Hoàng Ngọc Phách

Tên Huý là Tước, biệt hiệu Song An dùng khi học ở trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, theo nghĩa tên quê quán cũ. Vì ông vốn người làng Đông Thái, xã An Đồng, tổng Việt An, huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh, nay thuộc xã Tùng Ảnh cùng huyện. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học yêu nước. Ông thân là nhà nho Hoàng Mộng Cân đã tham gia phong trào Cần vương chống Pháp do Đình Nguyên tiến sĩ Phan Đình Phùng, người cùng làng lãnh đạo. Cuối năm 1895, thủ lĩnh bị bệnh qua đời, Nguyễn Thân ra sức đàn áp nghĩa quân để tâng công với bọn xâm lược Pháp. Những nhân sĩ tham gia chống Pháp nếu ra thú đều bị giải về Huế xét xử nên nhiều người phải trốn tránh. Cụ Hoàng Mộng Cân đem cả nhà trốn ra Bắc, định cư tại ấp Đông Côi huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh làm ruộng để kiếm sống. Được nhân dân quê mới che chở nên gia đình họ Hoàng yên ổn làm ăn và có quan hệ tốt với địa phương. Ông thân và anh cả mở lớp dạy chữ nho ở ấp Đông Côi, Hoàng Ngọc Phách cũng theo học. Do thông minh hiếu học lại được cha anh rèn cặp nên tuy nhỏ tuổi, thời gian học không lâu nhưng vốn Hán văn của ông đã khá, đã nắm được các thể thơ cổ. Năm 1911 chuyển về học trường cụ Bùi Đình Tú ở Thái Hà ấp Hà Đông, bắt đầu học chữ Pháp. Năm 1912 học trường tiểu học phố Hàng Vôi Hà Nội. Năm 1913 đỗ bằng khoá sinh. Năm 1914 đỗ tiểu học Pháp Việt và thi trúng kỳ thi tuyển khá chặt chẽ của trường Trung học Bảo Hộ thường gọi là trường Bưởi. Ông học khoá 1914-1918 đã cùng bạn bè bãi khoá để phản đối lệnh độc tài hung hãn, chống kỷ luật khắt khe làm nhục học sinh bản xứ; thành lập Hội Học sinh tương tế chống bọn giám thị khinh rẻ, bạc đãi học sinh nghèo. Trong các hoạt động trên, Hoàng Ngọc Phách đều tham gia chỉ đạo. Năng khiếu văn chương của Hoàng Ngọc Phách đã sớm bộc lộ, năm 1916 khi mới học xong năm thứ hai trường Bưởi, Hoàng Ngọc Phách đã trúng giải 8 trong 20 giải cuộc thi thơ do Ban Quản trị rạp Sán Nhiên Đài tổ chức. Năm 1919, ông đỗ cả hai bằng Cao đẳng tiểu học Pháp và bằng Thành Chung. Năm này, trúng tuyển luôn kỳ thi tuyển vào trường Cao đẳng sư phạm (Ban văn chương)-Quá trình học Cao đẳng sư phạm, Hoàng Ngọc Phách có điều kiện phát triển năng khiếu thơ văn. Năm cuối khoá đã hoàn thành tiểu thuyết Tố Tâm. Với tác phẩm này, ông là người mở đầu cho nền tiểu thuyết hiện đại nước ta.


 


Năm 1922 tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, ông được bổ làm giáo sư trường Thành Chung Nam Định, ba năm sau chuyển về Hà Nội làm Tổng thư ký trường Cao đẳng sư phạm. Lúc này, phong trào để tang Phan Chu Trinh, đòi thả Phan Bội Châu diễn ra sôi nổi, nhất là trong học sinh, sinh viên. Do có liên can tới các hoạt động chính trị này, ông bị đổi xuống Kiến An rồi xin chuyển sang dạy ở trường Cao đẳng tiểu học Bonnan (Bonnal) Hải Phòng. Khi dậy, ông thường tận dụng cơ hội để đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân văn của văn học truyền thống dân tộc chống lại xu hướng đề cao quá mức văn hoá Âu Tây, coi thường văn hoá bản xứ. vì thế, ông không được tiếp tục phụ trách môn văn vốn là sở trường mà phải dạy Pháp văn và Lịch sử. Nhưng qua dạy văn học Pháp ông vẫn liên hệ so sánh giúp học sinh hiểu rõ cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, giá trị của truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm, thơ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương... Còn dạy sử Việt Nam bằng tiếng Pháp, ông thường kín đáo, khéo léo giúp học sinh thấy những chỗ sai sự thật những sự kiện, nhân vật nhằm đề cao Công ơn khai hoá của thực dân. Nhiều học sinh trường Bonnan ngày ấy đến nay vẫn còn nhớ những bài giảng sâu sắc có nhiều phát hiện của thầy Phách, còn  nhớ hình ảnh nhà giáo mẫu mực trong giảng dạy, giáo dục, sinh hoạt. Lúc dạy học ở Hải Phòng, Hoàng Ngọc Phách còn làm Hội trưởng hội Trí Tri Hải Phòng. Ông thường tổ chức những buổi diễn thuyết, tổ chức đội kịch mà đạo diễn, diễn viên là thầy trò trường Bonnan. Số tiền thu được của các buổi biểu diễn thường dùng vào việc từ thiện. Những vở Lọ vàng, Bạn và vợ, ông Tây An Nam... do thầy trò trường này diễn ngày ấy có tiếng vang thu hút nhiều khán giả. Thế Lữ và một số nghệ sĩ đã trưởng thành trong ngành nghệ thuật sân khấu cũng bắt đầu từ môi trường văn nghệ trường Bonnan và Hội Trí Tri Hải Phòng dưới sự dìu dắt của thầy Phách. Ngày ấy nhiều học sinh Bonnan tích cực tham gia phong trào yêu nước chống Pháp được thầy Phách kín đáo giúp đỡ. Khi Xô Viết Nghệ Tĩnh bị đàn áp, một số họ hàng có tham gia bị truy lùng cũng trốn ra ẩn lánh ở nhà ông được ông bà giúp đỡ. Do đó mật thám Hải Phòng nhiều lần gọi ông lên  sở cẩm Hải Phòng; có lần chúng khám nhà, may không tìm được gì, nhưng chúng vẫn nghi ngờ.


 


Vì vậy năm 1931 ông phải lên dạy học ở trường Cao đẳng tiểu học Lạng Sơn. Năm 1935 đổi về dạy học ở Bắc Ninh cho đến Tổng khởi nghĩa. Thời gian dạy ở Bắc Ninh ông tham gia tổ chức Hội Khuyến học, Hội Truyền bá quốc ngữ tỉnh và giữ chức Hội trưởng hai tổ chức xã hội này.


 


Sau cách mạng tháng Tám đến năm 1959, Hoàng Ngọc Phách vẫn liên tục phục vụ trong ngành giáo dục với nhiều trọng trách: Giám đốc học khu Bắc Ninh kiêm Hiệu trưởng trường trung học Hàn Thuyên, Giám đốc giáo dục chiến khu 12, Liên khu 1, Giám đốc Cao đẳng sư phạm Trung ương, Thanh tra học vụ toàn quốc, Hiệu trưởng trường phổ thông cấp 3 Phan Đình Phùng, rồi về ban tu thư Bộ Giáo dục, tham gia nhóm nghiên cứu Lê Quý Đôn. Năm 1959 chuyển sang Viện văn học làm công tác nghiên cứu cho đến năm 1963 nghỉ hưu. Có thể nói toàn bộ cuộc đời Hoàng Ngọc Phách gắn với nghề dạy học mà ông đã yêu thích từ khi thi tuyển vào Cao đẳng sư phạm, mặc dù lúc ấy nhiều bạn bè thích chọn học luật để ra làm quan, nhiều người khuyên ông thi vào trường Luật mà sức học của ông giỏi đều các môn, trừ môn nhạc, có khả năng thi đậu vào các trường Cao đẳng ở Hà Nội ngày ấy. Nhưng ông vẫn chọn ngành sư phạm và tận tuỵ với nghề suốt đời, kể cả việc nghiên cứu văn học của ông cũng phục vụ đối tượng là giáo viên, học sinh. Ông thường được giao nhiệm vụ cán bộ quản lý, nhưng khi ở trường ông vẫn tham gia dạy học với sự tìm tòi khám phá nên giờ giảng của ông luôn cuốn hút học sinh. Tuy dậy ở Kiến An - Hải Phòng không lâu mà nhiều học trò cũ của ông ở đây vẫn nhớ nhiều bài giảng Pháp văn, Việt văn, Lịch sử của ông. Họ nhớ cả đạo đức, tác phong của nhà sư phạm không nghiện thuốc lá, trà tầu, thuốc phiện, không đi hát ả đào... Gia đình nặng gánh mà vẫn cưu mang giúp đỡ học trò nghèo.


 


Dưới chính thể mới ông có tham gia Hội đồng nhân dân, Uỷ ban hành chính tỉnh Bắc Ninh, khoá đầu, Uỷ ban Liên việt khu, Ban chấp hành công đoàn ngành Giáo dục. Ông Trường Chinh, học sinh cũ, khi đến viếng tang đã nói: Cụ là một nhà văn yêu nước và cách mạng. Cụ đã sống một cuộc đời trong sạch, đã đào tạo nên nhiều thế hệ thanh niên yêu nước và làm cách mạng. Hồi đó thì cụ chỉ có thể làm đựoc như vậy thôi..


 


Còn sự nghiệp văn chương, Vũ Ngọc Phan nhận xét: Ông tuy có làm ít nhiều bài thơ... nhưng thơ ông chỉ được cái dễ dàng, lưu loát, còn ngoài ra không có gì đặc sắc... Người ta biết tên ông là vì tiểu thuyết, vì quyển Tố Tâm, một cuốn tiểu thuyết đã được nổi tiếng một thời.... Nhà phê bình họ Vũ còn giải thích thêm '... Tố Tâm đã là một quyển tiểu thuyết nổi tiếng một thời, ta cũng phải kể nó là một quyển sách của một thời đại và cần phải đặt nó vào thời của nó mà xét mới đúng....... Đó là Thời tiểu thuyết sáng tác còn thấp kém, quốc văn còn trong thời kỳ phôi thai'.


 


                                                                                                       N. Đ. L


- Tuyển tập Hoàng Ngọc Phách.- H.: Văn học, 1989


- Nhà văn hiện đại/Vũ Ngọc Phan.- H.: Khoa học xã hội, 1989.- Tr. 325-334


- Lịch sử phong trào thanh niên và tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh: (1925-1975).- Tr. 37-50


- Sơ thảo lịch sử trường Bonnal - Bình chuẩn - Ngô Quyền (1920-1995).- Tr. 18-106

Facebook zalo

Các tin đã đưa