Khái Hưng

Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư, sinh 1897. Bút danh của ông từ chữ Khánh Giư sắp xếp lại mà thành. Tên khai sinh vốn là tê Trần Giư, khi đỗ tú tài I, không muốn làm công chức về Ninh Giang mở đại lý bán dầu hoả, thường bị viên quan thực dân nghi ngờ, gây phiền phức. Ông thêm chứ đệm Khánh hàm ý Trần Khánh Dư thời Trần thất thế phải bán than, còn ông thất thế phải đi bán dầu hoả.


 


Khái Hưng xuất thân trong một gia đình quan lại phong kiến ở xã Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, nay thuộc Hải Phòng. Cha ông là Tuần phủ Trần Mỹ, em ruột ông là Trần Tiêu được sự dìu dắt của ông, cũng theo nghiệp văn chương.


 


Khái Hưng học trường Anbe Xarô Hà Nội, sau đó về Ninh Giang ít hôm rồi rồi lên dạy ở trường tư thục Thăng Long, Hà Nội và bắt đầu làm báo, viết văn.


 


Từ năm 1930, cùng với sự phát triển của đời sống tư sản hoá ở thành thị và sự xuất hiện một thế hệ thanh niên trí thức Tây học khá đông đảo, ý thức hệ tư sản đã nảy nở mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sau cơn khủng bố trắng 1930 -1931 của Thực dân Pháp, tầng lớp tư sản Việt Nam không dám đấu tranh bằng chính trị và quân sự, chuyển sang đấu tranh bằng văn hoá và chĩa mũi nhọn vào giai cấp phong kiến. Bối cảnh đó đã thúc đẩy sự ra đời của những nhà văn có khuynh hướng cải lương tư sản. Nhóm nhà văn này do Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) đứng đầu, xuất hiện trên văn đàn công khai từ năm 1932 đến đầu năm 1933 tuyên bố thành lập Tự lực văn đoàn. Ba nhân vật trụ cột luôn thể hiện đầy đủ, đúng đắn đường lối, quan điểm của nhóm là Nhất Linh, Khải Hưng và Hoàng Đạo.


 


Năm 1932 Tự lực văn đoàn ra tờ báo Phong hoá. Từ năm 1936 tuần báo Ngày nay ra đời thay cho tờ Phong hoá bị đóng cửa. Cùng với báo, Tự lực văn đoàn còn có nhà xuất bản Đời nay. Toàn bộ tác phẩm của Khái Hưng đều do Ngày nay và Đời nay công bố.


 


Khái Hưng viết tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch và truyện thiếu nhi. Tuy nhiên ông chỉ xuất sắc ở tiểu thuyết. Ông là cây bút tiểu thuyết chủ lực, tiêu biểu nhất của Tự lực văn đoàn. Tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng, 'Hồn bướm mơ tiên' (1933) là tiểu thuyết đầu tay của Tự lực văn đoàn; tiểu thuyết cuối cùng của ông là 'Thanh Đức' (1943) và cũng là tiểu thuyết cuối cùng của nhóm. Ngoài những tác phẩm riêng Khái Hưng còn viết chung với Nhất Linh hai tiểu thuyết: 'Gánh hàng hoa' (1934), 'Đời mưa gió' (1934) và ra chung tập truyện ngắn 'Anh phải sống' (1934).


 


Cùng với các tác phẩm nói trên, các tiểu thuyết của Khái Hưng như 'Nửa chừng Xuân' (1934), 'Trống Mái' (1936), 'Tiêu Sơn tráng sĩ' (1937) 'Gia đình' (1938), 'Thoát ly' (1938), 'Đẹp' (1939) 'Thừa tự' (1940), 'Hạnh' (1940)  và các truyện ngắn thường miêu tả những tình yêu tự do, chống lại lễ giáo phong kiến. Bên cạnh đó ít nhiều đưa ra những cải cách xã hội theo xu hướng cải luơng. Kịch của Khái Hưng thường chỉ một hồi, một cảnh nửa bi nửa hài ít được công diễn


 


Trong những năm 1933 - 1945, Khái Hưng là nhà văn được khá nhiều thanh niên thành thị ưa chuộng. Họ coi ông là người hiểu biết tâm hồn họ hơn cả. Độc giả của ông không phải là những người lao động mà là thanh niên trí thức tiểu tư sản, trong đó phần đông là các cô gái. Lời văn của Khái Hưng lúc đầu bay bướm sau bình dị hơn. Nói chung Khái Hưng là nhà tiểu thuyết có tài, có công trong việc thúc đẩy ngôn ngữ phát triển.


 


Trong Đại chiến thế giới thứ hai, cũng như Nhất Linh, Khái Hưng đi vào hoạt động chính trị. Do tham gia Đảng Đại Việt dân chính thân Nhật nên Khái Hưng từng bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (tháng 3/1945), Khái Hưng được tự do, đã cùng Hoàng Đạo, Nguyễn Tường Bách ra báo Ngày nay kỷ nguyên mới ủng hộ chính quyền tay sai của Nhật. Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Khái Hưng có viết một loạt bài báo, truyện ngắn, kịch ngắn trên các báo của Việt Nam Quốc dân Đảng song không một tác phẩm nào có giá trị. Về nội dung tác phẩm, từ một nhà văn có khuynh hướng tư sản cấp tiến, ông đã trở thành người đi ngược với xu thế chung của lịch sử. Ông mất năm 1947 tại Xuân Trường, Nam Định  


 


                                                                        L. V. KH


           


 


1. Từ điển văn học.- Nxb. Khoa học xã hội,1984.-T.1


2. Nhà văn hiện đại/Vũ Ngọc Phan.- H.: Nxb. Vĩnh Thịnh, 1951


3. Nhà văn Hải Phòng - Chân dung và tác phẩm.- Nxb. Hội nhà văn, 2000.

Facebook zalo

Các tin đã đưa