Hồng Vân

Tên thật là Đoàn Đắc Diễm, người thôn Kim Sơn, xã Tân Trào huyện Kiến Thuỵ, được giác ngộ và tham gia vào Thanh niên dân chủ phản đế từ tháng 5/1936; đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, một trong những người tham gia cách mạng sớm nhất ở Kiến Thuỵ.


 


Được Vũ Quí, thông qua hoạt động của đoàn 'Hướng đạo' về Kiến Thuỵ gây dựng cơ sở (tháng 5/1936) đến làng Kim Sơn tìm hiểu thực tế địa phương, đã liên lạc với anh thanh niên Đoàn Đắc Diễm, con cụ đồ Khanh (Đoàn Đắc Khanh), một nhà nho yêu nước tiến bộ. Vũ Quí đã giác ngộ anh Diễm lý tưởng cộng sản, dẫn dắt anh làm cách mạng với bí danh: Hồng Vân. Hồng Vân đã liên tục hoạt động, xây dựng được cơ sở cách mạng ở Kim Sơn, Kính Trực, Đức Hậu, Lão Phong, Đoàn Xá (Kiến Thuỵ) Vinh Quang (Tiên Lãng)... và trở thành những người lãnh đạo chủ chốt của phong trào địa phương thời kỳ này.


 


Từ năm 1941 đến năm 1945, Hồng Vân được cấp trên phân công trực tiếp làm Trưởng Ban cán sự Việt Minh trong huyện. Với trách nhiệm và cương vị đó trong cao trào kháng Nhật cứu nước 1943-1944-1945, ông đã lãnh đạo và chỉ đạo cơ sở cách mạng ở địa phương; tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành thị uy, vũ trang chống phát xít Nhật về đàn áp cách mạng ở làng Kim Sơn, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho cuộc giành chính quyền ở xã, huyện.


 


Tháng 7/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Kim Sơn đã vùng lên đạp đổ chính quyền của địch, thiết lập chính quyền cách mạng, Hồng Vân được cử giữ chức Chủ tịch Uỷ ban dân tộc giải phóng làng Kim Sơn - Tân Trào. Đây là một làng có chính quyền cách mạng sớm nhất vùng Duyên hải Bắc bộ.


 


Cách mạng tháng Tám năm (1945) thành công, ông lại được cử giữ chức Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Kiến Thuỵ. Đến năm 1946, do nhu cầu cách mạng, và kháng chiến, Hồng Vân được điều lên UBHC tỉnh Kiến An phụ trách Trưởng ban tản cư và tiêu thổ kháng chiến... để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.


 


Đầu năm 1948, làm Phó Bí thư Nông hội tỉnh Kiến An, tháng 8/được cử đi học lớp nông vận do Trung ương mở 6 tháng tại chiến khu Việt Bắc. Đến tháng 5/1950, về nông hội tỉnh Hoà Bình và tham gia Ban Thường vụ huyện uỷ huyện Lương Sơn, trực tiếp phụ trách công tác dân vận huyện.


 


Cuối năm 1954, Hồng Vân chuyển về công tác tại Ban Tôn giáo Chính phủ. Sau một thời gian lại được chuyển sang phụ trách công tác tổ chức Uỷ ban thể dục thể thao Trung ương cho đến cuối năm 1964 mắc bệnh  qua đời.


 


Quá trình tham gia hoạt động cách mạng liên tục cho đến khi qua đời trải qua trên 30 năm, ông đã vượt qua bao gian khổ hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc và quê hương ./.                                  


                                                    V. L. N.


 


- Lịch sử Đảng bộ huyện Kiến Thuỵ (Nxb. Hải Phòng, 1992.- Tr. 20)


- Lịch sử đấu tranh cách mạng xã Tân Trào (19360-1975).- Nxb. Hải Phòng, 1995, Tr. 31-32


- Lời kể của bác Hoàng Thanh (nguyên tỉnh uỷ viên tỉnh Kiến An, phó Bí thư huyện uỷ Kiến Thuỵ, cán bộ lão thành cách mạng)


- Lời kể của Bác Đinh Mai Hạnh (Nguyên Phó giám đốc Sở Lao động thương binh  xã hội Hải Phòng, cán bộ tiền khởi nghĩa)

Facebook zalo

Các tin đã đưa