NGUYỄN DẬU(1930 - 2002)

Nguyễn Dậu, tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Song, cũng có tên là Trương Mẫn Song, vì mẹ ông họ Trương. Quê gốc ở huyện Hoài Đức, Sơn Tây, nay thuộc Hà Tây. Nguyễn Dậu sinh năm 1930 tại xóm Cống Xuất, khu Xi măng Hải Phòng. Sau khi học xong lớp Nhất trường Giăng Duypuy (Jean Dupuis) vừa lúc cách mạng tháng 8 nổ ra, Nguyễn Ngọc Song tham gia công tác tuyên truyền ở Hải Phòng, sau đó gia nhập quân đội, học trường Thiếu sinh quân rồi phục vụ ở bộ binh, pháo binh, quân y. Sau cách mạng Trung Quốc thành công, năm 1950 được quân đội cử sang Trung Quốc học khóa đào tạo sĩ quan. Năm 1954 về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị, rồi chuyển ngành lần lượt công tác ở xưởng phim, biên tập viên Nhà xuất bản phổ thông, Tòa soạn báo Văn nghệ, Sở Văn hóa Hà Nội. Vốn thông thạo Pháp văn, Trung văn lại có năng khiếu văn nghệ nên trong thời gian phục vụ trong quân đội, Nguyễn Dậu đã sáng tác thơ ca, tấu hài, kịch, chèoooo Nhưng sở trường của ông là tiểu thuyết, sách đã xuất bản gồm:


            Truyện ngắn: Ánh đèn trong lò (1955); Những phút ngập ngừng (1956); Huệ Ngọc (1962); Trở lại đảo, Người ngoại ô (1963); Con thú bị ruồng bỏ (1988); Rùa Hồ Gươm (1990); Hương khói lòng ai (1994); Đôi hoa tai lóng lánh, Phật tại tâm (1995); Bảng lảng hoàng hôn (1997).


            Tiểu thuyết: Nữ du kích Cam Lộ (1955); Đôi bờ (1987); Mở hầm 2 tập (1959); Chân núi Phia Khao (1961); Vòm trời Tĩnh Túc (1963); Nàng Kiều Như (1989); Nhọc nhằn sông Luộc (1996))))


            Sách dịch: Tất cả hiến dâng Đảng (1954); Người bí thư xã (1956); Ngôi sao đỏ Đổng Tồn Thụy (1958); Anh hùng chiến đấu Triều Tiên (1958); Tống Nhạc Phi (1959); Niềm hy vọng hòa bình (1961); Cuốn sách thấy ở Thuận Xuyên (1962).


            Nguyễn Dậu còn dịch một số truyện Việt Nam sang Trung văn như Má Năm (Nguyễn Văn Thông); Ông Năm Hạng (Nguyễn Quang Sáng); Huệ Ngọc (Nguyễn Dậu) đều do nhà xuất bản Bắc Kinh ấn hành năm 1963.


            Đối tượng được ông quan tâm là tầng lớp dưới đáyyyy của xã hội hoặc những người bị sóng gió cuộc đời vùi dập, sống không địa vị, không danh phận nhưng luôn luôn phải vật lộn để giữ phần nhân tính và thiện căn của mình. Địa bàn quen thuộc của ông là quê hương, con người Hải Phòng và đồng đội, đồng chí. Vốn bản chất nhân hậu, hồn nhiên, nhưng không kém sắc sảo, bạo dạn nên ngay từ năm 1959 tập tiểu thuyết Mở hầm, Nguyễn Dậu đã sớm đề cập đến vấn đề tâm tư, tình cảm uẩn khúc, éo le của con người mà lúc ấy người ta ngại đề cập.


            Nguyễn Dậu được ghi tên trong Từ điển văn học Việt Nam (bộ mới) do Nhà xuất bản Thế Giới ban hành năm 2005 Tác phẩm Nhọc nhằn sông Luộc của ông được tặng giải thưởng văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) năm 1996.


            Nguyễn Dậu là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Hải Phòng. Ông qua đời tại Hải Phòng ngày 24 7 2002.


Ngô Đăng Lợi


            Tài liệu tham khảo:


- Nhà văn Hải Phòng chân dung và tác phẩm. Nxb Hội nhà văn 2000


- Tuyển tập thơ văn Hải Phòng 1964 2004 Nxb Hải Phòng 2003


- Từ điển Văn học Việt Nam (bộ mới) Nxb Thế giới 2005.


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa