Mai Trung Thứ

Mai Trung Thứ quê làng Do Nha, huyện An Dương, tỉnh Kiến An (cũ) nay là xã Tân Tiến, huyện An Hải, Hải Phòng. Ông nội là Mai Trung Quế, tri châu Tuần Giáo kiêm nhiệm châu Luân, quyền tri phủ phủ Điện Biên, tỉnh Sơn La (cũ) được triều đình Huế phong tặng Thái Thường Tự Khanh, gia tặng Đô Sát Viện hữu phó Đô Ngự Sử. Cha là Mai Trung Cát, Tổng đốc Bắc Ninh, được gia phong tước Thái tử Thiếu bảo Đông Các Đại học sĩ, Văn Tân Nam và chính quyền Pháp phong tước hiệu Nam tước (Baron).


 


Mai Trung Thứ sinh năm 1906 tại Hà Nội, là con trai út Mai Trung Cát lớn lên học ở trường Bảo Hộ (trường Bưởi), nay là trường PTTH Chu Văn An. Năm 1925, ông thi vào khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương cùng với Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ, Gióoc Khánh, Nguyễn Cao Luyện... Đây là trường Mỹ thuật duy nhất cho toàn Đông Dương do Victor Tardieu làm Hiệu trưởng, Tardieu là một nghệ sĩ đồng thời là một nhà sư phạm giỏi, một trí thức Pháp tiến bộ. Chính ông là người đã phát hiện và đào tạo những tài năng lớn về hội hoạ của Việt Nam sau này. Trong những năm theo học, Mai Trung Thứ đã tham gia nhiều cuộc triển lãm tranh ở Hà Nội và Sài Gòn, tranh của ông thoạt đầu là những bức tranh sơn dầu vẽ cảnh sinh hoạt của nông thôn Việt Nam thời đó, dần dà ông chuyển sang vẽ tranh lụa. Thời ấy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có ba hoạ sĩ cũng vẽ tranh lụa: Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh và Lê Văn Đệ mỗi người một phong cách và bút pháp khác nhau. Tranh Nguyễn Phan Chánh thiên về gam màu trầm, nâu sẫm và tận dụng chi tiết của chất lụa tơ tằm. Lê Văn Đệ thì đài các, thiên về tôn giáo. Mai Trung Thứ vẽ bằng chất liệu màu tươi sáng, con người và cảnh vật cũng tươi sáng giống như tranh của Tô Ngọc Vân sau này.


 


Vào những năm 29 - 30, Mai Trung Thứ cùng các bạn đồng nghiệp tham gia hầu hết các cuộc triển lãm mỹ thuật ở Hà Nội, tác phẩm của ông đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem. Một số tranh phong cảnh của ông sử dụng chất lượng sơn nhựa, màu chưa mài, là gợi ý cho tranh sơn mài xuất hiện sau này và khẳng định từ hoạ sĩ bậc thầy Nguyễn Gia Trí với những bức sơn mài tráng lệ, huyền ảo, thoát khỏi sự ràng buộc về tính trang trí đơn thuần.


 


Năm 1930, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Mai Trung Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ tại trường Quốc học Huế. Mảnh đất và con người cố đô đã làm ông say đắm và chính nơi đây đã làm nở rộ tài năng vẽ lụa của ông. Hàng loạt các tác phẩm lụa của ông ra đời mà nhân vật trong tác phẩm của ông là những cô gái Huế dịu dàng kiều diễm, những khung cảnh hữu tình bên dòng sông Hương, những mái nhà cong của khu đền đài lăng tẩm. Sáu năm sống và làm việc trong thành phố Huế đã gợi cho ông những hình ảnh, những ký ức không thể nào phai nhoà và tạo cho ông chỗ đứng vững chắc trong nền hội hoạ đương đaị Việt Nam...


 


Cùng với một số hoạ sĩ khác, Mai Trung Thứ tham gia trưng bày tranh ở nhiều nước trên thế giới như ở Italia (Rôm 1932, Milăng 1934, Naplơ 1934) ở Bỉ (Bruxen 1936) ở Mỹ (Xan Franxicô 1937) và ở Pháp nơi ông đến định cư sau này. Sau khi tham gia Hội chợ đấu xảo Paris năm 1936 Mai Trung Thứ quyết định sinh sống, tại thành phố Pari hoa lệ, nơi hội tụ các danh hoạ lớn của thế giới với các hoạ sĩ bậc thầy như: Fernand Léger, Picasso và biết bao tài năng thế giới khác. Có mặt ở đó và tạo được chỗ đứng riêng cho mình về hội hoạ đâu phải dễ dàng nếu không có thực tài. Cũng thời đó, các hoạ sĩ Việt Nam, ngoài Mai Trung Thứ còn có Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu cũng đang hành nghề ở Pari khi mà công chúng Pari chưa biết đến hội hoạ Việt Nam - một nước họ coi như thuộc địa chưa khai hoá nhiều. Những ngày đầu, ngoài những bức lụa, Mai Trung Thứ còn kiếm sống thêm bằng cây đàn bầu mà ông học được khi ở Huế, cây đàn cũng rất Việt Nam. Dần dà những bức lụa mang đầy bản sắc dân tộc của ông mới cuốn hút được công chúng. Suốt mấy chục năm sống và làm việc tại thủ đô nước Pháp, ông chỉ vẽ bằng những kỷ niệm về các cô thiếu nữ, các bà mẹ Việt Nam, khung cảnh Việt Nam, những mái lá hay đền đài cung điện, những ngọn đèn dầu hoả, những vườn hoa đủ sắc màu hay những lùm tre bên ao sen nở... Cứ ba năm một lần, ông mở triển lãm tranh lụa của mình tại một Galơri sang trọng ở Paris và những phòng triển lãm ấy nuôi ông để có thể vẽ tiếp...


 


Tháng Tám năm 1945, ở trong nước, cuộc Tổng khởi nghĩa bùng nổ. Bên kia, trên đất Pháp, kiều bào nghe tin mừng nô nức hưởng ứng. Mai Trung Thứ lúc đó đang hoạt động điện ảnh, ông có chiếc máy quay phim 35 ly và quay những hoạt động của Việt kiều trên đất Pháp, những cuộc mít tinh, biểu tình, những cuộc hội họp và hưởng ứng Tuần lễ vàng, ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh v.v. Năm 1946, ông gửi về nước bộ phim tài liệu ông quay được với nhan đề 'Sức sống của 25.000 kiều bào tại Pháp' do chính ông đứng tên hãng sản xuất là Tân Việt. Bộ phim được chiếu rộng rãi trên các rạp ở Hà Nội,  làm nức lòng nhân dân thủ đô. Mùa thu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp theo lời mời của chính phủ Pháp, cùng thời gian đó phái đoàn Phạm Văn Đồng cũng sang Pháp đàm phán với Chính phủ Pháp. Mai Trung Thứ là người Việt Nam duy nhất quay phim cùng với nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An từ trong nước sang chụp ảnh, đã ghi lại được những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Phạm Văn Đồng. Tất cả sau được chiếu rộng rãi ở thủ đô Pari với những cảnh quay rất đẹp và sinh động mà sau này khi chuyển về nước được các nhà điện ảnh Việt Nam rất khâm phục.


 


Tháng 1 năm 1974 Mai Trung Thứ về thăm Tổ quốc sau 38 năm xa quê hương cùng với rất nhiều văn nghệ sĩ trí thức khác như nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị (học trò của ông), tiến sĩ sử học Thu Trang... theo lời mời của Chính phủ ta. Mai Trung Thứ đã khóc khi xuống phi trường Gia Lâm, đón ông tại sân bay ngày đó có nhiều văn nghệ sĩ, trí thức như nhà văn Mai Ngữ (cháu ruột ông), nhà văn Tô Hoài phó Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam và nhiều quan chức khác... Các tổ chức văn nghệ ở thủ đô đã tổ chức tiếp xúc ông. Trong cuộc tiếp xúc với Bộ Văn hoá, Thứ trưởng kiêm Bí thư Đảng đoàn Bộ Văn hoá đã tiếp nhận món quà quý của hoạ sĩ Mai Trung Thứ. Đó là những thước phim mà ông quay về Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Phạm Văn Đồng khi ở Pháp năm 1946. Dựa vào những thước phim vô cùng quý giá này, cuối năm 1974 đạo diễn điện ảnh Phạm Kỳ Nam, cùng với nhà biên kịch Hồng Hà sang Pari sưu tầm thêm và xây dựng thành công bộ phim về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thời gian khi phái đoàn Phạm Văn Đồng sang Pari đàm phán với chính phủ Pháp năm 1946 hay năm 1968 phái đoàn Xuân Thuỷ sang Paris dự cuộc đàm phán bốn bên, (suốt từ năm 1968 đến 1972) Mai Trung Thứ cùng nhiều Việt kiều đã tạo mọi điều kiện để giúp đỡ phái đoàn ta.


 


Sau chuyến về thăm Tổ quốc, trở lại Paris Mai Trung Thứ có hứa với sẽ trở lại vào năm sau (1975) để giúp đỡ đất nước sản xuất hàng mỹ nghệ, mỹ thuật xuất khẩu sang châu Âu nhưng ông không trở về được vì nhiều lý do. Năm 1980, sau khi kết thúc phòng triển lãm cuối cùng ở Paris - phòng triển lãm tranh lớn nhất và thành công nhất của ông, mùa hè năm ấy ông qua đời đột ngột vì bệnh tim, hưởng thọ 75 tuổi. Thi hài của ông được an táng dưới chân một ngọn núi cách thủ đô Pháp không xa.


 


Mười lăm năm sau, năm 1995, người con gái duy nhất của ông - Bác sĩ thú y Mai Lan Phương tuân theo lời dặn của cha đã về nước cùng với chồng và con, sống và làm việc trong tổ chúc Thú y không biên giớiiii, giúp đỡ nhân dân ta cách phòng chống các bệnh gia súc. Hai năm sau, xong công việc lại trở về Pháp...


 


Mai Trung Thứ là một nghệ sĩ, một hoạ sĩ lớn của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Ông cũng là một nhà trí thức yêu nước tuy ở xa Tổ quốc nhưng đã làm hết sức mình vì đất nước, vì dân tộc .


     


                                                                                                                  L. V. KH



1. Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Tiến.- Nxb. Hải Phòng,    1991


2. 8 nghệ sĩ tạo hình được giải thưởng Hồ Chí Minh.- Nxb. Mỹ thuật, 1997


3. Lược sử mỹ thuật Việt Nam, Nguyễn Phi Hoanh.- Nxb. Khoa học xã hội, 1970


4. Tư liệu và lời kể của nhà văn Mai Ngữ (Hà Nội), hoạ sĩ Nguyễn Hà (Hải Phòng)

Facebook zalo

Các tin đã đưa