ĐỌC SÁCH TRONG THƯ VIỆN CÓ PHẢI TRẢ TIỀN?

ĐỌC SÁCH TRONG THƯ VIỆN CÓ PHẢI TRẢ TIỀN?

                                                                                           Ths. Nguyễn Hữu Giới

                                                                                             Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

Trong bản Tuyên ngôn năm 1994 của UNESCO về thư viện công cộng có ghi rõ: “Tự do, phồn vinh và phát triển của xã hội và cá nhân là những giá trị cơ bản của con người. Thư viện công cộng là trung tâm văn hóa và thông tin, tạo cho mọi người có điều kiện tiếp cận nhanh chóng tới tri thức và thông tin ở tất cả các dạng thức. Và về nguyên tắc, thư viện công cộng cần phải trở thành thư viện không mất tiền...”. Thiết tưởng điều này không có gì phải bàn cãi và nó là chuyện “xưa như trái đất”.

Đã từ lâu, việc đọc sách được thực hiện miễn phí ở hầu hết các thư viện công cộng trên thế giới (trừ những thư viện tư nhân) - kể cả ở Việt Nam. Ấy vậy mà mới đây tại một nước có nền văn minh khá cao lại xảy ra một vụ kiện lớn có liên quan đến tác quyền và thư viện. Nguyên do là được sự cổ vũ của Hiệp hội các nhà văn Pháp và Nghiệp đoàn quốc gia các nhà xuất bản (gồm hơn 300 nhà văn Pháp), đã đồng loạt kiện lên Bộ Văn hóa Pháp, đe dọa sẽ rút hết các tác phẩm của mình ra khỏi các thư viện, nếu nhà nước không sớm ban hành một bộ luật thiết thực về tác quyền! Theo các nhà văn này thì số người đến thư viện mượn sách của họ về nhà đọc là rất lớn, nhưng họ lại chẳng được một đồng tiền nào từ việc đó! Họ đề nghị thế này: Tốt nhất là cứ mỗi lần độc giả mượn sách của thư viện về nhà, thì phải trả 5 franc (xấp xỉ 1 đôla Mỹ). Đây sẽ là một khoản thu không nhỏ (mỗi năm trên, dưới 100 triệu franc) cho các tác giả, thậm chí cho các thư viện.

Thế nhưng, những người phản đối tác quyền - trong đó có Hiệp hội Thư viện Pháp - thì lập luận: Người đọc ở Pháp cũng như ở khắp nơi trên thế giới có quyền đọc và tra cứu miễn phí tài liệu, sách báo. Và họ đã từng làm như vậy bấy lâu nay. Có chăng là chỉ mất chút ít lệ phí nho nhỏ cho việc làm thẻ đọc hay mượn. Tại sao bây giờ đọc hay mượn sách của thư viện lại mất tiền? Làm như vậy e sẽ tạo ra tâm lý hết sức khó chịu cho người đọc. Trong khi đó, một quan chức là giám đốc một nhà xuất bản lớn ở Pháp thì lại ủng hộ chuyện “đọc thì trả tiền”. Lý lẽ mà ông đưa ra là: trong những năm đầu Thế kỷ XXI, mỗi năm đã có từ 160 - 180 triệu cuốn sách được “bê từ thư viện về nhà” và năm 2017 vừa qua, mặc dầu giá giấy in và giá sách không tăng, song người dân Pháp cũng đã “tăng mượn, giảm mua” bằng cách sử dụng tối đa những cuốn sách có trong thư viện. Và dẫu rằng tổng số sách được bán ra hằng năm ở Pháp luôn dao động quanh cái mốc trên/dưới 300 triệu cuốn, nhưng quyền lợi của các tác giả và các nhà văn thì lại đi theo một đồ thị xuống dốc?. Lượng sách in theo đầu sách cũng ngày một giảm. Vẫn theo ông ta, nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trạng “đọc không mất tiền” như trước đây, thì người ta cứ đua nhau vào các thư viện để lục lọi sách vở, chẳng dại gì bỏ tiền ra mua sách! Nói một cách hoa mỹ thì “nền kinh tế sách vở đang cần cấp cứu...”.

Xem ra như vậy là trường phái xuất bản và trường phái thư viện ở Pháp, xung quanh vấn đề tác quyền đang xảy ra xung đột lớn. Báo chí Pháp cũng không thể khoanh tay đứng nhìn cuộc tranh luận và kiện tụng ầm ĩ này. Trên trang nhất của tờ Le Monde có viết: "Quyền tác giả cũng là quyền con người. Vì vậy chúng ta nên xem xét vấn đề này một cách hết sức cẩn trọng”. Nhiều học giải ở Pháp thì cho rằng: "Khi hạ bút xuống, điều mong muốn trước tiên của tác giả là phục vụ đồng loại, tại sao lại đặt ra vấn đề tiền bạc cơ chứ”. Vài nhà văn khác thì lại tuyên bố thẳng thừng với báo giới rằng: “Bây giờ chủ nghĩa lãng mạn đã cáo chung, không có tiền thì lấy đâu ra sức lực và cảm hứng để tiếp tục sáng tác phục vụ đồng loại!”. Cứ như vậy, cuộc tranh luận càng ngày càng căng thẳng hơn.

      Không gian Phòng đọc tổng hợp tại Thư viện Quốc gia Pháp (Thủ đô Paris)- Ảnh Internet

Về phía Hiệp hội các nhà văn Pháp, họ hoàn toàn ủng hộ chuyện “đọc thì trả tiền”. Một quan chức của Hiệp hội này còn cho biết thêm: "Sự thực thì chẳng có mấy nhà văn ở Pháp ăn sung ở sướng từ tiền nhuận bút, cho dù là tác giả của sách bán chạy (best saler) đi chăng nữa... đã đến lúc chúng ta nên bàn bạc thẳng thắn và tử tế về chuyện tác quyền”. Nhìn trên bình diện rộng, không phải câu nói của vị quan chức này là không có lý và cũng không phải hơn 300 nhà văn Pháp không có cơ sở để đấu tranh.

Vấn đề tác quyền này đã liên quan tới 15 nước ở châu Âu trong vòng vài thập kỷ qua. Đan Mạch là một trong những nước sớm có có điều luật về tác quyền trên thế giới (năm 1946). Ở khu vực Bắc Âu, quyền đọc miễn phí cũng đã gây tranh luận từ những năm 70 của Thế kỷ XX. Tây Ban Nha và Ytalia thì đều “trễ hẹn” như Pháp, nghĩa là cũng đang đau đầu. Bỉ thì cũng hẹn lần hẹn hồi đến tận năm 1994. Tiếp theo Đan Mạch và các nước Anh, Hà Lan cũng đã đạt được những thỏa thuận căn bản về vấn đề tác quyền. Hiện tại có khoảng 17.000 tác giả được ưa thích ở nước Anh được hưởng trợ cấp mỗi người khoảng 250 bảng/1 tháng. Hà Lan cũng tôn trọng tác quyền và số tiền 45 triệu franc/1 năm để chi cho các tác giả là một minh chứng. Thụy Điển có lẽ là nước chi trả hậu hĩnh nhất cho tác quyền: 166 triệu franc /1 năm cho gần 5.000 tác giả và dịch giả của họ.

Chính vì những lẽ đó các nhà văn Pháp đang nỗ lực đấu tranh đòi quyền lợi cho chính mình, khi mà gần đây họ còn biết thêm rằng một số nước khác ở châu Âu như: Áo, Đức, Thụy Sĩ... vấn đề tác quyền cũng đang diễn tiến có lợi cho các nhà văn.

Thế còn độc giả thường xuyên của các thư viện ở Pháp, chúng ta hãy lắng nghe xem họ nói gì? Mặc dù được biết là gần nửa số độc giả thường xuyên đến thư viện của nước Pháp là những người có thu nhập khá, vậy thì 5 Franc cho một lần mượn 1 cuốn sách đâu có gì quá đáng? Nhưng còn đối với số đông hàng chục vạn sinh viên nghèo của nước Pháp và nhiều nước đang phát triển lưu học bên Pháp thì sao? Họ cũng suốt ngày “lê la” trong các thư viện, tiền đâu mà trả nếu cứ mỗi lần mượn sách phải mất 5 franc... Vậy thì giải pháp “đọc thì trả tiền” theo là họ không thể chấp nhận được. Thậm chí có nhiều người cực đoan còn cho rằng: Các nhà văn, nhà thơ hay dịch giả nghèo túng thì lỗi đâu phải ở người đọc. Làm giàu hoặc tăng thu nhập bằng cách nào là việc của họ. Chúng tôi cần đọc thì cứ vào thư thư viện, việc gì phải trả tiền...

đh kinh tế quốc dân,trường đh kinh tế quốc dân,thư viện

Bạn đọc sinh viên đang đọc sách tại Thư viện Phạm Văn Đồng

(Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội - năm 2017)

Rõ ràng là vấn đề tác quyền hiện nay ở nhiều nước trên thế giới đang là vấn đề nhức nhối đối với các nhà quản lý văn hóa. Ở Pháp cũng như ở nhiều nước trên thế giới, sự thật là hiếm có nhà văn nào sống vương giả bằng ngòi bút của mình. Đã đến lúc chính phủ của các nước cần nghĩ đến việc giúp đỡ họ như cách của chính phủ Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển... đang làm để giúp đỡ một phần cho những nhà văn đang sống hết sức thanh bạch bằng ngòi bút của mình. Tất nhiên bằng cách lập quỹ hỗ trợ sáng tác hay đại loại một thứ quỹ bảo trợ nào đó, lấy từ nguồn ngân sách xã hội (có thể kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các doanh nghiệp giàu có...), chứ lấy từ túi tiền của người đọc trong các thư viện xem ra thật không ổn.

Vẫn biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng chúng ta vẫn phải đặt câu hỏi thay cho lời kết: Có khi nào người ta vào công viên và phải trả tiền vì đã ngồi trên ghế đá kia không?

 

 

Facebook zalo

Các tin đã đưa