Lê Huy tức Trần Văn Tụy, quê quán thôn Thượng Phúc xã Quang Trung, huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình.
Là thanh niên yêu nước, Lê Huy tham gia hoạt động cách mạng khá sớm. Những năm 1936, 1937 là cán bộ mặt trận dân chủ ở xã. Năm 1938, làm bí thư huyện đoàn thanh niên huyện Kiến Xương. Năm 1940, anh chuyển sang hoạt động bí mật với nhiệm vụ xây dựng cơ sở và huấn luyện cán bộ. Tháng 6/1940 anh bị bắt và bị giam tại nhà lao tỉnh Thái Bình rồi chuyển sang các trại giam ở Bắc Mê (Hà Giang), Phú Thọ, Phấn Mễ và Bá Vân (Thái Nguyên). Trong tù, Lê Huy tham gia tổ chức Việt Minh bí mật và rất hăng hái dạy văn hóa cho anh em.
Năm 1944 được ra tù, anh tiếp tục hoạt động tại quê hương, là Phó bí thư Việt Minh huyện Kiến Xương. Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Lê Huy làm Trưởng phòng tuyên truyền huyện Kiến Xương. Tháng 11/1945, anh được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương, từ đó càng hăng hái hoạt động cách mạng. Những năm đầu chuẩn bị lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp, lần lượt đảm nhiệm các nhiệm vụ: Thường vụ huyện ủy rồi Bí thư huyện ủy huyện Kiến Xương và Tỉnh ủy viên tỉnh ủy Thái Bình.
Giữa năm 1950, Lê Huy được điều vào miền Trung công tác, là Tỉnh ủy viên tỉnh ủy Quảng Bình. Đầu năm 1952, công tác tại Ban tổ chức khu ủy khu III (Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Hải Dương, Hưng yên, Nam Định, Hà Nam, Sơn Tây, Hà Đông, Hòa Bình), một thời gian sau làm Chánh văn phòng khu ủy Tả ngạn (Hải Phòng, Kiến An, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên) và Phó trưởng ban tổ chức khu ủy Tả ngạn. Những năm tham gia cách mạng, theo đảng kháng chiến, dù bị địch cầm tù tra tấn, dù gian khổ hy sinh ác liệt, ông luôn giữ vững tinh thần, giữ vững niềm tin vào đảng, vào nhân dân, đóng góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Năm 1959, được Trung ương điều về Kiến An nhận nhiệm vụ mới: Bí thư tỉnh ủy và Đại hội đảng bộ tỉnh Kiến An khóa II bầu làm Bí thư tỉnh ủy. Năm 1963, Hải Phòng Kiến An hợp nhất thành thành phố Hải Phòng, làm Phó bí thư thành ủy. Gần hai năm sau, tháng 6 năm 1965, ông lại được điều lên trung ương làm Phó trưởng Ban nghiên cứu Lịch sử đảng Trung ương. Ông công tác tại đó đến năm 1978 thì nghỉ hưu. Cơ quan Ban nghiên cứu Lịch sử đảng Trung ương những năm đầu mới thành lập còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và nhất là thiếu cán bộ nghiên cứu khoa học. Dưới sự lãnh đạo của Trưởng ban Trường Chinh, Lê Huy cùng tập thể lãnh đạo Ban nghiên cứu lịch sử đảng khắc phục khó khăn để xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, từng bước xây dựng ban thành một cơ quan nghiên cứu lý luận của đảng. Lê Huy đã đóng góp rất nhiều công sức trong công tác nghiên cứu và biên soạn lịch sử đảng cộng sản Việt
Trong thời gian gần 20 năm nghỉ hưu, ông luôn theo dõi những bước đi của cách mạng, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và đóng góp nhiều ý kiến cho đảng và nhà nước.
Suốt cuộc đời hoạt động, Lê Huy luôn giữ vững phẩm chất và đạo đức cách mạng, khiêm tốn, giản dị, chân thành, đoàn kết với mọi người, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Ông được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi đảng, được nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.
Tô Hà
Tài liệu tham khảo:
- Viện Lịch sử đảng Trung ương
- Lịch sử đảng bộ Hải Phòng tập 2
- Đảng bộ Hải Phòng qua các kỳ Đại hội