Vương Công Hiển

Quê hương Vương Công Hiển ở Châu Ái. Do bị bọn quan lại địa phương, tay sai của bọn đô hộ nhà Lương ức hiếp nên cha Vương Công Hiển đã cùng một số bạn bè rời bỏ quê hương ra đi tìm người cùng chí hướng. Gia đình họ Vương đã đến thôn An Tràng (xã Trường Sơn, huyện An Lão ngày nay) xin nhập tịch. Bố Công Hiển làm nghề lương y, sau lấy vợ người An Tràng là Nguyễn Thị Lương.


Vương Công Hiển sinh ngày mồng 8 tháng 2 năm Nhâm Ngọ tại thôn An Tràng. Năm lên 6 tuổi cha mất, 12 tuổi mẹ cũng qua đời. Công Hiển được cậu ruột nuôi dưỡng,chọn thầy giỏi dạy nên học hành tấn tới.


Năm 16 tuổi, Công Hiển kết duyên cùng Vũ Thị Quý Minh, người cùng thôn. Quý Minh hiền lành, đức độ, tài năng lại thêm nhan sắc kiều diễm. Vợ chồng Công Hiển sống hòa thuận, mọi việc trong gia đình, ngoài xã hội đều bàn bạc với nhau, ý hợp tâm đầu.


Năm 542, Lý Bí phất cờ khởi nghĩa. Được tin, Công Hiển đi theo. Chỉ trong vòng gần 3 tháng, nghĩa quân đã chiếm được hầu hết các quận huyện. Biết quân giặc cậy sức mạnh sẽ trở lại nên Lý Nam đế đã phân cho các tướng trấn giữ các nơi hiểm yếu. Lý Quân được sai đem quân phòng thủ Phong Châu. Lý Thiên Bảo giữ Tân Xương. Lý Phục Man giữ Nhật Nam. Hoàng Thanh giữ thành Ô Diên (có tài liệu nói giữ ở Yên Thành). Vương Công Hiển giữ thành Bô Cô kiêm nhiệm vụ dụ giặc.


Được tin Long Biên thất thủ, Tiêu Tư chạy về Trung Quốc, vua Lương lập tức hạ lệnh phải chiếm lại. Nhưng quân giặc vừa kéo vào đất nước ta đã bị Lý Bí cho quân mai phục đánh tan. Trong một trận đánh ác liệt, Công Hiển đã có công giải vây cho Lý Bí.


Đầu năm sau (543), vua Lương lại cho quân sang xâm lược lần nữa. Lý Bí đã chủ động ra quân đánh tan quân giặc ở Hợp Phố.


Sau khi đánh tan quân xâm lược nhà Lương, mùa xuân năm 544, Lý Bí tự xưng hoàng đế (tức Lý Nam đế), đặt tên nước là Vạn Xuân, lo việc tổ chức bộ máy cai trị, phong thưởng cho các tướng sĩ có công. Công Hiển xin được về trông nom đất An Tràng.


Vào tháng 5 năm 545, vua Lương lại phái quân sang xâm lược Vạn Xuân. Quân Lương chia hai đường thủy, bộ phối hợp cùng tiến quân sâu vào nước ta. Lý Nam đế đem quân chống lại ở vùng Lục Đầu, nhưng không cản được địch, bèn lui quân về giữ ở cửa sông Tô Lịch. Nhưng đồn Tô Lịch vỡ, lão tướng Phạm Tu tử trận, Lý Nam đế lại phải lui quân, ngược sông Hồng về giữ thành Gia Ninh (vùng núi Việt Trì). Quân Lương lại chiếm được thành Gia Ninh (năm 546). Lý Nam đế cùng tướng sĩ lui binh về miền núi Vĩnh Yên.


Khi Phạm Tu đã tử trận, Lý Phục Ma và Vương Công Hiển phá vòng vây thoát về Chu Diên. Giặc vây riết, không quân cứu, Lý Phục Man tự vẫn, còn Vương Công Hiển đau buồn đã mất ngày 15 tháng 11. Quân lính táng ông ở phía tây thành Chu Diên.


Nhân dân An Tràng thương nhớ ông đã lập miếu thờ ngay ở vườn nhà ông.


(Theo: - Thần phả thôn An Tràng


-          Khảo sát điền dã địa phương


-          Lịch sử Việt Nam tập I, nhà xuất bản KHXH)


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa