Lê Đại Thanh

Lê Đại Thanh sinh ngày 8/5/1907 tại Hải Phòng. Quê gốc ở Thanh Hoá. Thuở nhỏ  học trưòng Bonnal Hải Phòng. Sau khi đỗ tiểu học năm 1922, ông lên học trưòng Bưởi, Hà Nội. Tốt nghiệp bằng Thành Chung, thi vào trường Sư phạm. Ra trường, ông được bổ về trường Giuyn Pheri thành phố Nam Định (1927 - 1932). Nhà văn Nam Cao là học sinh lớp nhì B của ông, nhà văn Nguyên Hồng học lớp nhì C bên cạnh. Tại Nam Định ông làm quen và kết bạn với một số chiến sĩ cách mạng và những thanh niên có tư tưởng yêu nước như: Ngô Gia Tự, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Công Mỹ, Bùi Đình Đổng... nên bị chuyển lên Hoà Bình (1933) dạy một trường toàn con em các quan lang. Năm sau lại bị điều đi xa hơn, tận Nước Hai, Cao Bằng. Học sinh của ông ở Cao Bằng sau này nhiều người trở thành tướng lĩnh Quân đội nhân dân Việt Nam như: Bằng Giang, Nam Long... Năm 1935 Lê Đại Thanh được chuyển về trường Hàng Kênh, thuộc huyện Hải An , tỉnh Kiến An. Tri huyện Hải An nói thẳng với ông rằng ông không được phép đi  xa quá Kiến An, Hải Phòng 30 km mà không xin phép kiểm học. Chỉ tới năm 1941 khi được dạy ở trường Bonnal Hải Phòng, lệnh ấy mới được nới lỏng: ông được phép tới Hà Nội và cũng chỉ tới Hà Nội mà thôi.


 


Ông bí mật liên hệ với cách mạng và được cán bộ cách mạng phân công hoạt động trong các phong trào công khai như Hội truyền bá Quốc ngữ và phong trào thể dục thể thao Đuycuaroa. Ông còn bí mật quyên tiền mua súng cho cách mạng.


 


Là trí thức có tên tuổi ở Hải Phòng lúc đó nên các đảng phái đều lôi kéo ông về phía mình. Nguyễn Trường Tam (Nhất Linh) một bạn văn của ông nhiều lần rủ, ông theo Việt Nam Quốc dân Đảng song ông từ chối. Đại Việt Quốc liên minh -  một đảng thân Nhật, hứa dành cho ông chức vụ cao, ông cũng từ chối, một lòng đi theo những người Cộng sản.


 


Tháng 5 - 1945 Lê Đại Thanh bị hiến binh Nhật bắt khi đang diễn thuyết tại hội quán AFA, tên chỉ điểm là Đỗ Đức Phin. Sau Phin bị Văn Cao, bắn chết vì tội phản quốc.


 


Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng cử Lê Đại Thanh làm phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời song ông chỉ nhận chức Uỷ viên tuyên truyền phù hợp với khả năng của mình. Dựa vào thế lực quân Tưởng Giới Thạch, bọn Việt Quốc bắt ông giam ba tuần và định thủ tiêu. Sau Bí thư Thành uỷ Hải Phòng đã vận động, tổ chức và chỉ huy hàng nghìn quần chúng đấu tranh, một cuộc đấu tranh quyết liệt đổ máu, chúng mới thả ông.


 


Năm 1946 ông được cử làm Hội trưởng Hội Văn học Hải Phòng. Lê Đại Thanh bước vào văn chương từ năm 1922 - khi vừa thi xong tiểu học. Năm ấy báo Đông Pháp mở cuộc thi thơ 'Ngàn năm văn vật đất Thăng Long' kèm theo lời quảng cáo: Ai gửi thơ về, bất chấp hay dở, thất niêm thất luật đều được cho lên khuôn. Nhưng thành công đầu tiên của ông lại thuộc về vở hài kịch 'Hai người trọ học' (1936), được giải của Tự Lực Văn Đoàn. Hai giải nhì là 'Kim tiền' của Vi Huyền Đắc và 'Bỉ vỏ' của Nguyên Hồng. Năm ấy văn nghệ sĩ Hải Phòng độc chiếm những giải cao nhất .


 


Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Lê Đại Thanh đứng trong hàng ngũ các  chiến sĩ trung đoàn 42 bảo vệ Hải Phòng. Ra vùng tự do ông đuợc cử làm phó Giám đốc Ban Tuyên truyền liên khu II. Năm 1948, ông tham gia Đại hội thành lập Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và được cử vào Ban Thư ký đại hội. Trong thời gian này Lê Đại Thanh sáng tác hai vở kịch nói 'Những cái chết anh hùng' và 'Người mẹ tiễn con ra trận'.


 


Tiếp đó, Lê Đại Thanh công tác tại Hội Văn hóa cứu quốc rồi tạp chí 'Gió biển', Báo 'Quân Bạch Đằng' thuộc Bộ Tư lệnh liên khu III, báo 'Cứu quốc thủ đô' thuộc liên khu I. Có thời gian ông nhập ngũ tiểu đoàn 142 làm công tác hỏi cung tù binh Pháp. Hoà bình lập lại Lê Đại Thanh công tác ở báo Văn Nghệ, cùng tổ thơ với Hữu Loan, Quang Dũng, Trần Lê Văn.


 


Năm 1958, Lê Đại Thanh chuyển về Hải Phòng có một thời gian ngắn công tác ở Sở Văn hoá thông tin rồi về hưu. Ông tham gia Đại hội thành lập chi hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng, tháng 1/1964.


 


Lê Đại Thanh viết kịch, làm thơ và viết cả văn xuôi nhưng sự nghiệp chính của ông vẫn dành cho thơ. Tuy nhiên ông sáng tác không nhiều. Tập 'Những ngôi sao biển' (1987) gần như gom góp cả đời thơ của ông. Ngoài ra còn có kịch thơ 'Chiến thắng Đông Đô' (viết vào khoảng những năm 40), 'Chương Dương hành khúc' (1945).


 


Lê Đại Thanh còn tham gia đóng kịch trong ban kịch của Thế Lữ trước cách mạng tháng Tám. Ông thủ vai Trần Thiết Chung nhân vật chính trong Kim Tiềnnnn của Vi Huyền Đắc, diễn lần đầu tại nhà hát Tây (tức nhà hát thành phố) Hải Phòng năm 1938. Năm năm sau vở kịch mới được diễn lần thứ hai tại Nhà hát lớn Hà Nội, lần này thủ vai Trần Thiết Chung là nhà văn Nguyễn Tuân.


 


Bài viết cuối cùng của Lê Đại Thanh là Ba đức tính của Nguyên Hồng, được công bố sau khi ông mất (17/7/1996) trên tạp chí 'Cửa biển' Hải Phòng và báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam, tháng 7/1996.


 


Lê Đại Thanh là nhà thơ giàu cá tính sáng tạo, bất chấp tuổi tác, thơ ông luôn luôn bắt nhịp với xu hướng chung của thơ ca  hiện đại. Con cháu ông cũng nhiều người hoạt động trên lĩnh vực văn học nghệ thuật và đều trở thành những nghệ sĩ ít nhiều có tên tuổi.


 


                                                     L. V. KH


1. Tạp chí Cửa biển, số 29/1996.


2. Hải Phòng - Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nxb. Quân đội nhân dân,1986


3. Lý lịch tự khai của Lê Đại Thanh


4. Một ông già sống đến khi chết, Bùi Ngọc Tấn trong tập Một ngày dài đằng đẵngggg.- Nxb. Hải Phòng, 1999.


5. Nhà văn Hải Phòng - Chân dung và tác phẩm, Nxb. Hội nhà văn, 2000.

Facebook zalo

Các tin đã đưa