Nguyễn Đức Cảnh

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908 tại thôn Diêm Điền, xã Thái Hà, huyện Thuỵ Anh, tỉnh Thái Bình. Là học sinh trường Thành Chung Nam Định, Nguyễn Đức Cảnh tham gia lãnh đạo thanh niên trong phong trào truy điệu Phan Chu Trinh ở Nam Định. Bị đuổi học, Nguyễn Đức Cảnh lên Hà Nội tìm việc làm và cũng từ đây anh đã tham gia vào tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng.


 


Mùa thu năm 1927, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật được Việt Nam Quốc dân Đảng cử đi Quảng Châu, Trung Quốc tìm hiểu về Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Ở Quảng Châu, Nguyễn Đức Cảnh dự lớp huấn luyện chính trị do Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội mở, học xong, nhận thấy con đường cách mạng chân chính của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra, Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật ly khai Việt Nam Quốc dân Đảng, tự nguyện gia nhập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội.


 


Là một thanh niên thông minh, kiên quyết. Khi ly khai Việt Nam Quốc dân Đảng, đồng chí đấu tranh không khoan nhượng, phê phán thẳng thắn đường lối tư tưởng của Quốc dân Đảng. Thấy vậy có người đã nói 'Cậu đấu tranh như vậy không sợ bọn chúng (QDĐ) thủ tiêu à?' Cảnh trả lời 'Đường lối sai lầm thì phê phán. Đấy là vì lợi ích chung nếu tôi bị bọn chúng thủ tiêu đó cũng là vì cách mạng'.


 


Năm 1928, Nguyễn Đức Cảnh là uỷ viên kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ phụ trách khu Duyên hải và trực tiếp làm Bí thư tỉnh bộ Hải Phòng. Lúc bấy giờ, Tỉnh bộ Hải Phòng phụ trách cả Kiến An, Hải Dương, Quảng Yên và khu mở Hòn Gai Cẩm Phả. Cuối năm 1928 thực hiện chủ trương 'Vô sản hoá' của Thanh niên, Nguyễn Đức Cảnh xin làm thợ tại xưởng Caron. Anh hoà mình với công nhân và hướng dẫn họ đấu tranh.


 


28, 29 tháng 3/1929 Kì bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội họp ở Sơn Tây, có thảo luận lập Đảng cộng sản, cử Tự, cùng Đính, Tuân, đi Hương Cảng họp Đại hội toàn quốc Thanh niên cách mạng đồng chí hội vào ngày 1/5/1929. Nguyễn Đức Cảnh là một trong bảy người tham gia thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở nước ta (chi bộ 5D Hàm Long Hà Nội). Về Hải Phòng, tổ chức kết nạp và thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng vào đầu tháng 4/1929, trực tiếp làm Bí thư chi bộ. Tiếp đó xét trên 100 hội viên thanh niên, đồng chí Cảnh chọn những người trung kiên và xét kết nạp hàng loạt và phân công các đảng viên hoạt động tại các cơ sở nhà máy. Ngày đi làm tối về Nguyễn Đức Cảnh viết bài cho các báo Đồng lòng, Tranh đấu, Cờ đỏ... anh rất coi trọng đến việc mở các lớp huấn luyện chính trị đào tạo cán bộ cho phong trào công nhân, hướng dẫn đồng chí mình tổng kết kinh nghiệm về phương pháp vận động cách mạng, đề ra khẩu hiệu thích hợp để huy động lực lượng quần chúng đấu tranh. Do bám sát thợ thuyền, bám sát phong trào công nhân, nắm chắc tình hình xưởng máy nên mỗi khi đình công, bãi công nổ ra, chủ trương, phương hướng đấu tranh đưa ra rất sát thực. Đấu tranh thắng lợi.


 


Tháng 6/1929, tổ chức Đông Dương cộng sản Đảng được thành lập (tại số 312 Khâm Thiên Hà Nội). Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời, phụ trách phong trào công nhân, hoạt động tại Hải Phòng và khu mỏ. Tháng 7/1929, được Đảng giao nhiệm vụ, Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Đại hội đại biểu Công hội đỏ Băc Kỳ. Tại hội nghị, đồng chí đã báo cáo tình hình giai cấp công nhân trong nước và chủ trương của Đảng tổ chức Công hội đỏ nhằm đẩy mạnh phong trào cách mạng, lấy công nhân làm nòng cốt. Đại hội bầu Ban chấp hành Tổng công hội. Nguyễn Đức Cảnh uỷ viên Trung ương Đảng được bầu vào làm Tổng thư ký.


 


Tháng 8/1929 Nguyễn Đức Cảnh được chỉ định làm Bí thư Ban chấp hành Đông Dương Đảng cộng sản Đảng Đảng bộ Hải Phòng. Với cương vị mới, đồng chí sắp xếp lại tổ chức củng cố phát triển Công hội đỏ, học sinh hội thanh niên đoàn huấn luyện cán bộ, xây dựng Hải Phòng thành một cửa ngõ liên lạc trong và ngoài nước.


 


Đầu năm 1930, Nguyễn Đức Cảnh và Trịnh Đình Cửu, đại diện của Đông Dương cộng sản Đảng đi Hương Cảng dự hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì, Nguyễn Đức Cảnh được chỉ định vào Ban chấp hành Trung ương lâm thời. Ban chấp hành Trung ương lâm thời  ở Bắc gồm có các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Lan, Trịnh Đình Cửu...


 


Sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Đức Cảnh xúc tiến chuyển Đảng bộ Đông Dương cộng sản Đảng Hải Phòng sang Đảng cộng sản, thành lập Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh trực tiếp làm Bí thư. Năm 1930 thành lập các Xứ uỷ, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cử  làm Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, phụ trách công vận. Cơ quan Xứ uỷ đặt tại Hải Phòng.


 


Phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân Nghệ Tĩnh phát triển rầm rộ rộng khắp, nhằm tăng cường đội ngũ lãnh đạo cho phong trào miền Trung. Cuối năm 1930 do cơ sở bị đàn áp dữ dội Trung ương Đảng điều Nguyễn Đức Cảnh vào Trung kỳ tham gia Thường vụ Xứ uỷ, chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Nguyễn Đức Cảnh làm việc miệt mài, viết nhiều tài liệu tuyên truyền, cổ động và viết bài cho báo Người cùng khổ, Tiến lên... góp phần củng cố và giữ vững phong trào cách mạng.


 


Tháng 4/1931 trên đường đi công tác trở về cơ sở Nguyễn Đức Cảnh bị sa vào tay giặc, tại làng Yên Dũng Hạ, cách thành Vinh chừng vài cây số. Bị kẻ thù tra tấn hết sức dã man, nhưng dù chết đi sống lại vẫn không khai nửa lời, giữ vững khí tiết người cộng sản. Trong nhà tù đế quốc, Nguyễn Đức Cảnh luôn động viên giúp đỡ đồng chí, đồng đội, hướng niềm tin về tương lai tươi sáng.


 


Ngày 17/11/1931 Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân bị đưa xuống Hải Phòng thi hành án tử hình. Trong thời gian bị giam tại nhà tù Hoả Lò Hà Nội đồng chí tập trung trí tuệ sức lực viết tài liệu 'Công nhân vận động' đúc kết kinh nghiệm về công tác vận động Công nhân của Đảng.


 


Sáng sớm ngày 31/7/1932, Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân bị địch chém, trước đề lao Hải Phòng. Bước lên máy chém  Nguyễn Đức Cảnh hô vang khẩu hiệu:


 - Đảng cộng sản Đông Dương muôn năm,


 - Đả đảo đế quốc Pháp, đả đảo hội đồng đề hình


Nguyễn Đức Cảnh ra đi ở tuổi 24 tràn đầy mơ ước và nhiệt huyết cao. Người Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hải Phòng sống mãi trong lòng nhân dân đất Cảng.


 


Tô Khuyên

Facebook zalo

Các tin đã đưa