Cuộc cạnh tranh kéo bạn đọc về với văn hóa đọc truyền thống: "Mềm nắn, rắn không buông"

Báo mạng lấn dần báo giấy

         Lướt web, đọc tin trên mạng trở thành thói quen của nhiều người, trong đó có giới trẻ. Chi phí đọc báo rẻ, thông tin đa dạng, trình bày bắt mắt, hình ảnh sinh động là những lợi thế của báo mạng so với báo giấy. Với số tiền tương đương để mua tờ báo giấy hoặc một cuốn tạp chí chỉ để đọc vài bài viết hoặc chuyên mục thì có thể đọc được hàng giờ các báo mạng khác nhau. Chỉ cần một cú nhấp chuột, các trang báo cần đọc hiện ra. Và thông tin tìm kiếm cũng thuận lợi, nhanh hơn nhiều so với tìm thông tin trên báo giấy.
         Lợi thì có lợi, nhưng hại lại cận kề như nỗi lo của lãnh đạo huyện Tiên Lãng. Thói quen đọc báo mạng tràn vào các trường học, khu dân cư, các tổ chức hội, đoàn thể...Nội dung tốt cũng nhiều, nội dung xấu cũng lắm, chưa kể  nhiều thông tin trên báo mạng thiếu tính định hướng và chọn lọc khiến bạn đọc nếu không tỉnh táo sẽ dễ bị 'đánh lạc hướng' và 'nhiễm độc' như từ dùng của Bí thư Huyện ủy Tiên Lãng Bùi Thế Nghĩa. Số vụ án từ internet ở tuổi vị thành niên ngày một tăng, những việc làm bắt chước trên mạng ngày càng nhiều và mạng cũng trở thành kho chứa vô hạn của những tác phẩm văn học mạng không có mấy nội dung lành mạnh. Đáng lo ngại ở chỗ, dù biết nội dung của nhiều tác phẩm trên mạng không đúng, không tốt, nhưng bạn đọc vẫn tìm đọc do hiếu kỳ giải tỏa trí tò mò nhất thời. Từ xem cho biết, dần dần thành thói quen không thể bỏ. Và cũng vì thế, bạn đọc ngày càng xa rời văn hóa đọc truyền thống.

Kéo bạn đọc trở lại - bắt đầu từ ....rắn hơn

         Nhiều người bi quan lắc đầu, khó có thể kéo bạn đọc trở lại khi văn học mạng ngày càng phát triển mạnh như vũ bão. Nhà thơ Minh Trí của Hội Nhà văn Hải Phòng tham gia chủ trì một diễn đàn trên mạng của giới trẻ Hải Phòng  băn khoăn liệu văn học mạng sẽ thay thế văn học truyền thống? Thoạt nghe nhiều người giật mình. Nhưng không phải không có lý do nếu cuộc chiến kéo bạn đọc về với văn hóa đọc truyền thống rơi vào tình trạng 'mềm nắn, rắn buông'. Mà văn học mạng thì ngày càng tập hợp nhiều yếu tố rắnnnn từ nội dung không lành mạnh, ảnh hưởng tới tâm lý và hành vi của người đọc. Trẻ thiếu kiến thức thì ham vui, tò mò. Còn những người muốn tìm thông tin chính xác lại hoang mang và đôi khi bực bội. Chị Nguyễn Thị V.A, kế toán của Công ty xuất nhập khẩu Intimex cũng nhiều lần ở trong tình trạng không hiểu thông tin trên mạng nào đúng. Mạng thì thật là nhanh, sinh động, nhiều thông tin. Nhưng có khi, đọc báo này đưa kiểu này, báo khác đưa kiểu khác, bạn đọc chúng tôi không biết thông tin nào là chính xác. Còn chưa nói đến việc có nhiều trang báo mạng đưa thông tin kiểu câu khách, giật gân, đọc rất khó chịu.... Hình ảnh đôi lúc quá phản cảm....
         Thời gian qua, nhiều vụ việc liên quan đến quản trị, điều hành các trang web đen được đưa ra xử trước pháp luật, nhưng vẫn tồn tại hàng nghìn dạng thức của nội dung không lành mạnh trên mạng Internet. Đó có thể là truyện ngắn, tiểu thuyết, những truyện cười, tranh-ảnh đồi trụy, video clip các thể loại... Ở mỗi mức độ nguy hiểm gây ảnh hưởng tới bạn đọc lại có những thể loại truyền tải mà mạng Internet là mảnh đất màu mỡ để chúng phát triển. Để kéo bạn đọc trở lại với văn học truyền thống, cần có những biện pháp mạnh trong xử lý nội dung thông tin thiếu tính định hướng, website không lành mạnh.
         Song song với việc kiểm soát nội dung, xử lý rắn cần có những tác động khác để khôi phục văn hóa đọc truyền thống. Có lẽ, nên bắt đầu từ việc định hướng bạn đọc, đặc biệt là giới trẻ, trở lại tìm hiểu sách hay, sách có nội dung trong sáng và có thông điệp lành mạnh. Nhà văn Nguyên Ngọc (Hội Nhà văn Việt Nam), người dành nhiều thời gian và tình cảm cho văn hóa đọc, từng băn khoăn trước tình trạng có quá nhiều sách dở, sách 'cẩu thả', 'sách dịch vừa thiếu, vừa yếu, vừa lệch lạc, sách trong nước chủ yếu là sách văn học, còn sách nghiên cứu thì quá nhạt nhẽo'. Trong giai đoạn hiện nay, bạn đọc không thể kiên nhẫn chờ cho đến khi có sách hay để đọc, và khi chờ không nổi, họ sẽ chán và tìm đến những kênh đọc khác. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến kéo bạn đọc trở lại văn hóa đọc truyền thống hiện nay.
Chỉ buồn một nỗi, thời gian qua, dường như cuộc cạnh tranh này vẫn nghiêng về văn hóa đọc trên mạng. Sách xuất bản tràn ngập thị trường đôi khi cũng ăn theo trào lưu văn học mạng để thu hút trí tò mò của bạn đọc. Hành động đối kháng với văn hóa đọc 'đen' lâm vào tình trạng 'mềm nắn, rắn buông'. Phải sử dụng biện pháp rắn hơn để đối phó cùng với xuất bản sách hay mới hy vọng bạn đọc dần trở lại với văn hóa đọc truyền thống như mong muốn...
 

Phong Linh

 (Theo: ttp://www.baohaiphong.com.vn)

Facebook zalo

Các tin đã đưa