Nguyễn Thị Thuận

Chị Tư Già tên thật là Nguyễn Thị Thuận, tên khai trong hồ sơ mật thám là Nguyễn Thị Hợi. Còn Tư  Già là gọi theo tên chồng. Khi còn hoạt động trong Thanh niên cách mạng đồng  chí Hội, bạn bè gọi Nguyễn Đức Cảnh là anh Năm, Nguyễn Bá Biên vì nhiều tuổi hơn nên gọi là anh Tư, lại do tính tình hiền lành, ít nói ít đùa nên anh em gọi là Tư Già. Cả hai vợ chồng đều là dân nghèo ở Hà Đông. Nguyễn Bá Biên mồ côi từ nhỏ, ở với thím dâu. Nhưng là người sớm có chí tự lập nên dể vợ và con gái ở lại quê, xuống Hải Phòng làm thợ giày cho một chủ hiệu người Hoa ở đầu phố Baty. ở đây, Nguyễn Bá Biên cùng cùng các bạn nghề như Sinh, Vượng, Phúc được giác ngộ và trở thành đảng viên Thanh niên cách mạng đồng chí Hội lớp đầu. Khi chuyển sang Đảng Cộng sản, Nguyễn Bá Biên cũng được chuyển ngay. Do Đảng cần cơ sở để các cán bộ có chỗ liên lạc, đầu năm 1927, Nguyễn Bá Biên đưa vợ con xuống Hải Phòng mua một căn nhà lá nhỏ ở  xóm nghèo làm trạm liên lạc. Nguyễn Đức Cảnh thường bí mật đến đây, chính Tư Già đã giác ngộ dần cho vợ và đưa vợ tham gia đưa thư, chuyển tài liệu sách báo cách mạng.


 


Để che mắt bọn mật thám, đầu năm 1928, vợ chồng chị Tư Già lại chuyển chỗ, mua nhà ở xóm hẻo lánh làng Lạc Viên, ven nội thành làm chỗ ăn ở cho cán bộ dưới danh nghĩa nấu cơm tháng thuê cho thợ. Nhà này còn là nơi in ấn tài liệu tuyên truyền. Để có vốn gây quỹ hoạt động của Đảng, chị đã bán vài sào ruộng ở quê đưa anh Tư đi Nam Định mở tràn than, còn chị lo bảo đảm cơ sở ở Lạc Viên, đồng thời tham gia chuyển phát tài liệu, nghe ngóng nắm tình hình. Được Nguyễn Đức Cảnh, Phạm Văn Ngọ (tức Xương, Ngạn) dìu dắt, chị Tư Già tiên bộ rất mau. Cuối năm 1929, được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Đầu năm 1930 ở lâu Lạc Viên dễ lộ, chị Tư Già lại giả bầy cảnh cãi cọ với anh em  thợ thuê nấu cơm tháng thanh toán chậm, không sòng phẳng để bán nhà đi nơi khác. Chị tìm thuê được căn hộ kín đáo ở sâu trong ngõ Tò Vò phố Tuaran (Phạm Hồng Thái) làm trạm liên lạc mới. Lúc này quỹ Đảng vô cùng hạn hẹp, cán bộ qua lại ăn uống rất cực, cơm cũng không đủ no, nhưng nhờ tài tháo vát tằn tiện của chị Tư Già và tinh thần chịu đựng gian khổ của các chiến sĩ cộng sản nên vẫn dành được tiền để in ấn tài liệu tuyên truyền phục vụ các cuộc đấu tranh sôi động của thợ thuyền, nhân dân lao động ở Hải Phòng, vùng mở và nông thôn. Tết âm lịch năm 1930, một giao thông Xứ uỷ ở Hòn Gai không chịu nổi tra tấn đã khai báo cơ sở ở Hòn Gai, Hải Phòng mật thám đột ngột khám nhà ngõ Tò Vò bắt mẹ con chị Tư  Già, Hạ Bá Cang và cô Lý, một giao liên trẻ. Nhờ gan dạ bình tĩnh, mưu trí, chị Tư Già đã nhanh chóng hướng dẫn sắp xếp lời khai cho cả 3 người và lừa mật thám để đồng chí khác biết nhà đã bị lộ. Nhờ đó mà giấu được tung tích Hạ Bá Cang, một cán bộ cao cấp của Đảng và cô Lý. Cả hai  được tha ngay cùng con chị Tư. Trong tù chị động viên các nữ tù giữ vững tinh thần kiên trung, tham gia tuyệt thực phản đối ngược đãi tù nhân. Trung tuần tháng 8 năm Canh Ngọ (1930), chị được chuyển sang nhà thương thành phố Hải Phòng để sinh cháu thứ  hai. Tổ chức đã giao cho đảng viên Nguyễn Thị Vinh, nữ hộ sinh bố  trí cho chị trốn vào giữa tối trung thu, con nhỏ đành để lại. Sau khi sức khoẻ khá lên, chị được điều về thành phố Nam Định gây dựng cơ sở giao liên Nam Định, Thanh Hoá, Phủ Lý, Hà Nội. Công tác đang tiến hành kết quả thì vào đầu tháng 4/1931, nhiều cơ quan Đảng ở Nam Định bị vây khám, chị trốn lên nhà em gái ở Khương Thượng, hai ngày sau anh Tư cũng tìm về đây do bị mật thám truy lùng. Để chắp mối liên lạc, anh chị vay tiền của em gái thuê một gian nhà nhỏ ở ngõ Khâm Thiên, Hà Nội. Anh Tư lên phố tìm hỏi mấy cơ sở cũ, không ngờ lại gặp phải một tên đã xuất thú dẫn mật thám bắt cả hai vợ chồng. Mặc dù tra khảo nhưng không moi được gì để kết án, song do những vụ trốn tù và khai báo của vài đứa phản bội , anh chị vẫn bị địch kết án nặng. Anh Tư phải đày đi Sơn La, chỉ được vài tháng đã mất do chế độ nhà tù hà khắc của thực dân, còn chị bị cầm tù ở Hoả Lò, Hà Nội đến thời kỳ Mặt trận dân chủ mới được tha. Đảng bố trí chị về Nam Định hoạt động ở cơ quan cùng Vũ Thiện Chân, một đồng chí đã cùng hoạt động ở Hải Phòng. Năm 1941, mật thám lại bắt được chị giải về Thái Bình, ròng rã một tháng trời mỗi ngày một trận đòn thù, nhưng người chiến sĩ trung kiên vẫn đinh ninh tin tưởng ngày cách mạng thành công và bình thản vì đã giữ vững lời thề khi vào Đảng. Chị ở tù cho đến Cách mạng tháng Tám 1945.


 


Từ đó chị về công tác ở cơ quan văn phòng Trung ương Đảng cho đến ngày nghỉ hưu. Chị được mọi người trong cơ quan, từ các lãnh đạo cấp cao đến nhân viên, kính yêu không chỉ vì là người cao tuổi có quá trình hoạt động lâu năm mà còn ở đức độ trung thực giàu lòng vị tha, hết lòng thương yêu chăm sóc mọi người. Dân Hải Phòng còn gọi chị là 'Người con gái sông Cấm' với cả tấm lòng mến mộ.


                                                                                                                                                   N. Đ. L


 


1. Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng, tập I.- Nxb, Hải Phòng, 1991.-Tr.99


2. Chị Tư Già: Hồi ký/Lê Minh ghi.- H.: Phụ nữ,1970


3. Những chặng đường nóng bỏng/Hoàng Quốc Việt.- H.: Lao động,1985.-Tr 88,89,94,97,104


4. Hồi ký của Nguyễn Thị Vinh in trong tập Nhớ mãi tên anh.- Nxb. Hải Phòng,1995.- Tr.54, 61

Facebook zalo

Các tin đã đưa