Trần Thành Ngọ người làng Văn Đẩu, quận Kiến An, thời gian trai trẻ đã từng là lính khố đỏ canh gác trên sân bay, nên còn gọi là Đội Ngọ, Đội Tàu bay. Giữa năm 1944, phong trào cách mạng ở Hải Phòng và ven thị xã Kiến An do Mặt trận Việt Minh lãnh đạo đã phát triển được nhiều cơ sở trong nông dân, công nhân, trí thức. Dưới sự chỉ đạo của Việt Minh, đã kết hợp việc dạy chữ với tuyên truyền đường lối đúng đắn của mặt trận, động viên khích lệ tinh thần dân tộc, dân chủ mọi tầng lớp nhân dân. Một số binh sĩ có tinh thần yêu nước đã được phong trào giác ngộ, trở thành quần chúng có cảm tình với cách mạng như Bùi Sinh ở Đẩu Sơn, Đội Ngọ (Trần Thành Ngọ) ở Văn Đẩu. Từ một binh sĩ yêu nước được Việt Minh giác ngộ, giao nhiệm vụ, Trần Thành Ngọ đã trở thành một chiến sĩ cách mạng quả cảm, có nhiều công sức xây dựng lực lượng công an Hải Phòng từ những ngày trước cách mạng tháng 8/1945.
Ngay trong ngày đầu khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hải Phòng (23/8/1945) chính quyền cách mạng đã cử các ông bà: Lê Quốc Thân, Đào Thị Hậu, Trần Thành Ngọ, Nguyễn Văn Mộc đến Sở cảnh binh cũ, tiếp thu toàn bộ cơ sở vật chất, tạm thời sử dụng cảnh binh viên chức cũ, điều hành trật tự giao thông, vệ sinh trong thành phố. Ngày 27/9/1945, Đoàn cảnh sát xung phong được thành lập sau khi thống nhất hai lực lượng cảnh sát và cảnh sát Liêm phóng thành Ty công an. Đoàn cảnh sát xung phong là lực lượng nòng cốt bảo vệ chính quyền cách mạng, tuần tra, canh gác, bảo vệ an ninh. Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trần Thành Ngọ, Ban an ninh đã có nhiều chiến công táo bạo kịp thời ngăn chặn âm mưu phá hoại, gây rối trật tự trị an trong thành phố Cảng. Trên cương vị cảnh sát trưởng uỷ viên uỷ ban bảo vệ thành phố Trần Thành Ngọ đã vạch kế hoạch điều hành, lực lượng công an xung phong và cảnh sát chiến đấu, bảo vệ từng khu vực ở nội thành Hải Phòng. Do lực lượng của ta buổi đầu còn thiếu thốn vũ khí đạn dược, Trần Thành Ngọ đã đề ra kế hoạch sử dụng một số cá nhân có cảm tình với kháng chiến, len lỏi trong các kho bãi, bến cảng thu lượm vũ khí, đạn dược cho đơn vị. Trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt, Trần Thành Ngọ đã nhiều lần trực tiếp thử các loại vũ khí lấy được của địch, do các đội viên đem về, trang bị cho quân ta.
Ngày 26/11/1946, Uỷ ban kháng chiến Liên tỉnh Hải Phòng Kiến An được thành lập (gọi tắt là liên tỉnh Hải Kiến). Mặt trận Liên tỉnh Hải Phòng Kiến An đã thành lập ba mặt trận A, B, C, chỉ huy chung là Đinh Thịnh, Dương Hữu Miên, Trần Thành Ngọ là chỉ huy phó mặt trận Cầu Niệm, Thị xã Kiến An, mang mật danh A, giữ một vị trí phòng vệ hướng chính diện, từ hữu ngạn sông Lạch Tray, phối hợp với mặt trận B và C, hình thành tuyến bao vây, giam chân quân địch trong khu vực nội thành Hải Phòng. Trong trận chiến đấu cảm tử bảo vệ thị xã Kiến An. Trần Thành Ngọ phó ban bảo vệ thành phố, phó chỉ huy Mặt trận Hải Kiến đã dũng cảm chiến đấu với quân Pháp đến hơi thở cuối cùng. Trong tình thế vô cùng khó khăn, sở chỉ huy quân ta ở núi Cột cờ (thị xã Kiến An) bị địch vây chặt. Mặc dù bị thương ở cánh tay, Trần Thành Ngọ vẫn bình tĩnh ra lệnh cho anh em rút còn lại một mình ngăn chặn địch lừa cho địch tới gần mới dùng răng mở chốt lựu đạn tiêu diệt giặc. Sự hi sinh oanh liệt của Trần Thành Ngọ là tấm gương sáng vì nước quên thân của lực lượng công an Hải Phòng trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Một trong những người lãnh đạo Việt Minh thành phố Hải Phòng, ông Vũ Quốc Uy hồi tưởng: Anh thực sự là trụ cột của cuộc chiến đấu bảo vệ thành phố và thị xã Kiến An... công lao của anh không phải là do công sưc riêng, mà vì anh biết tin và sử dụng sức mạnh của tập thể, anh biết nuôi quân không phải bằng đồng lương ít ỏi của chính phủ cấp cho mà cả sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dânnnn.
Nhân kỷ niiệm 50 năm ngày truyền thống lực lượng công an nhân dân Việt Nam, Quốc hội, Chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã ra sắc lệnh truy tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang cho liệt sĩ Trần Thành Ngọ.
L. T. L
1. Lịch sử công an nhân dân Hải Phòng:1945 - 1955
2. Lịch sử đấu tranh vũ trangg cách mạng thị xã Kiến An (1945- 1975)
3. Nghiên cứu lịch sử Hải Phòng. Số 2,3/1985.