Lê Quốc Uy

Tên thật là Lê Văn Hồ, thường gọi là Giáo Hồ, vì sau khi thi đỗ Cao đẳng tiểu học có đi dạy học, còn Quốc Uy là bí danh khi hoạt động. Sinh quan xã Tiểu Bàng phủ Kiến Thuỵ, nay thuộc xã Bàng La, thị xã Đồ Sơn. Nguyên quán ở xã An Phú Thượng, huyện Khoái Châu, nay thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên. Cha ông tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp do Tán Thuật lãnh đạo. Khi căn cứ Bãi Sậy bị địch phá vỡ, sợ bị trả thù nên ông đổi tên trốn về Tiểu Bàng lấy vợ người xã này, rồi vào làm ăn ở đồn thuế Đoan Tiểu Bàng. Khi tú tài Nguyễn Quang Khuê người Tiểu Bàng và bạn bè xin khai khẩn đất hoang lập ấp ở Nghĩa Phương, Đức Hậu... gia đình Lê Quốc Uy cũng chuyển ra định cư ở Đức Hậu làm ruộng, còn ông dạy sơ học ở tổng Tư Sinh. Vốn dòng dõi con nhà yêu nước, có trí thức lại lanh lợi tháo vát giao du rộng nên khi ảnh hưởng của Việt Minh ở Kim Sơn, Lão phong, Kính Trực lan tới, anh em Lê Quốc Uy đã tham gia và tích cực xây dựng các tổ chức cứu quốc ở ấp Đức Hậu, Nghĩa Phương cùng một số nơi mà ông có họ hàng bầu bạn thân tín như Phúc Xá, Đông Xá, Đắc Lộc, Nam Hải nay thuộc xã Đoàn Xá cùng huyện vì Phúc Xá có em vợ là Đồng Xuân Lợi, Nam Hải là quê em dâu. Vùng ấp Đức Hậu, Nghĩa Phương, Tư Sinh không chỉ có các đoàn thể cứu quốc. Từ cuối năm 1944 đã chọn hội viên trung kiên khoẻ mạnh lập đội tự vệ chiến đấu. Lê Quốc Uy đã tổ chức tập võ, học quân sự thường thức và mua sắm vũ khí thô sơ. Đội tự vệ này đã tham gia bảo vệ nhiều buổi diễn thuyết công khai của cán bộ Việt Minh, cắm cờ đỏ sao vàng hay răn đe tổng lý không được bổ thuế, thu thóc tạ cho Nhật, rồi tham gia giành chính quyền, bảo vệ chính quyền cách mạng. Ngay sau khi nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Đảng chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để chấn chỉnh thồng nhất và phát triển lực lượng võ trang chính qui và tự vệ, dân quân tự vệ Kiến An lúc đầu tổ chức 2 trung đội tự vệ chiến đấu, sau bổ sung thành đại đội. Còn các huyện có một trung đội, riêng Thuỷ Nguyên, Đồ Sơn cũng lập được ột đại đội. Nhưng đến giữa năm 1946, đại đội tự vệ của tỉnh bổ sung cho Vệ quốc đoàn, tỉnh lại tuyển trong lực lượng tự vệ các huyện để thành lập một tiểu đoàn tự vệ tập trung của tỉnh do ông Đặng Kinh chỉ huy, chỉ ít lâu sau, ông Đặng Kinh chuyển công tác, Lê Quốc Uy lên thay. Huyện Thuỷ Nguyên cũng bổ sung quân số lập một tiểu đoàn tự vệ tập trung mang tên Quang Trung do Bùi Tống Thuỷ chỉ huy. Trong quá trình xây dựng tự vệ tập trung của tỉnh, Lê Quốc Uy tham gia ngay từ đầu. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tỉnh uỷ, Ban chỉ huy tự vệ cứu quốc Kiến An đã tổ chức huấn luyện, chỉ huy thống nhất từ tỉnh đến xã, cơ quan xí nghiệp, các đội tự vệ tập trung, dân quân du kích. Lực lượng to lớn này đã góp phần bổ sung cán bộ, chiến sĩ cho Vệ quốc đoàn, các đơn vị tự vệ tập trung của huyện, của tỉnh và chiến đấu giữ làng, bảo vệ nhân dân.


 


Tháng 11/1946 liên tỉnh Hải Kiến được thành lập, Uỷ ban hành chính kháng chiến Liên tỉnh gồm 11 người, do Trung đoàn trưởng Trung đoàn 41 làm Chủ tịch, Lê Quốc Uy với cương vị Chỉ huy tự vệ cứu quốc tỉnh Kiến An là uỷ viên. Về mặt quân sự, thành lập Ban chỉ huy Mặt trận liên tỉnh có trách nhiệm tổ chức và chỉ huy tất cả lực lượng võ trang liên tỉnh. Lê Quốc Uy là thành viên của tổ chức quân sự này. Lực luợng tự vệ, công an, dân quân du kích liên tỉnh Hải Kiến đã phối hựp với Trung đoàn chủ lực 41 giam chân địch trong nội thành 5 tháng và đêm 20/3/1947 đã tập kích lớn vào nhiều căn cứ địch trong thành phố, gây cho chúng nhiều thiệt hại, buộc địch phải bỏ dở cuộc hành quân tại vùng Đông Triều, Chí Linh.


 


Ngày 25/4/1947, địch huy động hai trung đoàn bộ binh, có thuỷ quân, không quân phối hợp chia làm nhiều mũi tấn công, bao vây thị xã Kiến An. Lúc ấy lực luợng của ta chỉ có đại đội 4 tự vệ tập trung của liên tỉnh, một đơn vị quyết tử của thị xã Kiến An và một đại đội của của tiểu đoàn 90 thuộc trung đoàn 41. Mặc dù quân số, vũ khí, khí tài quá chênh lệch, nhưng các chiến sĩ vệ quốc, tự vệ, quyết tử quân dưới sự chỉ huy bính tĩnh gan dạ, mưu trí của chỉ huy trưởng Trần Thành Ngọ, chỉ huy phó Lê Quốc Uy đã chiến đấu kiên cường dũng mãnh giữ vững trận địa. Mãi đến tối, đạn dược hết, súng máy bị hóc mới chịu lui về cố thủ ở núi Cột Cờ, dùng báng súng, mã tấn, dao găm, lựu đạn chiến đấu. Trận này, ta đã diệt 360 địch, nhưng phía ta cũng bị tổn thất lớn, 54 chiến sĩ hy sinh trong đó có cả hai vị chỉ huy tài trí, Trần Thành Ngọ, Lê Quốc Uy.


                                                                      


                                                                             N.Đ.L


1. Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng, tập I.- Tr.183, 277, 279, 280


2. Hải Phòng lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.- Tr. 50, 53, 80, 119, 162, 183


3. Lịch sử võ trang khởi nghĩa và kháng chiến cứu nước huyện Kiến Thụy: 1940 - 1975.- H.: 1989.- Tr. 28, 30, 34


4. Lịch sử Đảng bộ xã Đoàn Xá: 1943 - 1997.- Nxb. Hải Phòng, 1998.- Tr.17


5. Tài liệu gia đình do bà Lê Thị Bán, chú liệt sĩ Lê Quốc Uy cung cấp

Facebook zalo

Các tin đã đưa