Trần Ngôn Chi

Trần Ngôn Chi, có tài liệu ghi là Ngôn Tri, khi hoạt động bí mật mang bí danh Nguyễn Hải, sư Định. Không rõ năm sinh, hy sinh năm 1945 tại tỉnh Quảng Yên. Người làng Đông Khê, huyện Hải An tỉnh Kiến An, nay là phường Đông Khê, quận Ngô Quyền thành phố Hải Phòng. Làng Đông Khê ở ven nội, dân làng nhiều người vào nội thành làm ăn, nhiều thợ thuyền, công tư chức nhỏ vào thuê nhà, mua đất làm nhà ở đây do giá cả rẻ hơn. Tuy ở gần sát nội thành nhượng địa nhưng thuộc địa bàn tỉnh Kiến An, hưởng chế độ bảo hộ; công an, cảnh sát của Hải Phòng không thể tự tiện kiểm soát, vây ráp mà phải thông qua chính quyền tỉnh Kiến An, huyện Hải An. Đặc điểm này thuận lợi cho việc đặt cơ sở cách mạng.


 


Trần Ngôn Chi xuất thân trong một gia đình trung nông lớp trên, được gia đình chăm lo việc học tập. Khi đi học trường tiểu học Pháp -Việt do ảnh hưởng của thầy giáo, của bạn bè tiến bộ đã phát triển tinh thần yêu nước. Đến tuổi trưởng thành, ở Đông Khê phong trào cách mạng đã khá mạnh, nhất là thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Các tổ chức ái hữu, Tương tế rồi Truyền bá quốc ngữ đều có. Đặc biệt sách báo do Đảng Cộng sản xuất bản được truyền bá rộng, cuốn hút thanh niên. Trần Ngôn Chi và các bạn cùng trang lứa, đồng hương như Trần Các, Trần Viết Diệu (An Ngảnh) được giác ngộ. Từ nhóm cốt cán này mở rộng tổ chức thanh niên, thu hút đến vài chục thanh niên nam nữ đủ mọi tầng lớp tham gia. Lúc ấy Đông Khê là một trung tâm của phong trào thanh niên. Kết quả ấy có đóng góp của Trần Ngôn Chi. Cuối năm 1939 bị bắt kết án 6 tháng tù, giam ở nhà lao Hải Phòng, hết hạn phải an trí tại chùa Thủ Sĩ xã Thiện Phiến tỉnh Hưng Yên. Tại đây, Trần Ngôn Chi đã liên hệ được với bên ngoài, giới thiệu một số cán bộ Xứ uỷ Bắc Kỳ và khu B về bắt liên lạc với nhóm thanh niên phản đế ở Đông Khê. Từ nhóm nòng cốt Đông Khê, các cán bộ của Xứ uỷ, của khu B đã mở rộng ra các làng Trung Hành, Hàng Kênh, Dư Hàng,  Lạc Viên... Cuối 1940 trốn khỏi nơi cư trú liên hệ được với Xứ uỷ, được phân công về huyện Kim Thành củng cố phong trào, Trần Ngôn chi đã cùng với ông già Đôi, ông giáo Nghĩa đều là cán bộ địa phương phân công phụ trách từng khu vực để xây dựng cơ sở cách mạng. Tháng 2/1942, Trần Ngôn Chi đã kết nạp Nguyễn Thành Chương(Hoằng), Nguyễn Thế Dị vào Đảng Cộng sản Đông Dương, thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện do Trần Ngôn Chi làm Bí thư. Từ khi có chi bộ Đảng, các tổ chức cứu quốc phát triển rộng khắp huyện, xây dựng được đường dây liên lạc của Xứ uỷ Hải Phòng - Kim Thành - Thành phố Hải Dương, Cống Mỹ, Đình Dù... Trong khi phong trào phát triển, tháng 4/1943 cơ sở Hải Phòng bị phá, địch theo đầu mối truy lùng cán bộ của Xứ uỷ, của khu B, nhiều cán bộ chủ chốt của Kim Thành cũng bị sa vào tay giặc, trong đó có Trần Ngôn Chi, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Nguyễn Thế Dị , Nguyễn Thành Chương, sư Cần. Thực dân kết án Trần Ngôn Chi năm năm tù, Đỗ Nhuận ba năm... rồi đày đi Sơn La. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9/3/1945, Trần Ngôn Chi trốn khỏi nhà tù, trở về hoạt động ở Tiên Lãng, Kiến An. Trước khởi nghĩa được điều về làm Bí thư tỉnh uỷ Quảng Yên. Lúc này, bọn thổ phỉ hoành hành cướp phá ở các huyện vùng núi, Trần Ngôn Chi đã hy sinh trong một trận chỉ huy quân dân tiễu phỉ do tên Nguyễn Kim Thành cầm đầu.


                                                                              N. Đ. L


1. lịch sử Đảng bộ huyện An Hải - Hải Phòng, 1990.- Tr.47,55


2. Lịch sử Đảng bộ huyện Kim Môn, 1993.- Tr. 33, 34, 36, 37


3. Thư ông Trần Các (bạn chiến đấu của Trần Ngôn Chi ), Ngày 24/10/19

Facebook zalo

Các tin đã đưa