Phạm Văn Phi là tên chính thức, khi mở hãng xe ở Vinh, Nghệ An chỉ dùng hai chữ Phạm Phi để đặt tên hãng. Ông xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở làng Lâm Động, huyện Thuỷ Nguyên tỉnh Kiến An, nay là xã Lâm Động, huyện Thủy Nguên, Hải Phòng. Thuở nhỏ có được học ít chữ Hán, biết chữ quốc ngữ.
Lâm Động vốn là làng đất chật, người đông lại ở thế gần các khu công nghiệp tập trung như Hải Phòng, Hồng Gai, Uông bí, Cẩm Phả... nên nhiều thanh thiếu niên làng này thường rủ nhau rời quê đi kiếm việc làm ở nơi khác. Từ tuổi thiếu thời, Phạm Văn Phi đã sang Hải Phòng học việc trong các xưởng thợ để kiếm sống. Vốn có chí tự lập lại từng sống trong cảnh bần hàn nên người thiếu niên nghèo, chăm chỉ, chịu khó học tập này được các bác thợ già yêu thương, giúp đỡ rèn cặp. Do đó, Phạm Văn Phi dần dà trở thành thợ giỏi, có óc sáng tạo. Có lần, Cảng Hải Phòng có một cần cẩu lớn, hiện đại gọi là cần cẩu vàng bị hỏng hóc không hoạt động được, thợ của Cảng bó tay, trong khi nhu cầu bốc dỡ hàng đang cần gấp. Giám đốc Cảng sốt ruột bèn hứa ai chữa được cần cẩu sẽ được thưởng. Thợ Phi nhận xin sửa thử, kết quả sau khi cặm cụi mày mò, cần cẩu vàng hoạt động trở lại trước sự ngạc nhiên của chủ và các bác thợ già. Một lần, chủ nhất mỏ than Hồng Gai có chiếc két sắt (caise ) đựng tiền bị hóc khoá không thể nào mở được. Loại khoá két bạc vốn rất phức tạp, ít thợ sửa được Phạm Văn Phi cũng nhận sửa và thành công. Hai lần sửa chữa cơ khí phức tạp thành công, Phạm Văn Phi không chỉ nổi tiếng khéo tay, giỏi nghề mà còn được trả công và khoản tiền thưởng hậu. Có chút vốn liếng và tay nghề, ông vào Vinh mở cửa hiệu sửa chữa ô tô mang tên Phạm Phi. Nhờ giỏi tay nghề, trọng chữ tín, thương yêu những người giúp việc cùng cảnh áo ngắn nên hiệu Phạm Phi đắt khách, làm ăn phát đạt. Vì vậy, ông có điều kiện mở rộng xưởng cơ khí sửa chữa, sau lại sắm được ô tô hoạt động trên các tuyến đường Vinh - Huế - Đà Nẵng - Đà Lạt và Vinh - Savanakhét ( Lào ). Lúc phát đạt nhất, hãng xe Phạm Phi có đến 43 đầu xe chạy; bảy, tám chục công nhân, phần đông là con em họ hàng người làng Lâm. Hãng này ngày ấy đã làm một con đường ở thành phố Vinh, được gọi là đường Phạm Phi. Một số thợ của hãng Phạm Phi được chủ giúp đỡ sau cũng thành những chủ hãng ở Uông Bí, Bắc Giang, Bắc Ninh... Ròng rã 20 năm ( 1908 - 1928 ) kiên trì lao động kinh doanh, từ một công nhân trở thành một chủ hãng lớn ở miền Trung. Nhưng vào thời kỳ kinh tế khủng hoảng - năm 1930 ông phải bán cả xí nghiệp cho nhà tư bản Bạch Thái Bưởi. Sau khi phá sản, ông buồn bực đau yếu rồi qua đời. Có thuyết nói ông bị đối thủ cạnh tranh đầu độc, nhưng đây chỉ là giả thiết .
Gia đình ông có cảm tình với phong trào cách mạng, con trai ông là Phạm Văn Ngự tham gia cách mạng trong cao trào kháng Nhật cứu quốc ở quê nhà, xây dựng nhóm Việt Minh ở Lâm Động, sau liên lạc với chiến khu Trần Hưng Đạo ( còn gọi là Đệ tứ chiến khu Đông Triều ). Phạm Văn Ngự tham gia Uỷ viên Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện Thuỷ Nguyên do ông Hoàng Ngọc Lương làm Chủ tịch. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ 20/12/1946, Phạm Văn Ngự được điều lên làm Uỷ viên Uỷ ban kháng chiến tỉnh Kiến An.
N. Đ. L
1. Tư liệu điền dã
2. Lịch sử xã Lâm Động.- Hải Phòng, 1996