Người làng Trà Hương huyện Nghi Dương xứ Hải Dương, nay là thôn Trà Phương, huyên Kiến Thụy ngoại thành Hải Phòng. Trước khi hợp tác xã nông nghiệp cải tạo đồng ruộng, làm lại bờ vùng, bờ thửa, nếu đứng về đỉnh núi Chè nhìn xuống một cánh đồn màu gần chân làng thấy rõ hình một gương tròn, một chiếc lược và con dao nhỏ. Thế đất ấy, theo các nhà phong thủy giải thích làng Trà Phương xưa thường sinh con gái có nhan sắc, đức hạnh. Và người ta thường nêu tên hoàng hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ đích của vua khai sáng nhà Mạc là Mạc Đăng Dung. Câu phương ngữ 'Cổ trai đế vương, Trà Hương công chúa' được dùng để chứng minh thuyết phong thủy trên.
Sử liệu chính thống hiện không có thông tin gì về bà, nhưng sử liệu điền dã và nhất là bia thời Mạc nói về bà tương đối nhiều. Hai nguồn sử liệu này đều thống nhất ca tụng vị Hoàng Thái hậu này 'là bậc thánh mẫu của thánh triều, chính vị Đông trào, hóa thành nam quốc, sánh đức thánh thiện Đồ Sơn (nhà Hạ)' (Văn bia ghi việc trung tu chùa Bảo Lâm xã Trâu Bộ huyện Giáp Sơn). Dân vùng Kiến Thụy, An Lão nay còn truyền dải đất ven đầm từ trang Tiên Cầm đến Kỳ Sơn tục gọi là giải yếm bà Chúa là ruộng thái hậu ban cho dân sở tại. Riêng về việc bà đứng hưng công xây mới, sửa chữa chùa chiền, cầu quán, chợ búa còn khá nhiều như chùa Sùng Quang xã Do Nghi huyện Vĩnh Lại, chùa Thánh Thọ xã Hoàng Trạch huyện Cẩm Bình, chùa Sùng Ân xã Thọ Lão huyện Phù Tiên, chùa Bảo Thúc xã Thái Khê huyện Yên Hưng, chùa Bảo Lâm xã Trâu Bộ huyện Giáp Sơn, chùa Báo Ân xã An Chiểu huyện Phù Tiên, chùa Phổ Chiếu xã Văn Lan nay là thôn Văn Hòa, chùa Bà Đanh xã Trà Hương nay là thôn Trà Phương, chùa Trúc Am thôn Du Lễ đều thuộc huyện Kiến Thụy; chùa Hà Lâu xã Đông Minh nay là thôn Đông Ninh, chùa Minh Phúc và cầu Quán ở xã Cẩm Khê nay là thôn Cẩm Khê đều thuộc huyện Tiên Lãng.
Số tiền, ruộng bà cúng cho các nhà chùa không nhiều, nơi ít nhất là 10 quan tiền như chùa Báo Ân xã An Chiểu, nơi nhiều nhất là chùa, cầu, quán xã Cẩm Khê do bà hưng công, sau lại mua cho xã 5 mẫu ruộng trị giá 120 lạng bạc. Riêng chùa Bà Đanh ở quê, bà cũng chỉ cúng có 1 mẫu 9 sào ruộng.
Nhưng những nơi bà có tham gia đóng góp dù ít dù nhiều đều thấy co nhiều hoàng thân, quốc thích, đại thần văn võ tham gia đóng góp.
Có thể nói Thái hoàng thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn có công với việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc.
(Văn bia thời Mạc Địa chí Hải Phòng. Hồ sơ di tích của Bảo tàng Hải Dương, tư liệu điền dã)