Lý Hồng Nhật

Tên thật là Trần Văn Huyên, người thôn Khoái đồng, xã Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định; sinh trưởng trong một gia đình nhà nho nghèo, nhưng cha mẹ vẫn chăm lo việc học hành của con, nên sớm được theo học nền giáo dục mới. Sau khi học xong tiểu học Pháp - Việt, Nguyễn Đăng Huyên trúng tuyển vào trường Thành Chung Nam Định.


 


Năm 1926, Nguyễn Đăng Huyên học năm thứ tư, trường Thành Chung, thì bị đuổi học vì tham gia bãi khoá truy điệu Phan Chu  Trinh. Huyên lên Hà Nội xin việc làm. Tại đây, được nhận vào làm tại công ty Hoả Xa Hải Phòng - Vân Nam. Cũng trong thời gian này, Nguyễn Đăng Huyên tham gia bí mật hoạt động cách mạng. Ông đã gia nhập Việt Nam quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học và lấy bí danh là Lý Hồng Nhật.


 


Mùa thu năm 1927, có cuộc họp giữa Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội và Việt Nam quốc dân Đảng, tại phố Hàng Đào (Hà Nội). Mục đích cuộc họp là để thảo luận về vấn đề liên minh chống thực dân Pháp. Do sự chuẩn bị vội vàng, bị lộ nên cuộc họp không thành. Việt Nam quốc dân Đảng đã cử Lý Hồng Nhật và Nguyễn Đức Cảnh đi Quảng Châu (Trung Quốc) để nghiên cứu về Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Tại đây, hai người được theo học lớp chính trị của Tổng bộ Thanh niên, do Hồ Tùng Mậu phụ trách. Học xong lớp học, với kiến thức tiếp thu được và nhận thấy con đường cách mạng chân chính của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra, Lý Hồng Nhật và Nguyễn Đức Cảnh đã ly khai  Việt Nam quốc dân Đảng. Hai người đã tình nguyện gia nhập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Nguyễn Đức Cảnh trở về Việt Nam trước, còn Lý Hồng Nhật ở lại Quảng Châu phụ trách cơ quan liên lạc quốc tế của Tổng Bộ thanh niên. Tháng 11/1928, Lý Hồng Nhật bắt đầu giao lưu, trao đổi tài liệu từ Hồng Kông về Hải Phòng. Người trực tiếp nhận tài liệu của ông từ hải ngoại là chị Đính (tức vợ Dương Hạc Đính) thông qua đồng chí Đản, nhân viên vô tuyến điện tàu Liêm Châu.


 


Năm 1930 Lý Hồng Nhật về nước, phụ trách đường dây liên lạc quốc tế của Đảng, cơ quan đặt tại Hải Phòng. Ngày 20/4/1931, tên phản bội Nghiêm Thượng Biền đã dẫn mật thám đến bắt ông. Trong quá trình khảo tra nhiều lần nhưng Sở mật thám Bắc Kỳ bất lực, không khai thác được một tư liệu nào ở Lý Hồng Nhật. Cuối cùng Hội đồng đề hình đã kết án ông tù chung thân và đày đi Côn Đảo. Do chế độ nhà tù đế quốc dã man và thâm độc, cộng với những cực hình tra tấn của kẻ thù, Lý Hồng Nhật đã bị loạn óc, lâm bệnh rồi mất tại Côn đảo.


 


Quá trình hoạt động cách mạng của Lý Hồng Nhật tại Hải Phòng (từ năm 1928-1931) tuy ngắn ngủi nhưng đã có nhiều dấu ấn sâu sắc về những ngày đầu Hải Phòng tiếp thu ánh sáng, truyền bá tư tưởng cách mạng chân chính của đảng và của Nguyễn Ái Quốc. Hiện nay, ở phường Cát Bi, quận Ngô Quyền Hải Phòng có một đường phố mang tên ông.                                             


                                                                        V. L. N.



- Bản ghi theo lời kể của bác Vương Thế Dũng, Nguyên trưởng Ban NCLSĐ Thành uỷ Hải Phòng.

                                                  - Hồ sơ đặt tên đường phố Hải Phòng. (lưu tại UBND phường Cát Bi, phòng lưu trữ UBND thành phố)
Facebook zalo

Các tin đã đưa