Phạm Văn Ngọ

Phạm Văn Ngọ là tên khai sinh, khi hoạt động cách mạng mang nhiều bí danh và biệt hiệu do đồng chí, bạn bè đặt cho như: Xương , Ngạn, Cao, Cà Pháo, Vỏ Cam hay Cao Vỏ Cam... không rõ năm sinh. Xuất thân trong một gia đình nông dân ở huyện Nam Trực (nay là huyện Nam Chân) tỉnh Nam Định. Rời quê hương, Phạm Văn Ngọ ra tỉnh vào làm thợ nguội tại nhà máy Sợi Nam Định. Lúc này ở Nam Định có phong trào thanh niên học sinh giáo giới... sôi nổi đòi tha Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp xã hội tham gia. Phạm Văn Ngọ cùng bạn thợ tham gia các hoạt động yêu nước ấy.


Mùa thu năm 1927 (khoảng tháng tám, tháng chín) tham gia Việt nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội do đồng chí Sơn tổ chức một chi bộ công nhân gồm tám người như Trần Trọng Hợp( Hai mù), Trần Trọng Hoan (Thạch, Đá) là hai anh em ruột, Phạm Văn Ngọ, Đinh Trọng Vĩnh...do Hợp làm Bí thư. Chi bộ công nhân này được sự giúp đỡ của Trần văn Lan( Giáp) và Hồ Công Chương...nên hoạt động tích cực, đúng phương hướng. Khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập ngày 17/6/1929, chi bộ công nhân Nhà máy Sợi, trong đó có Phan Văn Ngọ được chuyển sang Đảng cộng sản Đông Dương ngay từ đầu, trở thành chi bộ xuất sắc của tỉnh bộ Nam Định. Quá trình rèn luyện trong đấu tranh thực tế, chi bộ này đã đào tạo được nhiều cán bộ đảng viên ưu tú cho Đảng.


 


Ít lâu sau khi chuyển Đảng, Đảng đã điều Phạm Văn Ngọ ra Hải Phòng công tác. Tỉnh bộ Hải Phòng lại phân công Ngọ ra vùng mỏ Mạo Khê, Uông Bí làm công tác công vận. Theo hồi ký của Đặng Xuân Thiều, tháng 10/1929 Phạm Văn Ngọ được bầu vào Ban Trị sự ( như Ban chấp hành bây giờ) Tổng công hội Bắc Kỳ giữ nhiệm vụ Phó Hội trưởng.


 


Sau khi Nguyễn Đức Cảnh củng cố kiện toàn Ban chấp hành tỉnh uỷ Hải Phòng, Phạm Văn Ngọ được giao nhiệm vụ Bí thư Tỉnh đảng bộ thay Nguyễn Đức Cảnh nhận nhiệm vụ Bí thư xứ uỷ từ tháng 4/1930. Tuy giữ chức vụ Bí thư chỉ đến hết tháng 10/1930, nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ uỷ lúc ấy đóng ở Hải Phòng, tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo, tổ chức việc tuyên truyền ảnh hưởng phát triển cơ sở Đảng trong nhà máy, đường phố, nông thôn, chống địch khủng bố trắng; tổ chức ngày Quốc tế lao động để đưa quần chúng lao động đấu tranh theo chủ trương của  Trung ương. Do hoàn cảnh Hải Phòng không tổ chức những cuộc mít tinh, biểu tình rầm rộ, như nhiều vụ cắm cờ, rải truyền đơn và nhất là các cuộc bãi công ở nhà máy Xi măng, Máy chỉ, Máy điện...Kế sau đó, nhất là cuộc bãi công của công nhân Xi măng 8/1930 thắng lợi, khiến bọn chủ và bộ máy thống trị phải lo sợ tìm mọi cách lùng sục , bắt bớ, khủng bố cán bộ, đảng viên và cơ sở của Đảng. Tỉnh bộ đã kịp thời thành lập Uỷ ban tranh đấu vào tháng 9/1930 đưa ra khẩu hiệu, mục tiêu thiết thực rõ ràng nên đã phát động được phong trào công nhân, nông dân, diêm dân, học sinh... tiêu biểu là các hoạt động mạnh mẽ ngày 7/9/1930 ở nhiều nơi khác và cuộc biểu tình phá nhà đoan Đình Vũ đòi bỏ độc quyền muối, chống khủng bố trắng, chống án tử hình với tù chính trị, ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh. Ngày 7/9/1930 thực sự là ngày biểu dương lực lượng, là đỉnh cao của phong trào đấu tranh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của tỉnh bộ Hải Phòng. Thời gian này, Tỉnh bộ cũng có nhiều thiếu sót như bộc lộ lực lượng, thành kiến công nhân áo xanh, chưa kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị và kinh tế. Tổng bí thư Trần Phú cũng phát hiện và góp ý khắc phục lệch lạc trên. Tháng 10/1930, Trung ương điều Phạm Văn Ngọ về cơ quan Xứ uỷ Bắc Kỳ và chỉ định làm uỷ viên ứ Xuỷ phân công xây dựng Đặc khu vùng mỏ gồm Đông Triều,  Hòn Gai, Cẩm Phả.


 


Do Nghiêm Thượng Biền phản bội, từ 20h30 ngày 23/2/1931, Pugiôn (Pujol ) Chánh mật thám Bắc Kỳ đã đích thân chỉ huy cùng lúc vây bảy cơ quan của Trung ương, của Xứ uỷ đặt tại Hải Phòng và Tỉnh uỷ Hải Phòng. 36 cán bộ bị bắt trong đó có Trần văn Lan, Lê Thị Chắt, Khuất Duy Tiến, Phạm Văn Ngọ, Trịnh Đình Cửu, Lê Duẩn,  Trần văn Mạc... Toà Đề hình kết án Phạm Văn Ngọ chung thân khổ sai, đưa giam tại nhà tù

Sơn La.
Do hậu quả của những đòn tra tấn dã man và chế độ nhà tù thực dân hà khắc, Phạm Văn Ngọ mắc bệnh đái ra máu. Chi bộ nhà tù cố sức chăm sóc chạy chữa, nhưng người chiến sĩ cộng sản kiên trung đã hy sinh tại nhà tù năm 1933.


N. Đ. L


1. Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng tập I.- Tr. 94,99.100,103,105,109


2. Nghiên cứu lịch sử Hải Phòng.- Số 4, thánh 12/1987.- Tr. 66,67


 3. Biên bản toạ đàm về phong trào cách mạng ở Hải Phòng do thành uỷ tổ chức 1/1965

Facebook zalo

Các tin đã đưa