Trần Trọng Hoan khi hoạt động cách mạng ở Nam Định, Hải Phòng có bí danh là Thạch và Đá, xuất thân trong một gia đình nông dân ở làng ven nội Mỹ Trọng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. ở tuổi thanh niên, Trần Trọng Hoan vào thành phố Nam Định học nghề thợ nguội rồi làm thợ ở nhà máy sợi Nam Định, nơi người anh ruột tên là Trần Trọng Hợp cũng làm thợ nguội từ trước.
Thời gian này ở các nhà máy Sợi, máy Tơ và trường Thành Chung Nam Định, có phong trào đấu tranh chống bọn chủ bắt lao động cực nhọc lại hay cúp lương, lưu lương và phong trào đòi tha Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh... Đầu năm 1927, Thanh niên cách mạng đồng chí Hội cử một cán bộ tên là Sơn đã qua lớp đào tạo của Nguyễn ái Quốc ở Quảng Châu về xây dựng cơ sở cách mạng ở Nam Định, Ninh Bình. Giữa năm 1927 ở nội thành Nam Định đã có một chi bộ ghép của Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Hai anh em Trần Trọng Hợp được Trần Văn Lan, Hồ Công Chương giác ngộ, giới thiệu gia nhập Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Trên cơ sở một số cốt cán, đồng chí Sơn đã tổ chức một chi bộ gồm 8 người, trong đó có Phạm Văn Ngọ (Xương, Ngạn), Đinh Trọng Vĩnh (Bình), Trần Trọng Hợp, Trần Trọng Hoan... do Trần Trọng Hợp làm Bí thư. chi bộ này hoạt động rất tích cực nên khi chuyển Đảng cả chi bộ đều được chuyển sang Đảng cộng sản Đông Dương. Cũng chính chi bộ cộng sản này đã rèn luyện qua đấu tranh thử thách đào tạo được nhiều cán bộ cho Xứ uỷ Bắc Kỳ.
Đinh Trọng Vĩnh đã thuê một căn nhà ở làng Mỹ Trọng để làm cơ quan của tỉnh bộ Nam Định theo phân công của Tỉnh uỷ. Ngày 11-10-1929, Tri huyện Mỹ Lộc Đỗ Quý Bình khám xét cơ quan bắt được Lê Ngọc Dư, truy lùng ráo riết chủ hộ Trần Trọng Hoan. Vì Vậy, Xứ uỷ điều ông ra Hải Phòng. Phi Vân (Nguyễn Hữu Căn) đã thu xếp cho Trần Trọng Hoan vào làm thợ nguội trong nhà máy Tơ Hải Phòng và giao nhiệm vụ xây dựng Công hội đỏ ở nhà máy. Sau khi Đinh Trọng Vĩnh (Bình) bị bắt, Xứ uỷ chỉ định Trần Trọng Hoan làm Bí thư tỉnh uỷ Đảng bộ Hải Phòng, Trần Văn Mạc và Phạm Văn Phóng tức An là uỷ viên. Lúc này, chính quyền thực dân chuẩn bị tổ chức toà án đặc biệt ở tỉnh lỵ Kiến An để xử hơn 100 chính trị phạm, trong đó có 72 chiến sĩ cộng sản. Tỉnh uỷ đề ra chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phong trào chống khủng bố trắng, phản đối Hội đồng đề hình, tổ chức phân công đấu tranh chống đuổi thợ, giãn thợ vô lý vì bọn chủ lấy cớ khủng hoảng kinh tế. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, trong tháng 1 đầu tháng 2 năm 1931 phong trào công nhân lại sôi nổi, với cuộc đấu tranh đòi tăng lương của 400 công nhân Xi măng thắng lợi, bãi công của Hãng dầu Pháp á, làm reo của số đông phu kéo xe tay... truyền đơn, áp phích, treo cờ ở nhiều nơi. Cũng dịp này, tờ báo Simoong của Chi bộ Xi măng được ấn hành có ảnh hưởng lớn ở Hải Phòng, Vùng mỏ, Nam Định.
Do phản bội của Nghiêm Thượng Biền, ngày 20/4/1931, các cơ quan bí mật của Trung ương, của Xứ uỷ đặt ở Hải Phòng, của Đảng bộ Hải Phòng đều bị phá, 36 cán bộ bị bắt, trong đó có Trần Trọng Hoan. (Có tài liệu ghi ngày 27 hay 28/4/1931, mật thám mới bắt được ông) bị tra tấn cực hình, bị kết án khổ sai chung thân; nhưng đến tháng 7 năm 1932, ông đã hy sinh tại nhà lao Hoả Lò Hà Nội, cùng thời gian này, Trần Trọng Hợp anh ruột ông cũng bị đầy đi Sơn La với án 20 năm khổ sai
N. Đ. L.
- Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng tập I.- Tr. 113-115
- Hồ sơ lưu của Bảo tàng Hải Phòng, Bảo tàng cách mạng Việt Nam