Văn Cao

Văn Cao tên khai sinh là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày15/11/1923 tại Hải Phòng. Quê gốc của ông là thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định.


            Văn Cao xuất thân từ gia đình công chức. Hồi nhỏ ông học trường Bonnal Hải Phòng, sau đó tiếp tục cấp trung học tại trường dòng Xanh Giôdep và học thêm âm nhạc cũng tại đây. Không bao lâu, vì gia đình sa sút, người cha xin cho Văn Cao làm điện báo viên ở nhà Dây thép (Bưu điện) Hải Phòng. Tuy nhiên chỉ sau một tháng Văn Cao đã bỏ việc và lâm vào cảnh thất nghiệp.


            Lúc này, âm nhạc châu Âu đã lan toả sâu rộng ở nước ta  và phong trào sáng tác nhạc mới, đương thời gọi là 'Âm nhạc cải cách' chính thức ra đời, được công luận chấp nhận và tán thưởng. Từ đó xuất hiện một số tác giả đi tiên phong như Nguyễn Xuân Khoát, Lê Thương, Hoàng Quý, Dương Thiệu Tước, Doãn Mẫn, Văn Cao, Lưu Hữu Phước...


            Năm 1939 Văn Cao viết ca khúc đầu tay 'Buồn tàn thu'. Năm sau dọc đường vào Nam, ông dừng lại Huế, viết 'Một đêm đàn lạnh trên sông Huế', cũng được coi là bài thơ đầu tiên của mình. Ông tiếp tục xuôi vào Sài Gòn, sau đó trở về Hải Phòng, bắt đầu thời kỳ thăng hoa về âm nhạc của mình với 'Thiên thai' (1941), 'Bến xuân' (1942), 'Cung đàn xưa' (1942), 'Suối mơ', 'Trương Chi'...


            Ca khúc của Văn Cao gồm hai bộ phận rõ rệt, đó là những ca khúc lãng mạn như đã nêu ở trên và những ca khúc yêu nước, cách mạng hào hùng và khí phách như: 'Gò Đống Đa', 'Thăng Long hành khúc ca'.


            Trước cách mạng tháng Tám Văn Cao còn viết truyện ngắn đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy những năm 1942, 1943.


            Năm 1942 Văn Cao lên Hà Nội, bỗng theo đuổi một ham mê mới: Hội hoạ. Ông được nhận vào học dự thính ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1943, 1944 Văn Cao hai lần xuất hiện trong triển lãm duy nhất (Salon Unique) tổ chức tại nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội với ba bức tranh sơn dầu: 'Cô gái dạy thì', 'Sám hối', 'Nửa đêm' (tự hoạ), Đặc biệt tác phẩm 'Cuộc khiêu vũ những người tự sát' được đánh giá cao và gây chấn động dư luận. Vừa vẽ tranh, Văn Cao vừa sáng tác ca khúc, sống thiếu thốn, vất vưởng giữa một Hà Nội đói khát. Văn Cao và bạn bè thường phải đứng bán các sáng tác của mình trên các đường phố Hà Nội, Hải Phòng.


            Cũng trong thời gian này, Văn Cao được giới thiệu vào Việt Minh. Có lần ông đã trở về Hải Phòng cùng với anh em Trần Liến, Trần Thuý Liên, Trần Khánh được lệnh trừ khử tên chỉ điểm lợi hại Đỗ Đức Phin. Nhận nhiệm vụ sáng tác bài hát cho học viên trường Quân chính kháng Nhật, Văn Cao đã viết Tiến quân caaaa trong một căn gác hẹp số 171 Rue Mongrand (nay là 45 phố Nguyễn Thượng Hiền) Hà Nội. Theo đề nghị của Vũ Quí năm 1945 bài hát này được Đại hội Quốc dân ở Tân Trào chọn làm Quốc ca và năm 1946 được Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chính thức công nhận. Cùng năm đó, Văn Cao viết 'Chiến sĩ hải quân', 'Chiến sĩ không quân', 'Chiến sĩ Việt Nam', 'Công nhân Việt Nam', 'Bắc Sơn'.


            Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Văn Cao lên chiến khu Việt Bắc, khi hoà mình vào cuộc sống của nhân dân, khi lăn lộn cùng các chiến sĩ ngoài mặt trận. Nhiều ca khúc ra đời đánh dấu những chặng đường kháng chiến như: 'Làng tôi', 'Ngày mùa' và đỉnh cao là 'Trường ca sông Lô'. 'Ca ngợi Hồ Chủ Tịch' và 'Tiến quân ca' cũng là những đỉnh cao về ca khúc cách mạng của Văn Cao.


            Sau hoà bình lập lại, do ủng hộ quan điểm của nhóm Nhân văn - Giai phẩm, Văn Cao bị phê phán và cả một thời gian dài bị chìm vào quên lãng. Ông sống vất vả bằng vẽ bìa sách, minh hoạ cho báo chí, đôi khi trang trí sân khấu, viết nhạc phim theo đơn đặt hàng... Từ những năm 80 trở lại đây giá trị Văn Cao dần dần được phục hồi. Văn Cao còn để lại vở kịch: 'Cái hầm sống' (1948), tập thơ Lá (1988) và trường ca 'Những người trên cửa biển' (1956)


            Văn Cao nguyên là Phó tổng Thư ký Hội Văn học Việt Nam, Uỷ viên Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam (khoá I và III). Ông được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba (1988), hạng nhất (1993).


            Văn Cao từ trần ngày 10/7/1995 tại Hà Nội. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (1996). Văn Cao là một tài năng nghệ thuật đa dạng  


 


                                                              L. V. KH.


 


 


1. Những ảnh hưởng của âm nhạc châu Âu trong ca khúc Việt Nam:1930-1950/Vũ Tự Lân, Nxb. Thế giới, 1997.


2. Nhà văn Hải Phòng - Chân dung và tác phẩm, Nxb. Hội Nhà văn, 2000.

Facebook zalo

Các tin đã đưa