân Pháp không ngờ điều đó. Ngoài ra  gia đình còn bí mật ủng hộ tiền và vàng cho cách mạng. Bản thân Đoàn Đức Trình bí mật tham gia tổ tài chính do Nguyễn Lương Bằng phụ trách.


Trước cách mạng tháng Tám một thời gian, ông Vạn Vân qua đời. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Đoàn Đức Trình lên chiến khu tiếp tục công tác trong tổ tài chính của Nguyễn Lương Bằng.


Bà Vạn Vân ở lại Cát Hải duy trì công việc của hãng. Những năm 1950 1953 là thời gian cực thịnh của hãng Vạn Vân. Ngoài các cửa hàng, hãng còn có đoàn xe ôtô vận tải.


Từ chiến khu, Đoàn Đức Trình thường xuyên bí mật liên hệ với bà Vạn Vân từng sáng chế ra phương pháp cô đặc nước mắm, gọi là nước mắm con hổ gửi ra chiến khu.


Năm 1952, Phạm Gia Năm, một chủ sản xuất nước mắm khác ở Cát Hải, lợi dụng tiếng tăm của 'Nước mắm Vạn Vân một cá vàng' liền từ bỏ tên Vạn Toàn của hãng cũng đóng chai cho sản phẩm của mình và dán nhãn hiệu 'Nước mắm Vạn Vân hai con cá vàng'. Bà Vạn Vân khởi kiện việc nhái nhãn mác. Tuy Phạm Gia Năm cãi lý rằng sản phẩm của ông ta là 'Hai cá vàng' song vẫn có nguy cơ thua kiện vì ông này không đăng ký nhãn hiệu trình toà với Nha kinh tế. Song vụ án chưa đến hồi kết thúc thì Hiệp định Giơnevơ được ký kết, gia đình Phạm Gia Năm di cư vào Nam.


            Hoà bình lập lại, Đoàn Đức Trình từ chiến khu trở về tiếp thu cơ sở Vạn Vân thay mẹ. Tuy chỉ đứng chủ hãng có bốn năm, sau này Đoàn Đức Trình vẫn bị quy là tư sản.


Tháng 10/1959 thực hiện chính sách cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, Đoàn Đức Trình cùng 54 hộ tư sản và tiểu chủ sản xuất nước mắm khác ở Cát Hải, trong đó tài sản của Vạn Vân chiếm đại đa số. Quy trình sản xuất của xí nghiệp cũng tiếp nhận từ quy trình của Vạn Vân. Đoàn Đức Trình được cử làm phó Giám đốc xí nghiệp. Cái tên Vạn Vân mất từ đó. Tuy nhiên tiếng tăm Vạn Vân không hề mất. Tận đến năm 2000 này, ngôi nhà cũ của hãng trên phố Quang Trung, Hải Phòng dù thuộc về chủ khác song vẫn kinh doanh nước mắm và vẫn trương biển Vạn Vân.


            Năm 1975 toàn bộ vốn cố định và lưu động của gia đình Vạn Vân coi như hết. Gia đình chấm dứt việc hưởng lợi tức. Cũng năm này Đoàn Đức Trình phát biểu trên Đài tiếng nói Việt Nam về chính sách cải tạo tư sản, góp phần vào việc cải tạo tư sản ở miền Nam.


Năm 1977 Đoàn Đức Trình về hưu, chuyển lên Hà Nội sống cùng gia đình Đoàn Chuẩn. Năm 1989 ông mất ở Hà Nội.


           


                                                                                                                                             Lưu Văn Khuê


- Theo lời kể của kỹ sư Đoàn Nghĩa (Cháu ông Vạn Vân) Sở Thuỷ sản Hải Phòng; kỹ sư Đậu Văn Cường, phó giám đốc Sở Thuỷ sản Hải Phòng, nguyên giám đốc xí nghiệp nước mắm Cát Hải.


- Nghiên cứu lịch sử. Hội đồng lịch sử Hải Phòng

Facebook zalo

Các tin đã đưa