THƯ VIỆN VÀ INTERNET: Sự khác biệt và giao thoa

THƯ VIỆN VÀ INTERNET

 Sự khác biệt và giao thoa

                                                                                                    Nguyễn Hữu Giới

                                                                                   Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam

Trong lịch sử phát triển của mình, nếu như Internet mới chỉ xuất hiện trên thế giới từ đầu những năm 60 và phát triển rộng rãi từ những năm 80 của thế kỷ XX; thì thư viện đã ra đời và tồn tại các nay vài thiên niên kỷ (có tài liệu cho rằng thư viện cổ đã xuất hiện cách đây khoảng trên 5.000 năm, có lẽ xa xưa nhất từ thời kỳ Hy Lạp-La Mã cổ đại: bằng chứng, tài liệu sử sách còn ghi lại cho đến ngày nay là người ta đã biết đến một thư viện cổ nổi tiếng ở Thành phố Anlecxandria, bên bờ Địa Trung hải, có tới vài chục ngàn bản sách, trong số đó có nhiều cuốn quý giá làm bằng vỏ cây Papyrut).

* Vài nét về sự ra đời và phát triển của Internet:  Thời kỳ phôi thai của Internet bắt nguồn từ việc năm 1969, khi Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ xây dựng Dự án ARPANET (Advanced Research Projects Agency-ARPA). Đây là Cơ quan Dự án nghiên cứu tiên tiến, tiền thân của cơ quan sau này được thành lập với nhiệm vụ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia đặt trên vũ trụ. Cơ quan này nghiên cứu lĩnh vực mạng, với ý đồ là chia sẻ thông tin giữa các trung tâm nghiên cứu được chính phủ bảo trợ. Theo đó các máy tính được liên kết với nhau và sẽ có khả năng tự định đường truyền tin ngay sau khi 1 phần mạng đã được phá hủy.

Trong 10 năm sau đó (từ năm 1972 đến năm 1982), các nhà khoa học cùng một số các trường đại học tại Hoa Kỳ, Anh, Na-uy  v.v.…  đã nhiều lần cải tiến, thay đổi, nâng cấp các đời mạng từ mạng ARPANET liên kết 40 máy thông qua các bộ xử lí giao tiếp giữa các trạm cuối (Terminal Interface Processor-TIP), thiết lập giao thức bắt tay (Agreed-Upon), phát minh ra E-mail để gửi thông điệp. Sau đó, Internet còn phải trải qua 3 giai đoạn phát triển lâu dài nữa, mới có được vị trí như ngày hôm nay.

+ Giai đoạn bùng nổ thứ nhất vào năm 1986, khi mạng NSFnet chính thức được thiết lập. Khi công nghệ mạng đã phát triển, nhiều mạng mới đã hình thành và đều được kết nối với ARPANET, CSNET và NSFNET; tất cả các mạng này nối với nhau và trở thành Internet. Cuối cùng thì ARPANET và CSNET suy thoái, chỉ còn NSFNET là 1 mạng khá tốt trở thành mạng chính liên kết các mạng khác trên Internet. Lúc này đối tượng sử dụng internet chủ yếu là những nhà nghiên cứu và dịch vụ phổ biến nhất là E-mail và FTP. Internet đã trở thành một phương tiện đại chúng.

 + Cuộc bùng nổ thứ hai với sự phát triển của wwwww, bắt đầu từ việc tìm ra cách để lưu giữ và tìm kiếm các cơ sở dữ liệu. Các cơ sở dữ liệu này phải được kết nối với các tài liệu của thư viện. Đến năm 1991, Tim Berners Lee ở Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Châu Âu (CERN) phát minh ra World Wide Web (WWW) dựa theo ý tưởng về siêu văn bản được Ted Nelson đưa ra từ năm 1985. Có thể nói đây là 1 cuộc cách mạng trên internet, vì người ta có thể truy cập, trao đổi thông tin 1 cách dể dàng &, nhanh chóng.

+ Internet bùng nổ với mạng không dây. Năm 1985,Cơ quan quản lí viễn thông của Hoa Kỳ quyết định mở cửa một số băng tần của giải phóng không dây, cho phép người sử dụng chúng mà không cần giấy phép của Chính phủ. Đây là bước mở đầu cho các mạng không dây ra đời và phát triển rất nhanh. Ban đầu các nhà cung cấp các thiết bị không dây dùng cho mạng LAN (như Proxim và Symbol) ở Hoa Kỳ đều phát triển các sản phẩm độc quyền, không tương thích với các sản phẩm của các công ty khác. Điều này dẫn đến sự cần thiết phải xác lập 1 chuẩn không dây chung trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, dịch vụ Internet bắt đầu được cung cấp chính thức từ năm 1997. Đây là dấu mốc quan trọng đối với việc toàn cầu hóa thông tin của Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên phải nói rằng, việc tham gia vào lĩnh vực này tuy muộn nhưng đã tạo ra một “cuộc cách mạng” về CNTT và tạo đà cho sự “thay da đổi thịt” của nền truyền thông đại chúng ở nước ta đã “đi hơi chậm” so với nhiều nước trên thế giới.

Tuy vậy, có thể nói: 2 loại hình này-một truyền thống và một hiện đại – dường như cùng song song tồn tại và không hề triệt tiêu lẫn nhau; thậm chí có lúc lại hậu thuẫn, bổ sung cho nhau cùng phát triển, cùng hướng vào mục tiêu tối thượng và cao cả là phục vụ thông tin cho người dùng tin trong xã hội.

Sau đây là một vài khác biệt cơ bản và giao thoa của Thư viện và Internet.

1./ Về sự khác biệt.

1.1. Về chi phí, đầu tư ban đầu.

Nếu muốn có một thư viện, tối thiểu cần có trụ sở, trang thiết bị thư viện, vốn sách báo ban đầu. Còn muốn tra cứu Internet, ngoài thủ tục tối thiểu, cần có máy vi tính và 1 accont (tài khoản) để đăng ký tên riêng trên mạng.

Tuy vậy khi đã có thư viện rồi (thường là thư viện công lập, do Nhà nước lập ra, phục vụ rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội), thì người đọc đến thư viện được đọc sách miễn phí (nhất là ở các thư viện công cộng trên thế giới). Trong khi đó để nối mạng và sử dụng Internet, thường mỗi cá nhân hay gia đình phải bỏ tiền túi ra để lắp đặt nó (nếu sử dụng cho mục đích cá nhân hay gia đình).

Điều khác biệt cơ bản này đã chứng minh rằng: Trên thế giới hiện nay, hầu hết mọi người từ già đến trẻ, nếu có nhu cầu, có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng thư viện, trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới, số người có máy tính cá nhân chưa nhiều (chắc chưa tới 5 % dân số). Và ngay cả ở nước Mỹ – một nước có nền kinh tế phát triển rất cao - cũng chỉ có khoảng 60 % gia đình nối mạng Internet. Rõ ràng, việc tiếp cận Internet vẫn còn đang vượt quá khả năng số đông dân cư trên hành tinh của chúng ta.

1.2. Điều kiện tiên quyết để sử dụng thư viện hoặc Internet.

Chúng ta biết rằng, muốn sử dụng được Internet, người dùng cần có một số tri thức tối thiểu về quy trình, thao tác và công nghệ máy tính (kể cả kỹ năng tiếng Anh). Trong khí đó với các thư viện truyền thống, bạn có thể đọc sách báo, tra cứu tài liệu, thông tin bằng tiếng mẹ đẻ và một số thứ tiếng quốc tế thông dụng như: Anh, Pháp, Nga, Hoa, Đức, Latinh v.v..

.

1.3 Về mặt tổ chức tài liệu.

Thư viện là một kho di sản văn hoá của nhân loại. Người cán bộ thư viện tổ chức và xây dựng kho tài liệu đó, nhằm không ngừng hoàn thiện và đáp ứng  đầy đủ nhất, nhanh và hiệu quả nhất những nhu cầu thông tin của người đọc. Quá trình tổ chức kho tài liệu được diễn ra một thời gian dài (kể từ khi thành lập thư viện), có kế hoạch và được hoàn bị dần theo năm tháng, tuỳ thuộc chức năng và nhiệm vụ của thư viện đó. Kho tài liệu của thư viện được sắp xếp, phân loại một cách khoa học, theo hệ thống để dễ dàng khai thác và phục vụ cho bạn đọc.

Ngược lại, Internet thì hoàn toàn khác. Internet có một khối lượng thông tin cực kỳ phong phú, khổng lồ. Mặc dầu vậy, song Internet không hề có sự phân loại giữa thông tin, tài liệu và chất lượng của nó. Thực tế cho thấy rằng: rất nhiều thông tin trên Internet đã lỗi thời, không được cập nhật. Nói đúng ta, không một ai và cũng không có một tổ chức nào chịu trách nhiệm tổ chức trên Internet cả !

1.4 Về dịch vụ và tìm tin.

Nếu bạn đến với bất cứ một thư viện nào trên trái đất, bạn sẽ được đón tiếp và được hướng dẫn, phục vụ một cách tích cực (do những cán bộ thư viện nơi đó đảm trách), làm cho bạn ít nhiều được thoả mãn những thông tin, tư liệu mà mình cần, thì ngược lại trên Internet, bạn phải tự mình tìm thông tin, nghĩa là bạn phải tự phục vụ hoàn toàn. Tuy nhiên, điều khác biệt cơ bản giữa thư viện và Internet còn là: Không phải tất cả mọi người tra cứu, tìm tin trên Internet đều tìm được cái gì họ muốn, vì vậy càng ngày nhiều người càng muốn đến thư viện để được hướng dẫn, được phục vụ và có cơ hội để tìm được cái gì mình cần.

Đơn giản và dễ hiểu bởi lẽ: Trong các thư viện có đầy đủ các hệ thống tra cứu đã được chuẩn hoá rất quen thuộc với người đọc, như: hệ thống phích mục lục, các bản thư mục hoặc các công cụ tìm tin chuẩn trên máy vi tính v.v... còn ở trên Internet thường không có các công cụ tìm tin chuẩn xác, nhiều khi người dùng tin phải loay hoay, mò mẫm rất lâu mà vẫn không tìm được cái mình cần, hoặc do lỗi chính tả, lỗi nhập máy v.v... và v.v...

1.5. Về chất lượng dịch vụ.

Nhìn chung các tài liệu, thông tin trong các thư viện đã được chọn lọc qua khâu bổ sung, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng loại hình thư viện. Hầu hết các sách báo, tài liệu có trong thư viện là những di sản văn hoá có giá trị của nhân loại. Thế nên chất lượng dịch vụ về nội dung nói chung trong các thư viện là tốt, độc giả đến và thường được đáp ứng tối đa những gì mình cần. Trong khi đó, các thông tin trên Internet với chúng ta rất khó quản lý và kiểm soát. Thông tin tốt cũng có và thông tin “xấu”, thậm chí “độc hại” cũng  không không phải là ít - nhất là những trang web có nội dung khiêu dâm, có hại cho trẻ em và lứa tuổi vị thành niên của mọi quốc gia.

Kết quả hình ảnh cho anh doc sach trong thu vien

 Bạn đọc thiếu nhi đọc sách trong thư viện truyền thống

1.6. Về giá cả, chí phí cho ác dịch vụ.

Cũng nên có sự so sánh để thấy sự khác biệt nữa giữa thư viện và Internet:

Ở nhiều thư viện trên thế giới – nhất là thư viện công cộng – việc đọc và mượn tài liệu hầu như miễn phí (nếu có chỉ là chút lệ phí nhỏ không đáng kể). Ví dụ ở Việt Nam, bạn đọc đến một thư viện công cộng nào, chỉ phải bỏ ra từ 10.000  đến 20.000 đồng để làm thẻ đọc/hoặc mượn cho  năm (tương đương từ 0,7 đến 1,3 USD). Trong khi đó chi phí cho dịch vụ tra cứu trên Internet từ khoảng 2.500 đ đến 3.000 đ/giờ. Với nhiều người “nghiền” Internet, số tiền bỏ ra cho 1 tháng hoặc 1 năm tra cứu trên Internet chắc không phải là nhỏ (có thể là hàng trăm, hàng triệu đồng). Hoặc giả ở nước Mỹ, chi phí cho truy cập trên Internet cũng rất cao. Ví dụ 1 thẻ truy nhập Internet sài được 1 tháng, giá là 20 USD (tương đương 440.000 VNĐ), nếu cộng đủ 12 tháng, số tiền đó sẽ là 240 USD (xấp xỉ  5.000.000 VNĐ) !

2./ Về sự giao thoa.

Tuy có nhiều khác biệt cơ bản nêu trên, song ít ai biết được rằng giữa thư viện và Internet lại có sự giao thoa tuyệt vời, chúng có thể hoà hợp, tương tác hay hậu thuẫn cho nhau cùng tồn tại và phát triển. Sau đây là một vài khía cạnh trong mối quan hệ “hợp tác” này.

2.1. Cùng làm việc vì thế giới và cộng đồng.

Internet đem lại cho con người cảm giác được liên kết rất lớn. Ngay cả những người ở trong một thư viện nhỏ nhất ở một vùng xa xôi trên trái đất cũng có cảm giác quan hệ được với toàn thế giới. Họ có thể đọc các bài báo vừa xuất bản từ châu lục khác mới vài giờ trước đây, hoặc họ cũng có thể biết thông tin đang được truyền từ xa đến màn hình của họ rất nhanh. Đây là một công nghệ đạt hiệu quả cao.

Bạn đọc tra cứu máy tìm tin trên máy vi tính tại thư viện công cộng

 ở Việt Nam (do Dự án Quỹ Bill Gate - Hoa Kỳ tài trợ- năm 2016

Cùng lúc đó, thư viện mang lại cho độc giả một vị trí để tìm tin. Có người cho rằng với tiếp cận thông tin trực tuyến thì một vị trí vật lý như thư viện sẽ  không tồn tại được bao lâu nữa. Ngược lại, không gian vật lý sẽ có một vị trí xã hội to lớn. Thư viện là nơi cung cấp một địa điểm lý tưởng, ở đó mọi người có thể đọc, suy nghĩ hoặc nghiên cứu mà không có vương vấn gì về gia đình hay cơ quan. Nó cũng đáp ứng một nhu cầu rất con người về giao tiếp xã hội.

2.2. Thông tin và việc cập nhật thông tin.

Chúng ta biết rằng, thư viện cần thời gian để cung cấp những thông tin thay đổi nhanh hoặc cập nhật. Những thông tin này khó có thể tìm thấy trên giấy, mà thường là trong các chương trình thời sự hay thời tiết.... Các hệ thống máy tính là lý tưởng để cung cấp thông tin thuộc loại này. Vì vậy dịch vụ tra cứu Internet trong các thư viện sẽ hết sức lý tưởng giúp cho người dùng tin, người đọc có thể tiếp cận nhanh chóng và rộng rãi đến những thông tin mới mẻ trong nước cũng như trên phạm vi toàn thế giới.

2.3 Cùng tồn tại và phát triển vì môi trường thư viện.

Với Internet, cán bộ thư viện có thêm một công cụ mới và hữu ích, tuyệt vời. Thông qua dịch vụ Internet, cán bộ thư viện giúp cho độc giả của mình tiếp cận và tra cứu tài liệu nhanh hơn, hiệu quả hơn so với các hệ thống tra cứu truyền thống.

Đồng thời cũng thông qua các dịch vụ trên Internet, cán bộ thư viện được đào tạo, tiếp cận kỹ năng tin học, kỹ năng tổ chức tìm tin để ngày càng phục vụ tốt hơn cho độc giả. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Internet trong thư viện đã và đang góp phần đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện theo hướng “hiện đại hoá”, phù hợp với xu thế chung của hoạt động thư viện trên thế giới.

Tóm lại, thư viện và Internet, tuy không phải là hai anh em song sinh, vì chúng ra đời, tồn tại và phát triển ở hai thời điểm lịch sử rất khác nhau và tưởng chừng như chúng không hề có mối quan hệ hay ràng buộc gì với nhau. Tuy nhiên trong thực tiễn cuộc sống và qua thực tiễn công tác thư viện ở Việt Nam cũng như trên thế giới, chúng ta lại thấy được những khác biệt căn bản và những giao thoa giữa thư viện và Internet.

Vấn đề còn lại và cũng là câu hỏi cho mỗi người cán bộ thư viện ở Việt Nam là: Làm thế nào để có thể tận dụng và phát huy đầy đủ hơn, tốt hơn những mối quan hệ tương tác giữa thư viện và Internet trong hoạt động thư viện hiện đại ?.

Facebook zalo

Các tin đã đưa