Nguyễn Xuân Đài

Nguyễn Xuân Đài còn có bí danh là Lương Đình dùng trong khi tham gia cách mạng. Quê gốc và sinh quán tại thành phố Nam Định. Ông dòng dõi nhà nho, cha làm nhân viên thủ kho dưới triều vua Tự Đức nhà Nguyễn. Khi vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phát hịch Cần Vương,  cha ông và hai người anh ruột bà vợ cả là quan võ đã tham gia phong trào chống Pháp xâm lăng. Công cuộc Cần Vương thất bại, hai ông cậu trốn biệt tích, còn thân phụ Nguyễn Xuân Đài phải đổi họ thay tên, ở ẩn dạy học chữ Hán không lương cho con em dân nghèo ở phố xép thành Nam. Hoàn cảnh khó khăn, hai bà vợ phải buôn bán vặt lần hồi kiếm sống cho một gia đình đông miệng ăn, không có ruộng nương vườn tược. Tuy nhiên cha ông rất quan tâm đến việc học hành của con. Nguyễn Xuân Đài cùng các em được cha dạy chữ Hán ngay từ khi còn để chỏm. Vốn thông minh, ham học nên ông tiếp thu vốn Hán học khá sâu rộng, đã học xong Tứ thư, Ngũ kinh, Bắc sử, Nam sử lại đọc cả Lão Trang, Mặc Tử, Dương Tử... Do vốn Hán học cơ bản đó nên khi ra Hải Phòng, Nguyễn Xuân Đài đã tìm đọc tân thư của Lương Khải Siêu, Tôn Dật Tiên. Sau khi thực dân muốn xoá bỏ ảnh hưởng giáo dục nho giáo, trường của cha ông bị đóng cửa. Một học trò lớn của cha ông dạy ông chữ Quốc ngữ, chữ Pháp rồi xin cho ông vào trường tiểu học Pháp Việt ở Nam Định, năm 18 tuổi được vào trường trung học mang tên Juyn Ferry (Jules Ferry) của tỉnh này. Học xong bậc Thành Chung, năm 22 tuổi, ông thi đỗ Thông ngôn dây thép tức là nhân viên phiên dịch ngành Bưu điện, được tuyển dụng làm ở Bưu điện tỉnh Hải Dương, vài năm sau đổi về Bưu điện Hải Phòng, lúc này ông đã 25 tuổi, đã có vợ con, nhưng tính ham học đã thôi thúc ông phải học thêm bằng mọi cách. Ông đã nhờ một đồng sự người Pháp tên là Letstăng (Lestant) có bằng cử nhân văn khoa dạy thêm tiếng Pháp. Nhân đó ông có điều kiện học văn chương tư tưởng Pháp, nhất là tác phẩm của các nhà cách mạng Rousô (J.J Rousseau) Môngtesquiơ (Montesquieu)... Ngoài việc trau dồi thêm tiếng Pháp ông còn tranh thủ đi học thêm lớp kế toán, viết tắt (styno) do Phòng thương mại Hải Phòng mở buổi tối. Sau một thờ gian miệt mài học tập, không những ông thông thạo tiếng Pháp, am hiểu tiếng Anh lại đỗ cả ngạch tham tá bưu điện, đỗ cả bằng kế toán thương mại. Chính vì thế mà viên kế toán trưởng hãng buôn lớn nhất Hải Phòng lúc ấy hãng Đetscua Cabô (Descours et Cabaud) đã khuyên và giới thiệu ông vào làm kế toán cho hãng này với mức lương 150 đồng/tháng, gần gấp ba lần lương chính ở Bưu điện. Nguyễn Xuân Đài làm cho hãng này liên tục 27 năm. Đến năm 1939 vì đứng lên tranh đấu xin chủ tăng lương cho mình và đồng nghiệp nên bị đuổi việc, không được hưởng một khoản trợ cấp nào. Năm 1939, ông mở phòng kế toán để làm thuê cho các hãng buôn không có khả năng thuê kế toán riêng. Nhờ trình độ nghiệp vụ cao, trọng tín nghĩa nên phòng của ông làm ăn phát đạt. Trong trào lưu chung của sĩ phu nước ta ngày ấy muốn đi vào con đường thực nghiệp, lên án tư tưởng bảo thủ, nhiều nhà nho tiến bộ chung vốn mở cửa hiệu kinh doanh, chấn hưng nội hoá, Nguyễn Xuân Đài chịu ảnh hưởng của trào lưu chung. Từ năm 1922 nhân việc viên kế toán trưởng hãng Đetscua Cabô nhượng lại cho ba mẫu đất ở phố Tám Gian, ông đã vay vốn Địa ốc Ngân hàng để làm 61 gian nhà gạch cho thuê, nhưng tiền thu nhà không đủ để trả nên cuối cùng phái gán lại cho chủ cũ. Ông lại xoay ra kinh doanh nhà hát, đã xây rạp Lạc Mộng Đài ở Tám Gian, nhưng do mâu thuẫn trong nội bộ công ty nên phải bán cho Công ty Trần Mỹ Ngọc. Ông xây tiếp Bác Diễn Trường nhưng vì quá nhỏ nên bán đi rồi xây một rạp lớn hơn lấy tên là Văn Minh ca quán tại khu Cánh gà chợ Con. Có lẽ kinh doanh trong vấn đề này ông muốn góp phần chấn hưng nghệ thuật sân khấu dân gian cổ truyền mà ông vốn yêu thích. Đi đôi với việc làm tư chức, kinh doanh, Nguyễn Xuân Đài đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội chính trị. Ông đã tham gia phong trào để tang các chí sĩ cách mạng Phan Chu Trinh, Lương Văn Can... Năm 1917, một phần do ảnh hưởng báo chí nói về đời sống thợ thuyền, một phần nghe anh em thợ kể có người bị tai nạn lao động dù gãy tay gãy chân, thậm chí bị chết cũng không được chủ bồi thường, ông định lập ra Hội Thông Ích để bảo vệ, giúp đỡ người lao động bị nạn. Ông đã thảo điều lệ và vận động người vào hội. Cũng thời gian này, Thông Vôi tức Nguyễn Hữu Thu rủ Nguyễn Xuân Đài chung tiền mua phiếu để được bầu làm tư vấn nghị viên. Nhưng khi đã được bầu, Nguyễn Hữu Thu có thế lực đã chiếm các quyền lợi về kinh tế mà thực dân thí cho đám nghị gật để tranh thủ họ. Năm 1922, Hội Trung Bắc Kỳ Nông Công tương tế ra đời do Nguyễn Huy Hội, Nguyễn Mạnh Bổng chủ trì, có tờ tạp chí Hữu Thanh là cơ quan ngôn luận. Nguyễn Xuân Đài tham gia Ban chấp hành và được bầu vào làm Hội trưởng chi hội Hải Phòng, năm 1936 ông chủ toạ phiên họp của Ban chấp hành tại hội chợ Hà Nội  để đưa nguyện vọng giới nông thương sang cho chính phủ Pháp. Năm 1937, Nguyễn Tường Tam lập hội Ánh sáng tuyên truyền hướng dẫn làm nhà mẫu theo phép vệ sinh. Ông được bầu làm Hội trưởng Hội Ánh sáng Hải Phòng. Ông vận động thuê rẻ được một lô đất 3 mẫu ở Lán Bè, làm 8 nếp nhà mẫu kiểu ánh sáng giữa có vườn hoa, có phòng đọc sách. Nhà giáo cách mạng Nguyễn Công Mỹ được bố trí vào để giúp hội này tham gia các hoạt động thời kỳ Mặt trận nhân dân. Năm 1938, tên Đốc lý Hải Phòng Valet (Valette) kiêm chức Hội trưởng Hội cứu tế thành phố. Lúc quỹ Hội hết tiền, hắn mời ông làm hội phó và đề nghị ông gây quỹ. Ông đã mở Hội chợ cứu tế thu được đến 4.000 đồng Đông Dương nộp vào quỹ hội, nhưng khi cứu tế thì người Pháp được trợ cấp gấp chục lần người Việt, làm ông buồn bực nhưng yếu thế không dám đấu tranh. Năm 1940 Hội trưởng Hội Đồng thiện Hải Phòng là Phạm Kim Bảng chết ông được cử thay chức Hội trưởng. Hội đã tổ chức phát chẩn, chôn cất người nghèo chết không ai thừa nhận, làm đàn chay cầu siêu. Khi nạn đói Ất Dậu năm 1945 làm nhiều người chết đói, ông đã xin mua được gạo sổ giá rẻ có 53 đồng một tạ, trong khi giá chợ đen lên đến 700 đồng để mở Bình dân phạn điếm bán rẻ cho người nghèo với giá 2 hào một bữa, bằng giá 3 đồng ở các tiệm khác. Như vậy trước cách mạng tháng Tám 1945, Nguyễn Xuân Đài chủ yếu hoạt động có kết quả trong lĩnh vực xã hội. Ông tự kiểm điểm thấy mình không thấy rõ âm mưu của thực dân và có phần ham danh vọng, nhưng thực ra ông có tấm lòng nhân hậu của người hàn sĩ, gia đình đã trải qua nhiều cảnh ngộ gian nan nghèo túng. Chính vì thế khi cách mạng thành công, ông đã tự nguyện theo ngay cách mạng và Việt Minh đã nồng nhiệt đón nhận ông, giao cho ông nhiều nhiệm vụ: Trưởng ban kiểm tra tài chính thành phố đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến khu 8, địa điểm trọng yếu phải giữ để đồng bào sơ tán sang Kiến An. Trong kháng chiến chống Pháp phụ trách công tác kế toán Sở thông tin, của Ban tài chính liên khu 3, đồng thời làm thành hội phó Uỷ ban Liên việt thành phố Hải Phòng. Năm 1952 ông về làm chủ sự kho bạc Hải Phòng rồi chuyển sang làm uỷ viên Uỷ ban Mặt trận thành phố kiêm Hội trưởng hội Việt Trung hữu nghị Hải Phòng cho đến khi về hưu.


 


Nhận xét về Nguyễn Xuân Đài, nguyên chủ tịch Uỷ ban hành chính và Uỷ ban kháng chiến Hải Phòng ghi Cụ là người trước cách mạng tháng Tám đã tỏ ra hăng hái trong các phong trào suy tôn ủng hộ các nhà yêu nước và các phong trào đòi tự do dân chủ do Đảng cộng sản lãnh đạo, thời kỳ Mặt trận dân chủ. Sau khởi nghĩa đã được giao các nhiệm vụ về chính quyền khu phố, tài chính  và Mặt trận Việt Minh đã hoàn thành các công việc được giao. Vì thế đầu năm 1947 cụ đã được kết nạp vào Đảng cộng sản tại chi bộ văn phòng UBKC thành phố Hải Phòng do tôi trực tiếp là bí thư chi bộộộộ. Vũ Quốc Uy trong cuốn hồi ký Bình minh trên sông Cấm Hải Phòng 1985 cũng ghi lại hình ảnh đẹp của nhân sĩ trí thức Hải Phòng như Thi Sơn, Xuân Đài, cử  nhân Hán học Phạm Tài Luyện...


 


                                                          N. Đ. L


1. Bản tổng kiểm thảo của cụ Nguyễn Xuân Đài tại lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng dân chính các sĩ quan Trung ương năm 1953.


2.     Sơ yếu lý lịch của cụ Nguyễn Xuân Đài khai năm 1958 tại Uỷ ban  Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng.


3.     Tài liệu do gia đình cụ cung cấp.

Facebook zalo

Các tin đã đưa