Phạm Văn Phóng

Có tài liệu ghi ông họ Nguyễn, nhưng Lịch sử phong trào công nhân xi măng Hải Phòng, nơi ông hoạt động đều ghi họ Phạm, bí danh là An. Không rõ lai lịch  quê quán Phạm Văn Phóng, kể cả những người hoạt động thân cận với ông như Nguyễn Văn Điều (Điều Con), Đỗ Đình Điều (Điều già)...


 


Những hội viên Thanh niên cách mạng đồng chí Hội lớp đầu ở Xi măng, nơi có cơ sở cách mạng sớm, như Lê Đông, Đào Nguyên Thỉnh, Phan Du  (tức Duyệt) chỉ biết Phạm Văn Phóng là một cán bộ cử vào nhà máy hoạt động và tuyên truyền giác ngộ họ. Lúc đầu, thanh niên, công nhân ở đây thấy Phạm Văn Phóng là người sống mực thước, chan hoà, kham khổ nhưng vui vẻ, quan tâm đến bạn bè, chính Phạm Văn Phóng là người đầu tiên tổ chức thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Xi măng với ba công nhân khác là Lê Đông, Đào Nguyên Thỉnh, Phan Du. Đến giữa năm 1929 chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở nhà máy này đã có 12 Hội viên như: Thọ, Tỉnh, Phương, Bồi, Ngự, Tuyên, Lãm, Vân. Khoảng tháng 8/1929, tỉnh uỷ Hải Phòng cử đại diện xuống họp với nhóm Thanh niên cách mạng đồng chí Hội  Xi măng ở nhà Lê Đông phố Máy Chỉ, truyền đạt chủ trương giải tán Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và thành lập Đông dương cộng sản Đảng. Nhóm Thanh niên cách mạng đồng chí Hội Xi măng nhiệt liệt tán thành quyết định này, đợt đầu đã có 17, 18 đồng chí chuyển thành đảng viên cộng sản. Chi bộ Xi măng là một chi bộ đầu tiên của tỉnh bộ cộng sản Hải Phòng và hoạt động khá mạnh. Sau Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ngày 3/2/1930, Tỉnh đảng bộ Hải Phòng chính thức thành lập do Phạm Văn Ngọ (tức Xương, Ngạn) làm Bí thư, Phạm Văn Phóng tham gia Ban chấp hành, được phân công phụ trách phong trào khu Xi măng, Thượng Lý, Hạ Lý, Sở Dầu, Cam Lộ. Nguyễn Văn Điều (Điều con) làm Bí thư chi bộ cộng sản Xi măng đã được Phạm Văn Phóng bồi dưỡng, giúp đỡ nhiều. Đến tháng 4/1931, cả hai người đều tham gia Ban chấp hành Tỉnh bộ do Trần Trọng Hoan làm Bí thư.


 


Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phạm Văn Phóng và Nguyễn Điều, lại được Tỉnh uỷ, Xứ uỷ quan tâm lãnh đạo nên phong trào đấu tranh cách mạng ở nhà máy Xi măng khá sôi nổi. Giữa năm 1930, Phạm Văn Phóng, Nguyễn Văn Điều được gặp Tổng bí thư Trần Phú, giúp Trần Phú khảo sát phong trào công nhân, chuẩn bị cho Luận cương chính trị 10/1930 của Đảng. Chi bộ Xi măng thời gian này đã phát triển các tổ chức công khai để che mắt địch, củng cố phát triển Công hội đỏ, lập Xích vệ (tự vệ đỏ)-lực lượng võ trang bí mật tại chỗ để bảo vệ các cuộc mít tinh, biểu tình, đình công của công nhân nhà máy. Chi bộ còn ra tờ báo Xi Moong làm cơ quan tuyên truyền vận động, phát hành tương đối rộng gây ảnh hưởng tốt ở thành phố. Phong trào cách mạng ở khu Xi Măng, Sở Dầu, Thượng Hạ Lý, Cam Lộ do Phạm Văn Phóng phụ trách đang sôi nổi thì xảy ra vụ phản bội của tên Nghiêm Thượng Biền phá vỡ 6 cơ quan của Xứ uỷ, Tỉnh uỷ. Chi bộ Xi măng vẫn in và phát tán truyền đơn tuyên truyền kỷ niệm ngày 1/5 nhưng mật thám Pháp đã có âm mưu xảo quyệt phá cơ sở cách mạng Xi măng. Ngày 27/4/1931, chúng bắt Nguyễn Văn Điều (Điều Con) ở nơi làm việc. Sáng 28/4/1931 chúng lừa bắt Phạm  Văn Phóng tại cơ quan ở phố Máy Chỉ, đến chiều chúng bắt Đỗ Đình Điêu (Điều già), Vinh Cao, Đặng Văn Tỉnh, Huê, Mâu đen, Châu tại nhà máy. Hôm đó chúng còn bắt Thứ là hội viên Công hội đỏ và hai công nhân nhà máy mà chúng ngờ là có hoạt động cách mạng. Đến ngày 30/4/1931. Đào Nguyên Thỉnh bị bắt, khám nhà chúng tìm được truyền đơn, cờ búa liềm. Đến tối hôm ấy chúng bắt Nấu ở nơi làm việc.


 


Ở trong nhà tù Phạm Văn Phóng đã tham gia Ban trật tựựựự do Bí thư Tỉnh uỷ làm trưởng ban để lãnh đạo tù nhân tuyệt thực phản đối cùm kẹp, địch phải chấp nhận. Ngày 16/11/1931, Hội đồng đề hình mở tại Hà Nội đã kết án: Phạm Văn Phóng, Nguyễn Đình Điều, Trần Thị Thọ (Thảo lùn) 20 năm tù cầm cố đầy ra Côn Đảo. Đào Nguyên Thỉnh 5 năm tù đầy đi

Sơn La.
Đỗ Đình Điều 3 năm tù


                                                                                                                                                            N. Đ. L


- Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng tập I.- Tr. 74, 84, 85


- Hải Phòng những ngày sôi động. Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng.- Hải Phòng, 1980. Hồi ký Nguyễn Văn Điều.- Tr.3 - 44


- Lịch sử phong trào công nhân Xi măng Hải Phòng, 1991.- Tr. 45, 63, 64, 68, 70 và phụ lục.


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa