NHỮNG CUỐN SÁCH ĐẾN CÁC TRẠI GIAM GÓP PHẦN NUÔI DƯỠNG TINH THẦN HƯỚNG THIỆN CỦA CÁC PHẠM NHÂN

NHỮNG CUỐN SÁCH ĐẾN CÁC TRẠI GIAM GÓP PHẦN NUÔI DƯỠNG TINH THẦN HƯỚNG THIỆN 
CỦA CÁC PHẠM NHÂN

Nguyễn Hữu Giới
Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam

Vào một ngày xuân năm 2018, vừa bật ti-vi thì tôi bắt gặp ngay Chuyên mục: GaLa Việc tử tế, nhằm tôn vinh người tốt-việc tốt trong xã hội chúng ta. Điều thú vị là câu chuyên lại liên quan đến nghề nghiệp của mình: “Sách văn văn hóa đọc”. Và câu chuyện trên truyền hình đã thực sự cuốn hút tôi, bởi nó nói về những cuốn sách được đưa đến các trại giam của Bộ Công an, để góp phần nuôi dưỡng tinh thần hướng thiện cho các phạm nhân; giúp họ cải tạo tốt hơn.
Thực ra thì, hơn một thập kỷ nay, vẫn đề văn hóa đọc và xây dựng thư viện trong các trại giam đã được Nhà nước ta quan tâm, chú ý (Tại Điều 6, mục 6 của Pháp lệnh Thư viện cũng đã nêu rõ “Người đang chấp hành hình phạt tù, người bị tạm giam được tạo điều kiện sử dụng tài liệu của thư viện tại trại giam, nhà tạm giam”. Tuy nhiên, có thể do nhiều điều kiện khách quan và cả chủ quan, việc xây dựng tủ sách-thư viện trong các trại giam ở nước ta còn có nhiều khó khăn: về trụ sở, trang thiết bị, về kinh phí và cả nguồn cán bộ làm công tác thư viện v.v... Song cách đây 5-7 năm, ngành văn hóa, thể thao và du lịch một số tỉnh đã quyết tâm phối hợp với ngành công an ở địa phương tổ chức tủ sách-thư viện, để đưa sách báo đến các trại giam trên địa bàn, nhằm phục vụ văn hóa đọc cho các phạm nhân. Ví dụ ở các tỉnh Ninh Thuận (năm 2013), Hải Phòng (năm 2014), Bình Phước (năm 2015); Hà Tĩnh (năm 2015), Thái Nguyên (năm 2016), Điện Biên (năm 2017); Hà Nam (năm 2017) v.v... Điều đáng lưu ý là, ngay từ năm 2013; đã có một Dự án với tên gọi "OneBook" (Một cuốn sách) do SachHay.org khởi xướng và PACE điều hành, tổ chức đợt trao tặng sách cho phạm nhân tại các trại giam trên phạm vi cả nước. "OneBook" đã kết hợp với Công ty Thương mại và Dịch vụ Sĩ Hoàng, tổ chức tặng 3.000 cuốn sách (trị giá 100 triệu đồng), để làm thư viện cho các phạm nhân tại trại giam Z30D (Hàm Tân - Bình Thuận). Nhà thiết kế Sĩ Hoàng - một trong những nhà tài trợ cho đợt tặng sách này-chia sẻ: "Sách luôn là người thầy, người bạn thân thiết của bất kỳ ai ở mỗi nơi, mỗi lúc. Đặc biệt đối với các phạm nhân, ngoài thời gian lao động, học tập, họ có nhiều thời gian tìm đến sách để chia sẻ và tìm lời giải đáp, sắp xếp lại cuộc sống của mình, chuẩn bị cho ngày về đoàn tụ với gia đình và tái hòa nhập với cộng đồng. Với thư viện sách được gửi tặng lần này, chỉ là bước “khởi động” cho một phong trào tặng sách ở các trại giam trong cả nước. Mỗi người thân của phạm nhân, khi đến thăm nuôi con em mình hãy mang theo một cuốn sách. Thói quen đẹp đó sẽ làm đầy thêm kệ sách của mỗi trại giam và điều đó cũng có nghĩa là nhiều con người đang sống tách biệt, sống trong vòng lao lý sẽ có cơ hội tiếp cận gần hơn với kho tàng tri thức của nhân loại". 
Chương trình truyền hình mà tôi đang xem là một chương trình hay và hấp dẫn, kể về con đường đi của sách đến các trại giam. Phần mở đầu là những Slogan hay và hết sức ý nghĩa: “Sách - hạt giống tâm hồn”; “Cuộc đời ta thay đổi theo hai cách: Theo những người ta gặp và theo những cuốn sách ta đọc”; ”Sách - người bạn đường vĩ đại của con người”. Lãnh đạo Trại giam Xuân Nguyên (Thành phố Hải Phòng) cho biết: Thư viện của Trại giam được hình thành từ năm 2014, với hơn 3.000 đầu sách và một số loại báo, tạp chí; việc đưa sách và tri thức vào nơi đây, giúp cho phạm nhân đang cải tạo hiểu biết hơn, nhận thức được những việc làm sai trái mà họ đã gây ra, để họ có được những tri thức cần thiết sau này trở về tái hòa nhập cộng đồng. 

Các phạm nhân nữ đang đọc sách tại Thư viện trại giam Xuân Nguyên (TP. Hải Phòng)

Câu chuyện tiếp theo kể về chị Đỗ Thị Thủy 46 tuổi, đã thụ án được hơn 20 tháng. Do cải tạo và lao động tốt, chị Thủy đã được Ban giám thị Trại giam Xuân Nguyên cất nhắc làm “thủ thư” trông coi kho sách quý giá này và hỗ trợ thư viện hướng dẫn phục vụ đọc sách, báo cho các phạm nhân. Cũng như chị Thuỷ, anh Cao Văn Giang “thủ thư” Phân trại số 3 (Trại giam Xuân Nguyên, TP. Hải Phòng) là người tích cực phục vụ các phạm nhân đọc sách, báo; đồng thời anh Giang còn viết thư để xin sách của các nhà tài trợ, các mạnh thường quân cho Thư viện trại giam này. Cả hai tấm gương làm cán bộ thư viện không chuyên này, do cải tạo tốt, tích cực tham gia công tác xã hội, nên đã được đề nghị giảm án, đang chờ ngày trở về đoàn tụ với gia đình. Anh Cao Văn Giang bộc bạch tâm sự:”Chúng tôi là tỷ phú về thời gian, nhưng không vì dỗi rãi đó mà chúng tôi dùng nó vào những việc vô bổ, chúng tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy là khi chứng tôi vấp ngã thì chúng tôi có thể làm lại được và làm lại có thể tốt hơn như thế”. Phạm tội thề phải trả giá, đó là chuyện đương nhiên! nhưng có thể xem những thói xấu, cái ác chỉ là tạm thời và đặt niềm tin vào khả năng hướng thiện bên trong mỗi con người. Vì lẽ đó mà Dự án “Sách trong trại giam” đã mang đến niềm tin mạnh mẽ về sự hướng thiện, về sự đổi thay của mỗi con người phạm nhân đang cải tạo nơi đây từng chút, từng chút một...
Đến đây, thì một bất ngờ đã gây tò mò cho tôi và nhiều người xem truyền hình hôm đó; bời vì chúng ta sẽ bắt gặp người khởi xướng Dự án “Sách cho trại giam” vào những năm gần đây. Đó là nhà giáo dục Giản Tư Trung. Sách cho trại giam với mục đích “Cùng cộng đồng nối dài tri thức đến cánh cửa trại giam” là một trong những hoạt động “khuyến đọc” đặc biệt do Sáng kiến OpenEdu (cũng là Đơn vị điều hành của Dự án Sách hay, Giải Sách hay thường niên, Dự án OneBook) phát động, triển khai. “OneBook” là câu chuyện kể về khát vọng mang tên "Dân trí cho vùng khó” với niềm tin rằng: "Một cuốn sách hay, sách quý có thể làm thay đổi một cuộc đời, một doanh nghiệp, thậm chí cả một xã hội". Kể từ khi ra đời vào năm 2007, “OneBook” (nay được điều hành bởi Sáng kiến OpenEdu) đã trao tặng hàng nghìn tủ sách đến các vùng khó khăn như nơi biển đảo, trại trẻ mồ côi, và các trường học ở vùng sâu, vùng xa; trong đó, những trại giam không phải là ngoại lệ. Cho đến thời điểm này, hành trình “Onebook” đã tặng sách cho 4 trại giam trong cả nước, đó là: Trại giam Z30D (Bình Thuận); Trại giam Phước Hòa (Tiền Giang) và Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) và Trại giam Bình Điền (Thừa Thiên - Huế). 
Nhà Giáo Dục Giản Tư Trung phát động Chương trình “Sách cho trại giam” (Ảnh: Võ Anh Tuấn)

Xuất phát từ quan điểm cho rằng “Người tốt nào cũng có một quá khứ, tội nhân nào cũng có một tương lai”; Ban tổ chức chương trình “Sách cho trại giam” cho rằng sách chính là ‘hạt giống tâm hồn”, giúp nảy mầm nên một tương lai mới, như Rabindranath Tagore, một thi sĩ hiền triết Ấn Độ cũng có lần viết: “Chúng ta biết điều xấu, cái ác giống như sao băng, là những mảnh vụn của sự sống lạc loài, cần sự thu hút của vài lý tưởng vĩ đại để đồng hóa với sự sáng tạo tốt lành”. Phạm tội thì phải trả giá, đó là chuyện đương nhiên. Nhưng có thể xem những thói xấu, cái ác chỉ là tạm thời và đặt niềm tin vào khả năng hướng thiện bên trong chính mỗi người. “Tủ sách Trại giam” sẽ bao gồm các đầu sách được định hướng cụ thể, đó là: 1. Sách về “Làm người” (gồm những loại sách “Hạt giống tâm hồn”, sách văn học, sách sống đẹp và hướng thiện…); 2. Sách về “Làm nghề” (để phạm nhân tranh thủ thời gian học nghề trước khi tái hòa nhập với cộng đồng); 3. Sách về “Làm dân” (Sách về thể loại văn hóa, lịch sử, pháp luật, tôn giáo ...). Tổng số 70 đầu sách trị giá gần 5 triệu đồng/bộ. Mỗi trại giam được thụ hưởng chương trình sẽ được trao từ 20 đến 40 bộ (tổng trị giá từ 100 triệu đến 200 triệu đồng). 
Thông qua sự tiếp xúc với các sách phù hợp trong các trại giam, chúng ta tin rằng những con người từng mắc sai lầm, sẽ tìm được nẻo quay về những giá trị chân - thiện - mỹ, có thêm ý chí & nghị lực để cải tạo thật tốt và nhận ra hướng đi đúng đắn. Mỗi quyển sách chính là một nhịp cầu nối dài tri thức đến cánh cửa trại giam, giúp thắp lên ngọn lửa của sự tử tế, soi đường cho những con người từng lầm đường lạc lối sớm trở về với cộng đồng và sống tích cực hơn. Bởi đôi lúc chỉ cần bắt gặp một câu chuyện nhỏ nào đó trong quyển sách hay, kì diệu thay lại có thể khiến thay đổi cả một con người. Được biết vài năm trở lại đây, đã diễn ra Lễ trao Giải sách hay hằng năm. Tại buổi lễ, ông Giản Tư Trung đã cùng Ban tổ chức cũng đã phát động Chương trình “Sách cho trại giam”, nhằm kêu gọi cộng đồng, nhà tài trợ, mạnh thường quân cùng quyên góp sách báo, tiền bạc để trao tặng cho các trại giam trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao kiến thức về pháp luật, nghề nghiệp, cũng như nuôi dưỡng tinh thần hướng thiện của các phạm nhân. 
Để bạn đọc khỏi phải chờ đợi lâu, vì muốn biết người tham gia khởi xướng và có vai trò quan trọng trong Chương trình hết sức ý nghĩa “Sách cho trại giam” ở nước ta là ai ? Vâng ngay sau khi xem xong chương trình truyền hình ấn tượng này, tôi đã vào mạng Internet để tìm hiểu về nhân vật đặc biệt này, thì được biết: Giản Tư Trung sinh năm 1974 và lớn lên tại tỉnh Nghệ An, học cấp III tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Thời sinh viên, anh vừa là Phó Bí thư đoàn trường vừa làm đủ nghề kiếm sống như thợ sơn bảng, thợ chụp ảnh ...; sau đó anh tốt nghiệp Đại học Kinh tế và Đại học Luật tại TP. Hồ Chí Minh. Ông hiện là nhà hoạt động giáo dục và là tác giả một số cuốn sách, trong đó có cuốn” “Đúng việc” đang được dư luận và độc giả hết sức quan tâm. Ông Giản Tư Trung khởi sự kinh doanh bằng việc thành lập Cơ sở Nhựa Chợ Lớn, từng làm việc cho 3 trong số 4 tập đoàn tư vấn lớn nhất thế giới là: KPMG, PwC và DTT. Sau khi rời các tập đoàn lớn, ông Giản Tư Trung làm việc tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại TP. Hà Nội, rồi đứng đầu một Công ty kiểm toán. Sau nhiều năm học tập và tích lũy kinh nghiệm ở trong và ngoài nước, ông đã cùng một số cộng sự khai lập ra Tổ hợp Giáo dục PACE và ông giữ nhiệm vụ Chủ tịch, Giám đốc tổ hợp PACE (hiện có 5 đơn vị thành viên), trong đó thành viên đầu tiên là Trường Doanh Nhân & Giám Đốc PACE với “sứ mạng” là “Góp phần nâng cao doanh trí Việt Nam bằng tri thức thế giới và giá trị thực học”. Nói về vai trò của sách báo và tri thức trong các trại giam, ông Giản Tư Trung cho biết thêm: “Khi con người phạm tội, chúng ta có hai cách hành xử với họ, một là loại bỏ họ ra khỏi đồng loại bằng cách tử hình, hai là cách ly họ ra khỏi xã hội bằng việc giam giữ. Nếu phạm nhân bị cách ly với xã hội thì họ cần giáo dục, đào tạo phát triển nhân cách và không có người thầy nào thuận tiện trong việc giáo dục và lớn hơn là sách. Khi các phạm nhân được tiếp cận những cuốn sách ý nghĩa, họ sẽ được bồi dưỡng tâm hồn, trang bị tri thức pháp luật, trang bị kĩ năng nghề nghiệp để khi trở về với đời thường họ sẽ trở thành công dân tốt và những người có kiến thức nghề nghiệp”. Ông còn cho biết: “Chương trình “Sách cho trại giam” hằng năm, dù chúng tôi nhận được 1cuốn hay 1000 cuốn sách, đều rất đáng quý, đáng trân trọng. Mỗi quyển sách chính là một nhịp cầu nối dài tri thức đến cánh cửa trại giam, giúp thắp lên ngọn lửa của sự tử tế, soi đường cho những con người từng lầm đường lạc lối sớm trở về với cộng đồng và sống tích cực hơn. Bởi đôi lúc chỉ cần bắt gặp một câu chuyện nhỏ nào đó trong quyển sách hay, kì diệu thay lại có thể khiến thay đổi cả một con người v.v..”. 
Sống ở đời, mỗi con người có những cách thức khác nhau để làm giàu cho mình bằng trí thức và tiền bạc và mỗi người cũng sẽ có những cách thức khác nhau để sẻ chia “của cải” (bằng vật chất hay tinh thần) mà mình có được cho những người nghèo khó, hay cần được cưu nang, giúp đỡ. Tôi rất thú vị khi xem chương trình truyền hình Gala Việc tử tế vừa qua, bởi nó đã chạm đến tinh thần nhân văn, đạo đức trong xã hội chúng ta và nhất là đã giới thiệu cho chúng tôi-người cán bộ thư viện-về những tấm gương bình dị, đời thường biết cách chung tay giúp đỡ những phạm nhân, những người đã lầm đường lạc lối đang thụ án trong các trại giam, để họ có thêm những tri thức, hiểu biết, có thêm nghị lực và niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai tươi đẹp ở phía trước. Cuối cùng tôi thực sự khâm phục và cám ơn tấm lòng nhân ái của Nhà giáo dục Giản Tư Trung và những người tổ chức, đồng hành cùng chương trình “Sách cho trại giam” những năm gần đây ở nước ta, vì những nghĩa cử cao đẹp đó, về những khát vọng mang tên "Dân trí cho vùng khó”, với một niềm tin rằng: "Một cuốn sách hay, một sách quý có thể làm thay đổi một cuộc đời, một doanh nghiệp, thậm chí cả một xã hội"./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Quốc hội (CHXHCNVN). Pháp lệnh Thư viện (đã được UBTVQH khóa 10 thông qua ngày 28/12/2000). H, 2000.
2. Chính phủ (CHXHCNVN). Nghị định số 72/2002/NĐ-CP Hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thư viện. H, 2002.
3. Đài truyền hình Việt Nam (VTV). Gala việc tử tế: Dự án sách trong trại giam. Phát chương trình ngày 27/2/2018.
4. Tiểu sử ông Gian Tư Trung // Báo Sài Gòn giải phóng Online, ngay 27/4/2017.
5. Võ Anh Tuấn. Chương trình Sách cho trại giam// Báo Pháp luật Việt Nam Online, Ngày 1/10/2017.

---------------------------------------------------------------------------------------

Facebook zalo

Các tin đã đưa