Hoàng Đình Giong sinh năm 1902 tại một gia đình nông dân dân tộc Tày bản Nà Toàn, xã Xuân Phách nay là xã Đề Thám và một phần xã Vinh Quang, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng. Thuở nhỏ, chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng yêu nước chống Pháp của ông nội. Tư tưởng yêu nước của anh bộc lộ rõ qua các bài luận trong những năm theo học tại trường tiểu học thị xã Cao Bằng. Do đó tại các kỳ thi vào trường trung học năm 1923 và năm 1924 Hoàng Đình Giong đều bị đánh trượt. Anh cùng hai người bạn thân là Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Chi bị mật thám Pháp ghi tên vào sổ đennnn là những kẻ có tư tưởng chống 'Nhà nước bảo hộ'. Năm 1925, anh về Hà Nội dự thi và trúng tuyển vào trường Bách Nghệ. Tại trường Bách nghệ Hà Nội, anh đã tham gia phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh và bị đuổi học. Mùa hè năm 1926, anh trở về Cao Bằng cùng một số bè bạn tích cực hoạt động gây dựng phong trào yêu nước, bị mật thám Pháp săn đuổi. Giữa năm 1927, anh bí mật vượt biên giới Việt Trung ra Long Châu (Trung Quốc). Tại Long Châu, anh gặp Hoàng Văn Thụ và được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội năm 1928. Cuối năm 1929, được Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn kết nạp vào Đảng, phân công hoạt động tại chi bộ cộng sản hải ngoại tại Long Châu. Đây là chi bộ Cao Lạng do Hoàng Đình Giong làm Bí thư. Trên thực tế chi bộ này có vai trò rất lớn đối với việc xây dựng cơ sở Đảng ở vùng Cao Bằng Lạng Sơn, giúp ban chỉ huy hải ngoại của Đảng và phong trào trong nước những năm 1933 1935, trong đó có Hải Phòng.
Tháng 7/1933, được Lê Hồng Phong giao nhiệm vụ, Hoàng Đình Giong bí mật xuống Hải Phòng, Hồng Gai gây dựng lại cơ sở. Tại Hải Phòng, bắt liên lạc với hai đồng chí Rệu và Thanh để gây dựng lại cơ sở Đảng. Giữa năm 1934, đồng chí lại về Hải Phòng, thành lập chi bộ Đảng (chi bộ này có Đỗ Duy Mạc, Nguyễn Văn Cấn...). Cuối năm 1934, đồng chí ra nước ngoài nhận nhiệm vụ mới. Từ chi bộ do đồng chí gây dựng lại, những năm 1934 1935, cơ sở của Đảng bộ Hải Phòng dần được khôi phục và lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân Cảng, máy Tơ, phong trào đấu tranh đòi thả tù chính trị Việt Nam.
Tại Đại hội Đảng lần thứ nhất (họp tại Ma Cao, Trung Quốc) năm 1935, Hoàng Đình Giong được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách phong trào Bắc Kỳ. Với cương vị đó, ngày 4/2/1936 đồng chí cùng nữ đồng chí Vọng Bình về kiểm tra phong trào ở Hải phòng và bị địch bắt. Trong phiên toà xét xử tại Cao Bằng, ngày 27/5/1936 đồng chí bị toà án thực dân Pháp kết án 5 năm tù. Từ đó đồng chí lần lượt bị giam cầm ở các nhà tù Cao Bằng, Hoả Lò Hà Nội, căng Bắc Mê, nhà tù Sơn La và bị đày đi biệt xứ đi Mađagatsca (châu Phi). Tại Mađagatsca, đồng chí đã tranh thủ được danh nghĩa Đồng minh chống phát xít và được chính phủ Anh cho phép về nước tìm hiểu tình hình. Cuối năm 1943 đến năm 1944, đồng chí đi từ Ấn Độ đi Côn Minh (Trung Quốc) về Pắc Pó gặp Lê Quang Ba, Vũ Anh. Sách lược tranh thủ Đồng minh của đồng chí và một số đồng chí bị đi đày biệt xứ được Trung ương Đảng chấp nhận và chỉ thị phải nhanh chóng tìm mọi cách trở về tổ quốc hoạt động. Sau khi trở về Ấn Độ đồng chí đã cùng các đồng chí Lê Giản, Dương Công Hoạt và Hoàng Hữu Nam được không quân Anh chở máy bay nhảy dù xuống Cao Bằng. Được trở về tổ quốc, Hoàng Đình Giong tích cực hoạt động và có công lớn trong tổ chức thắng lợi cách mạng tháng Tám 1945 ở Cao Bằng.
Cuộc Nam Bộ kháng chiến bắt đầu. Hoàng Đình Giong được cử giữ chức chỉ huy trưởng đoàn quân Nam tiến, uỷ viên chính trị quân đội miền Nam với bí danh là Vũ Đức. Sau đó được cử là khu trưởng khu 9. Tháng 9/1946 đồng chí được lệnh ra Bắc, ra đến Ninh Thuận lại được Uỷ ban Nam bộ kháng chiến bổ nhiệm là khu trưởng khu 7. Tháng 3/1947, cơ quan chỉ huy khu 7 bị địch tập kích bất ngờ, đã anh dũng hi sinh.
Hoàng Đình Giong là người cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng đã có công trong khôi phục laị Đảng bộ và phong trào cách mạng tại Hải Phòng những năm 1933 1935.
Phạm Xuân Thanh
Tài liệu của Ban tuyên giáo tỉnh uỷ Cao Bằng và Ban tuyên giáo thành uỷ Hải Phòng.