Trần Kiên (Đặng Văn Minh)

Tên khai sinh là Đặng Văn Minh. Khi hoạt động bí mật có bí danh Mỹ, Chấn, Trần Kiên. Ông sinh ngày 1/1/1910 tại làng Bách Tính nay thuộc xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình cố nông, cả nhà ông phải tha phương cầu thực, năm 16 tuổi ông đã theo hai anh trai là Đặng Kính, Đặng Mùi vào làm phu ở nhà máy Xi măng Hải Phòng, chịu nhiều cơ cực. Hai người anh sớm tham gia tổ chức tương tế, ái hữu ở nhà máy và sau trở thành cơ sở cách mạng. Gia đình ông Kính là nơi ở của các ông Hoàng Văn Nõn, Xứ uỷ viên Bắc Kỳ cùng các cán bộ của Xứ uỷ ngày ấy như: Huấn (tức Lê Liêm), Bé con (tức Trần Quang Huy).


Được các chiến sĩ cộng sản lớp đầu ở nhà máy xi măng như: Đào Duy Thỉnh, Lê Đông, Phương, Bồi... giúo đỡ, giáo dục Đặng Văn Minh đã tham gia các hoạt động cách mạng từ năm 1931, tham gia ái hữu ở đây. Năm 1937 được Chi bộ Đảng cộng sản Đông Dương của nhà máy kết nạp vào Đảng, năm 1938 được chỉ định làm bí thư chi bộ một phân xưởng. Tháng 3/1940, Hoàng Văn Nõn xứ uỷ viên về thay Tô Hiệu đã lập ban cán sự liên tỉnh B đặt trụ sở ở Hải Phòng và lập ban cán sự tỉnh Hải Phòng gồm 3 người do Nguyễn Đức Chuế làm Bí thư. Nhưng đến tháng 11 năm này toàn ban cán sự Hải Phòng bị bắt. Xứ uỷ lại cử xứ uỷ viên Thành Ngọc Quản về xây dựng và lập lại cơ quan lãnh đạo cử Thành uỷ Hải Phòng gồm 5 người do Nguyễn Hữu Trác (tức Thạch) làm Bí thư. Đặng Văn Minh làm phó Bí thư phụ trách công tác thanh vận và công tác tự vệ. Nhưng cuối tháng 11/1940 toàn Ban chấp hành lại bị bắt. Ông bị tra khảo tàn khốc nhưng luôn giữ vững khí tiết người cộng sản, toà án thực dân kết án 4 năm tù, giam ở các nhà tù Hải Phòng, Hà Nội, Sơn La. Ở các  nhà tù trên, ông đều hoạt động, liên hệ với tổ chức Đảng, lãnh đạo đấu tranh chống ngược đãi, đòi cải thiện cuộc sống và tổ chức học tập văn hoá, lý luận cách mạng.


Hết hạn tù, chính quyền thực dân buộc ông về Nam Định và quản thúc ở đây. Nhưng ông tìm mọi cách liên lạc được với một số chiến sĩ cách mạng ở nhà máy sợi Nam Định. Tổng khởi nghĩa, Đặng Văn Minh được chỉ định làm chủ nhiệm Việt Minh huyện Nam Trực. Đầu năm 1946, được chỉ định tham gia Ban thường vụ tỉnh Nam Định. Năm 1947, Xứ uỷ điều ông về Hà Nam giữ chức vụ phó bí thư tỉnh uỷ kiêm chủ nhiệm Việt Minh tỉnh. Khi liên tỉnh Hải Kiến tách ra ông chuyển về làm bí thư tỉnh uỷ tỉnh Kiến An từ 1948 đến 1952. Thời gian này toàn tỉnh Kién An đã bị địch chiếm đóng, hoàn cảnh vô cùng khó khăn ông đã cùng Ban chấp hành tỉnh lãnh đạo quân dân Kiến An đấu tranh chống địch trên các mặt trận quân sự, chính trị, văn hoá, tư tưởng vô cùng cam go. Quyết liệt. Khi khu Tả ngạn sông Hồng thành lập ông được điều về tham gia khu uỷ, uỷ viên uỷ ban kháng chiến hành chính khu, phụ trách khối nội chính rồi Giám đốc khu Công an. Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi chuẩn bị tiếp quản khu tập kết 300 ngày, ông được cử tham gia ban thường vụ Thành uỷ Hải Phòng do ông Đỗ Mười làm Bí thư, đồng thời là uỷ viên Uỷ ban hành chính kiêm Giám đốc Công an Hải Phòng.


Từ 1966 dến 1976, ông được bầu làm Bí thư thành uỷ Hải Phòng đại diện Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá 4, 5, 6. Uỷ viên ban Thường vụ quốc hội khóa 5.


Khi Đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân thành phố Hải Phòng là một trọng điểm, ông đã có sáng kiến thành lập Ban quân sự của Thành uỷ do Bí thư trực tiếp làm trưởng ban để thống nhất chỉ huy và phối hợp điều hoà các lực lượng võ trang, thông tin liên lạc hậu cần, cấp cứu, các quân binh chủng đóng trên cùng địa bàn để đối phó kịp thời với các thủ đoạn đánh phá, phong toả Cảng. Quân uỷ Trung ương Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá cao kinh nghiệm này của thành uỷ Hải Phòng.


Tuy sinh quán ở Nam Định, nhưng gần như toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của người chiến sĩ cộng sản Trần Kiên gắn bó với Hải Phòng, nhất là những thời kỳ gay go, quyết liệt nhất. Ông được đồng chí, đồng bào yêu thương quý mến do sự hy sinh cống hiến cho dân, cho Đảng, do đạo đức giản dị, chan hoà, liêm khiết. Ông nghỉ hưu năm 1977 và qua đời tại Hải Phòng ngày 22/3/2000.


Do công lao thành tích cống hiến, ông đã được tặng: Huân chương độc lập hạng nhất, Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương chống Mỹ hạng nhất, Huy chương vì an ninh tổ quốc, Huy chương vì hệ trẻ.      


                                                                          N. Đ. L.


 


1. Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng tập I, II.


2.     Thông báo lễ tang và tiểu sử tóm tắt đăng báo Hải Phòng ngày 23/3/2000.


3.     Gia phả họ Đặng làng Bách Tính do Đặng Việt Châu soạn 1956.

Facebook zalo

Các tin đã đưa