Nguyễn Hữu Tảo

Người làng Trung Tự, phường Đông Tác cũ nay là địa bàn các phường Kim Liên, Phương Liên, Trung Tự quận Đống Đa thành phố Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình Nho học nổi tiếng, sách Quốc triều hương khoa lục ghiiii ông cháu, bác cháu đều đỗỗỗỗ. Ông nội là Nguyễn Văn Lý đỗ đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn năm Minh Mệnh 13 (1832). Cha là Nguyễn Hữu Cầu đỗ Cử nhân khoa Bính Ngọ, Thành Thái (1906), thường gọi là cụ cử Đông Tác, nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học, tham gia xây dựng trường Đông Kinh nghĩa thục cùng các cụ Huấn Quyền, cha con cụ cử Can... nên bị Pháp bắt đầy ra Côn Đảo. Lúc này, gia cảnh khó khăn, Nguyễn Hữu Tảo và em trai là Nguyễn Văn Kha (biệt hiệu Thiều Chửu) phải vất vả lắm mới nối được nghiệp nhà. Năm 1924, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương, được đổi về Nam Định dạy bậc Thành chung; năm 1926 đổi về dạy ở trường Thành chung Bonnan (Bonnal - nay là trường Phổ thông trung học Ngô Quyền) Hải Phòng, phụ trách giảng dạy các môn khoa học tự nhiên. Theo hồi ký của nhiều học sinh trường Bonnan thì thầy Tảo là người điềm đạm, mẫu mực; soạn bài, giảng bài, chấm bài rất cẩn thận. Thầy thường xin thêm giờ để được gần gũi học sinh. Thầy hết sức khuyến khích học sinh cố gắng vươn lên nắm được các ngành khoa học hiện đại. Thầy thường coi trọng cả chính khoá và ngoại khoá. Các giờ dạy vẽ, dạy thể dục thầy đều chuẩn bị kỹ, thị phạm đúng động tác. Những ngày nghỉ thầy thường tổ chức cho học sinh đi cắm trại, đi tham quan, khi thì đi di tích núi Voi, khi đi bãi bể Đồ Sơn, lúc đến đồng quê Do Nha... Những cuộc đi này không chỉ giúp học sinh hiểu biết thực tế quê hương đất nước mà còn rèn luyện thân thể, rèn luyện tính tháo vát, tình đồng đội.


 


Năm 1938 thầy đã cùng Vũ Quí, một cán bộ của Đảng phụ trách công tác thanh vận, lợi dụng tổ chức hợp pháp lúc ấy là Đoàn Hướng đạo để xây dựng Đoàn Rồng, một đoàn hướng đạo mạnh của Hải Phòng. Thầy Tảo cũng giúp lập Hội Ái hữu cựu học sinh trường Bonnan hoạt động nhằm tăng thêm tình thầy trò,  tình bạn bè,  phát huy truyền thống. Đặc biệt thầy quan tâm giúp đỡ học sinh nghèo cả tinh thần lẫn vật chất. Có người gia cảnh khó khăn nhờ thầy giúp đỡ học hết khoá. Thầy là người dạy lâu nhất ở trường Bonnan, đến 19 năm.Thời gian dạy ở Hải Phòng Nguyễn Hữu Tảo cùng Long Điền, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Sơn Hà lập nhóm Tam hữu để viết sách truyền bá đạo lý. Nhóm này đã xuất bản các cuốn: Đạo làm người, Đời đoàn thể, Tấm lòng vàng.... cuốn sau là sách dịch của De Amicis


 


Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông được bổ nhiệm chức Tổng giám đốc Tiểu học vụ, rồi sau lại kiêm chức Giám đốc khu một Việt Bắc và nhiều công tác khác cũng trong ngành giáo dục. Sau chiến thắng biên giới, khu Học xá trung ương thành lập năm 1951 tại Nam Ninh Trung Quốc, ông được giao nhiệm vụ xây dựng bộ môn giáo dục học ở trường sư phạm trung cấp, rồi cao cấp. Đây là bộ môn khoa học mới mẻ, vì trước kia ở các trường sư phạm Đông Dương chỉ có những bài giảng có tính chất kinh nghiệm, chứ chưa hình thành lý luận khoa học. Ông đã cùng đồng nghiệp trong trường tham khảo tài liệu của nước ngoài, tổng kết từng bước kinh nghiệm giáo dục của Việt Nam để xây dựng bộ môn. Ông dành thời gian dịch bộ giáo trình giáo dục học của nhà giáo dục học Xô Viết nổi tiếng  Cai rốp. Những năm sáu mươi của thế kỷ này, các trường sư phạm miền Bắc vẫn dùng bộ sách này làm giáo trình giảng dạy. Ông cũng quan tâm đến giáo học pháp bộ môn. Có thể nói nhà giáo Nguyễn Hữu Tảo là người đặt nền móng đầu tiên của khoa giáo dục học hiện đại nước ta. Năm 1955, Khu Học xá chuyển về nước, ông được bổ nhiệm Hiệu trưởng trường Sư phạm trung cấp Trung ương tại Cầu Giấy. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn phải vừa xây dựng cơ sở vật chất vừa chiêu sinh với số lượng lớn, vừa xây dựng đội ngũ giáo viên vừa thiếu vừa yếu, ông đã cùng Hiệu uỷ, Ban giám hiệu lần lượt giải quyết ổn thoả. Năm 1959, do yêu cầu của ngành, Bộ điều ông về phụ trách bộ môn Tâm lý- giáo dục trường Đại học Sư phạm I Hà Nội và công tác ở đây đến năm 1964 về nghỉ hưu, ông tiếp tục làm công tác bổ túc văn hoá ở cơ sở. Lớp học bổ túc văn hoá của thầy Nguyễn Hữu Tảo làm người ta nhớ đến trường đại tập của quan Nghè Đông Tác, trường của cụ Cử Đông Tác mà ông nội, thân phụ ông đã mở ngày xưa. Em trai ông cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Văn Kha, nhà Phật học đạo cao đức trọng cũng gắn bó với nghề dạy học. Cư sĩ đã tham gia lập Hội Truyền bá quốc ngữ, năm 1941 mở trường Phật học Phổ Quang ở Hà Nội đào tạo nhiều nhà tu hành nổi tiếng, trong đó có Hoà thượng Thích Tâm Tịnh, Pháp chủ giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay. Trong kháng chiến chống Pháp, cư sĩ dạy nuôi trẻ mồ côi của trường Tế sinh và dạy bình dân học vụ cho dân nơi sơ tán.


Chi họ Nguyễn phường Đông Tác nối đời làm nghề dạy học, rèn người. Thầy Nguyễn Hữu Tảo giữ được nghiệp nhà, phát huy truyền thống xứng danh nhà mô phạm như lời cố Tổng bí thư Trường Chinh!


'... Thầy Nguyễn Hữu Tảo, người thầy kính yêu của tôi thời kỳ tôi học ở trường Thành Chung Nam Định'.


                                                                       


                                                                                                                                                                                   N. Đ. L


      - Sơ thảo lịch sử trường Bonnal... Tr.107-111


      - Lịch sử phong trào thanh niên... Tr. 56 - 69


      - Thiều Chửu... Tạp chí Xưa và Nay số 68 B.- Tháng 10/1999.- Tr. 19


- Quốc triều Hương khoa lục.- Cao Xuân Dục. Hồ Chí Minh, 1993


      - Các nhà khoa bảng Việt Nam.-Văn học,          1993.- Tr. 773

Facebook zalo

Các tin đã đưa