Nguyễn Văn Trường

Người thành phố Vinh (Nghệ An), sinh năm 1918 và mất năm... Ông vốn có năng khiếu rất sớm về hội hoạ, lại được hoạ sỹ Mạnh Quỳnh (khi ấy là sinh viên trường mỹ thuật Đông dương dìu dắt, Nguyễn Văn Trường chỉ qua dự bị một năm rồi được nhận thẳng vào trường theo học khoa Sơn mài. Tốt nghiệp trường Mỹ thuật vừa lúc cách mạng tháng Tám thành công và tiếp đến 9 năm kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Văn Trường không trở về quê hương mà về sống ở quê vợ (Thanh Miện - Hải Dương) hăm hở tham gia phục vụ công cuộc đánh Pháp, từ đào đường, đắp ụ đến kẻ khẩu hiệu, vẽ tranh tường. Tuy nghề nghiệp chưa được sử dụng hết mức, những cảnh quan và không khí náo nức của một vùng quê xứ Đông gắn bó với hoạ sĩ Nguyễn Văn Trường thật sâu đậm. Sau này, trong sáng tác của mình, cảnh làng quê dịu ngọt, những cánh cò chớp sáng... được hoạ sĩ thể hiện thật đầm ấm, tha thiết. Rồi những hình ảnh đàn trâu gặm cỏ triền đê, những thôn nữ mê mải cấy trong chiều đông lạnh; phiên chợ bơ nhộn nhịp... Cùng phong cảnh mây trời, sông nước, núi non và những cánh thuyền ẩn hiện... Nguyễn Văn Trường hầu như gắn bó với cảnh quan thôn dã qua các tác phẩm sơn khắc của mình.


 


Năm 1955, Hải Phòng giải phóng, nghệ nhân hoạ sĩ Nguyễn Văn Trường trở về miền đất 'Trung dũng Quyết thắng' nhiều đồng nghiệp và những bài báo viết về ông đều coi thời điểm này là bước chuyển mình đánh dấu sự gắn bó với một vùng đất mới của nghệ sĩ khi chuyển về thành phố Cảng. Hàng loạt những tác phẩm hội hoạ: Trên bến cảng, Lấn biển, Lê Chân, trận Bạch Đằng Giang, Hải Phòng chống Mỹ, Tam Bạc, Bác Hồ thăm đảo Cát Hải... đều lấy đề tài từ mảnh đất Hải Phòng.  Trong quá trình sáng tác, nghệ nhân hoạ sĩ Nguyễn Văn Trường từng để lại hai dấu ấn khá đậm nét về một vùng  quê xứ Đông và vùng đất Cảng. Mối tác phẩm dựng lên, ông đã phải huy động tất cả những hiểu biết, xúc cảm của mình về sử học, dân tộc học, và do vậy mà mối công trình có một sức sống riêng. Trong bức khắc hoạ 'Lê Chân' gợi lại không khí thời kỳ nữ tướng Lê Chân về Trang An Biên gây dựng cơ đồ... bằng sự nghiêm túc công phu trong quá trình nghiên cứu trang, sắc phục, người xem có thể chấp nhận ở tác phẩm này một giá trị chân - thiện - mĩ. Cũng vậy, trong các mảng đề tài về lịch sử,  khó thấy có sự xáo trộn về sắc phục cũng như dáng dấp con người. Ngay bức tranh 'Mừng hội non sông' sáng tác về ngày bầu cử Quốc hội chung của cả nước tại Hải Phòng, Ngày 25/4/1976 cũng bắt gặp sự tinh tế, sâu sắc của hoạ sĩ. Nào là những cô gái vùng Thuỷ Nguyên đến với ngày hội; nào là những trai thanh, nữ tú của Hải Phòng, nào là những thương binh, bộ đội từ chiến trường mới trở về... Tất thảy đều có những nét riêng biệt.


 


Toàn bộ cuộc đời và tác phẩm của nghệ nhân hoạ sĩ Nguyễn Văn Trường luôn luôn dành cho đất nước và đặc biệt dành cho Hải Phòng. Các tác phẩm nghệ thuật của Nguyễn Văn Trường, gần như một pho lịch sử bằng hội hoạ của Hải Phòng và có một vị trí xứng đáng trong lĩnh vực nghệ thuật.


 


                                                                             V. L. N


1. (Lý lịch trích ngang) của hội viên hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng, lưu tại văn phòng Hội.


2. Lời kể của hoạ sĩ Thọ Vân (Trần Đức Doanh)


3. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử Hải Phòng số 1 (9)/1987.- Tr. 75

Facebook zalo

Các tin đã đưa