Nguyễn Phú Thập

Nguyễn Phú Thập còn có tên là Cảnh, Phát, người làng Dưỡng Động nay thuộc xã Minh Tân, Thuỷ Nguyên. Anh được giác ngộ về tham gia cách mạng ở độ tuổi còn rất trẻ.


 


Vốn thông minh tháo vát cậu được bố mẹ cố gắng cho đi học chữ, học nghề. Năm 16 tuổi Nguyễn Phú Thập học nghề may rồi chụp ảnh, truyền thần. Thời gian học ở Hải Phòng, Hòn Gai anh thường xuyên chứng kiến những cuộc bãi công, biểu tình của thợ thuyền. Nhiều lần anh hoà mình vào đoàn thợ mỏ lấm lem bụi than, giơ cao nắm tay, hô vang khẩu hiệu đòi tự do cơm áo, hoà bình.


 


Năm 1937, Nguyễn Phú Thập mở hiệu ảnh nhỏ ở chợ Hương (Kiến Thuỵ) vừa chụp ảnh vừa làm nghề truyền thần. Lúc đó một nhóm Hướng Đạo Sinh của học sinh Hải Phòng do Vũ Quý phụ trách  đang có những hoạt động ở Kiến Thuỵ. Dựa vào cái vỏ hợp pháp đó Vũ Quí bí mật tuyên truyền cách mạng và Nguyễn Phú Thập được giác ngộ và trở về quê chuẩn bị cho kế sách lâu dài. Thời gian sau, Vũ Quí giới thiệu Bùi Đức Minh cán bộ Xứ uỷ Bắc kỳ. Nguyễn Phú Thập và anh chính thức tham gia vào các hoạt động cách mạng. Anh đi khắp vùng mỏ chắp nối cơ sở, chuyển giao tài liệu của Trung ương của Xứ ủy.


 


Ở Dưỡng Động, Nguyễn Phú Thập tập hợp một số thanh niên có tinh thần yêu nước, giác ngộ họ và hướng dẫn họ về công tác cách mạng. Năm 1938 anh được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, được giao trách nhiệm xây dựng đường dây liên lạc giữa khu uỷ B, giữa Hải Phòng với vùng mỏ. Nguyễn Phú Thập về Dưỡng Động mở hiệu may, chụp ảnh truyền ảnh nhằm che mắt địch để hoạt động. Anh tập hợp thanh niên tập võ, học kiếm, vận động nhân dân các xóm đấu tranh chống âm mưu chia làng của chính quyền tay sai, vận động nhà giàu giúp đỡ gia đình nghèo đói. Với những vỏ bọc chắc chắn đó, tháng 2/1940, chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương được thành lập do Nguyễn Phú Thập làm Bí thư. Chi bộ cùng Nguyễn Phú Thập đảm đương công tác giao thông, Động Dưỡng trở thành điểm đầu mối liên lạc hết sức quan trọng. Nhiều cán bộ, tài liệu cách mạng được đưa đến, tiếp nhận qua cơ sở này. Chi bộ Dưỡng Động từng bước mở rộng hoạt động tuyên truyền gây dựng cơ sở sang các vùng Tràng Kênh, Thuỷ Đuờng, Hà Phú. Do có kẻ khai báo, đêm 4 rạng 5/5/1941, mật thám Pháp về Dưỡng Động bắt Nguyễn Phú Thập cùng hai giao thông viên của liên  tỉnh B vừa chuyển tài liệu về từ chiều hôm trước. Dù bị kẻ thù tra tấn dã man nhưng Nguyễn Phú Thập vẫn một lòng son sắt, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng của nhân dân. Qua nhiều lần xử án, trong phiên toà ngày 6/11/1943 tại Hà Nội, thực dân Pháp tuyên án phạt Nguyễn Phú Thập 20 năm tù khổ sai, 20 năm tù quản thúc và đày đi Côn Đảo. Trong tù, Nguyễn Phú Thập tích cực đấu tranh, hăng hái công tác say mê học tập, rèn luyện.


 


Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, anh được Đảng đón về đất liền. Về Sài Gòn đúng lúc Thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm thành phố thế là Nguyễn Phú Thập không có thời gian trở về quê hương. Anh được giao làm chính trị chỉ đạo viên một đơn vị Cộng hoà vệ binh Nam bộ trực tiếp chiến đấu bảo vệ Sài Gòn. Thời gian sau anh được điều làm Chi đội trưởng chi đội 30 thuộc miền Tây Nam Bộ. Năm 1950 anh hi sinh anh dũng trong mặt trận chiến đấu chống địch càn quét tại huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá. Tấm gương về lòng yêu nước, về hoạt động cách mạng và chiến đấu hy sinh của Nguyễn Phú Thập vẫn sống mãi trong các thế hệ người Hải Phòng, người Sài Gòn Nam bộ.


 


Đoàn Trường Sơn


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa