Hồ Ngọc Lân

Hồ Ngọc Lân sinh tại Bắc Ninh, anh sớm tham gia vào các phong trào yêu nước 1925 1926. Lúc đầu Hồ Ngọc Lân tham gia Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học. Nhưng sau Hồ Ngọc Lân gặp Nguyễn Đức Cảnh từ Quảng Châu (Trung Quốc) trở về nước, được Nguyễn Đức Cảnh giác ngộ anh đã tìm thấy con đường cách mạng chân chính, anh tự nguyện gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội năm 1927.


 


Hồ Ngọc Lân lại giác ngộ  cho hai chị em Trịnh Thị Nhu và Trịnh Thị Uyển là em người bạn cũ vào tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Sau khi Nguyễn Đức Cảnh được kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội chỉ định làm Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội Hải Phòng thay Nguyễn Tường Loan bị ốm, Hồ Ngọc Lân cũng về Hải Phòng hoạt động. Trong những năm 1928, 1929 sau khi về Hải Phòng Hồ Ngọc Lân đã góp phần xây dựng Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và đẩy mạnh phong trào cách mạng ở Hải Phòng và một số huyện thuộc tỉnh Kiến An như An Lão, Tiên Lãng...


 


Theo chỉ thị của Trung ương do Nguyễn Đức Cảnh truyền đạt, Hồ Ngọc Lân là người thi hành bản án tử hình đối với Nhu và Uyển tại ngõ Tham Thuật, gần hội quán Trí Tri phố Cát Dài Hải Phòng vào tối 31/5/1929 vì tội phản bội tổ chức.(1)


 


Trên bước đường hoạt động cách mạng, Hồ Ngọc Lân do bị kẻ phản bội chỉ điểm đã sa tay mật thám Pháp. Chúng đưa anh về sở mật thám Hà Nội, dùng cực hình tra tấn, nhưng không thể khuất phục được anh, chúng giam anh vào nhà tù Hoả Lò. Chỉ sau khi thực dân Pháp bắt được Nguyễn Đức Cảnh chúng mới kết án tử hình Hồ Ngọc Lân.


 


Ngày 31/7/1932, thực dân Pháp đã đưa Nguyễn Đức Cảnh  và Hồ Ngọc Lân ra xử tử tại cây đa trước đề lao Hải Phòng. Chúng đưa hai anh lên máy chém vào giờ tan tầm ca đêm. Quần chúng công nhân, nhân dân lao động cùng nhiều đồng chí của hai anh kéo đến đông bất chấp sự cản đường của bọn cảnh sát, mật vụ.


 


Trước lúc bị hành quyết, Hồ Ngọc Lân đòi khi chém không được trói tay, bịt mắt. Thái độ bình tĩnh, hiên ngang của hai anh đã làm cho kẻ thù run sợ. Khi cuộc hành quyết diễn ra kẻ thù cũng phải cúi đầu chào.


 


Cái chết của Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân đã để lại bao xúc động  trong lòng nhân dân lao động và thợ thuyền Hải Phòng cũng như nhân dân cả nước.


 


1.           Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng.- Hải Phòng: Nxb. Hải Phòng,1991.- Tập I.-Tr.120 - 121.


2.           Tài liệu toạ đàm của Liên đoàn lao động Hải Phòng.


 


---------------------------------


1. Luận văn Phó tiến sĩ của nghiên cứu sinh Khổng Đức Thiêm bảo vệ tại viện nghiên cứu lịch sử Đảng gần đây đã chứng minh đây là vụ án oan do bối cảnh lịch sử lúc đó.

Facebook zalo

Các tin đã đưa