Văn hóa làng quê Nữ Anh hùng khai mở vùng đất Cảng

 

Hai nghìn năm trước, đất Cảng Hải Phòng hôm nay vẫn là vùng đất hoang vu. Nữ tướng Lê Chân đã khai hoang, lập ấp, tạo nên một vùng đất trù phú. Bà còn trở thành Nữ tướng dưới quyền Hai Bà Trưng, trấn giữ vùng đất ven biển. Ở trung tâm thành phố Hải Phòng hôm nay, có tượng đài Lê Chân sừng sững, có lễ hội tưởng nhớ công lao của bà.

Nữ tướng Lê Chân không sinh ra ở đất Hải Phòng, nhưng từ xa xưa, người dân luôn coi bà là niềm tự hào của đất Cảng. Người Hải Phòng thường nhận mình là "con cháu nữ tướng Lê Chân". Theo thần tích, bà vốn sinh ra tại xã An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, xứ Hải Dương (nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Thái thú Tô Định ép bà làm tì thiếp không thành, đã hãm hại cha bà. Nợ nước, thù nhà chồng chất. Lê Chân đã cùng thân quyến đến vùng An Dương, cửa sông Cấm để khai hoang, lập ấp mới, đặt tên là làng Vẻn, sau đổi thành trang An Biên. Đó chính là tiền thân của thành phố Hải Phòng ngày nay.

Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa ở Mê Linh, đánh đuổi quân Đông Hán, Lê Chân cùng với đội nghĩa binh của mình đã gia nhập đội quân khởi nghĩa đánh đuổi xâm lăng. Khởi nghĩa thắng lợi, bà được phong Thánh Chân Công chúa, ban chức Chưởng quản binh quyền coi giữ vùng hải tần (duyên hải đông bắc).

Nữ tướng Lê Chân quay về vùng An Biên, tiếp tục mở mang đất đai, phát triển sản xuất, xây dựng làng mạc trù phú và tiếp tục luyện rèn lực lượng, trấn giữ vùng trọng yếu phía đông đất nước... Sau này, Mã Viện đem thêm quân tới tấn công, bà đã phải tuẫn tiết để bảo toàn danh dự. Nhân dân An Biên dựng đền thờ Thánh mẫu Lê Chân, còn gọi là An Biên cổ miếu - đền Nghè ngày nay.

Năm 1999, thành phố Hải Phòng đã dựng Tượng đài nữ tướng Lê Chân trước Trung tâm Triển lãm và Mỹ thuật thành phố. Tượng được đúc bằng đồng, cao 7,5m, nặng 19 tấn, được hoàn thành vào cuối năm 2000. Tượng đài nữ tướng Lê Chân đã trở thành là một trong những biểu tượng của thành phố Cảng. Mỗi ngày, tượng đài bà đều có hoa tươi và những nén hương thơm của người dân thành kính dâng lên người có công lập ấp, khai sinh mảnh đất tươi đẹp này.

Và cứ đến ngày mồng 8 tháng Hai âm lịch hằng năm, người dân đất Cảng lại tưng bừng với Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân. Lễ hội được khởi đầu với đoàn rước từ đền Nghè và đình An Biên đến quảng trường Tượng đài nữ tướng Lê Chân với nghi lễ truyền thống: múa lân, trống, chiêng, bát biểu, kiệu Long đình, đoàn nhạc bát âm, đội tế nữ quan, đoàn dâng lễ cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân… Phần lễ chính có màn đánh trống khai hội, đọc chúc văn, lễ dâng hương, lễ tế, cùng nhiều tiết mục hát ca trù, chèo cổ, nhạc cụ dân tộc, kịch… Năm 2016, Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Năm 2023, Lễ hội nữ tướng Lê Chân được diễn ra với quy mô lớn. Điểm nhấn trong Lễ hội năm nay chính là hai đoàn rước với sự tham gia của khoảng 1.500 người, đoàn rước kéo dài cả cây số, thể hiện tấm lòng của người Nữ Anh hùng có công lập nên đất Cảng. Lễ hội cũng là dịp giới thiệu, quảng bá với du khách trong nước và nước ngoài về các giá trị di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật của Tượng đài nữ tướng Lê Chân, về đền Nghè linh thiêng thờ nữ tướng Lê Chân và ngôi đình cổ An Biên.

(Nguồn: Văn hóa làng quê Nữ Anh hùng khai mở vùng đất Cảng/ Ngô Quang Dũng//  Báo  Nhân dân.vn .- Ngày 16 /3/2023)

 

Facebook zalo

Các tin đã đưa