Thăm Đền thờ Trạng Trình, nhớ Bạch Vân cư sĩ

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) được ghi nhận là một nhà văn hóa lỗi lạc của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XVI. Ông còn được người đời biết đến với tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam - Bắc triều, cũng như tài tiên tri hiếm có trong lịch sử dân tộc. Với tài năng và đức độ của một nhà nho, nhà giáo, ông được nhân dân tôn kính lập đền thờ tại quê nhà - xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Di tích lịch sử Đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã được Nhà nước xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Cách TP. Hải Phòng khoảng 40km có một khu di tích thường xuyên có nhiều du khách đến chiêm bái với sự kính cẩn, tôn nghiêm, đặc biệt là các em học sinh và các nhà giáo. Đó là di tích lịch sử Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi thờ phụng bậc hiền tài Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên khai sinh là Nguyễn Văn Đạt, sinh ra và lớn lên tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng). Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất thân trong một gia đình nhà Nho. Cụ thân sinh ra ông là Nguyễn Văn Định nổi tiếng hay chữ. Cụ thân mẫu Nhữ Thị Thục là con gái út của một vị quan lớn triều vua Lê Thánh Tông, là người học rộng, biết nhiều, lại giỏi tướng số. Dưới sự chỉ bảo của cha mẹ nên từ nhỏ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nổi tiếng thông minh, học giỏi.

Nguyễn Bình Khiêm lớn lên giữa lúc tình hình chính trị đất nước khủng hoảng. Bởi không muốn đi vào “vết xe đổ” của người thầy dạy mình nên dù học vấn uyên thâm nhưng Nguyễn Bình Khiêm không muốn bước vào con đường khoa cử. Khi nhà Mạc lên thay thế nhà Lê Sơ, tình hình chính trị đất nước dần ổn định. Nhưng phải đến thời vua Mạc Thái Tông trị vì - thời thịnh trị nhất của nhà Mạc (năm 1535), Nguyễn Bình Khiêm mới quyết định ra ứng thí và đậu ngay Trạng Nguyên khi đã 45 tuổi.

Ngay sau khi đỗ đạt, ông được bổ nhiệm làm Đông Các hiệu thư, rồi Tả thị lang bộ Hình, Tả thị lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Trình Tuyền hầu, Thượng thư bộ Lại, tước Trình Quốc công nên dân gian quen gọi ông là Trạng Trình. Sau khi vua Mạc Thái Tông mất đột ngột, vua nhỏ tuổi lên ngôi, khiến triều chính nhiễu nhương. Chứng kiến gian thần lộng hành, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dâng sớ trị tội 18 lộng thần nhưng không được vua chấp thuận. Năm 1542, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cáo lão về quê, ở ẩn.

Sau này, nhớ tới tài năng và đức độ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, vua Mạc Hiến Tông đã nhiều lần vời ông về làm quan, nhưng Nguyễn Bỉnh Khiêm vẫn nhất quyết không chịu trở lại chốn quan trường. Ông chỉ nhận lời giúp vua những kế sách trọng đại khi vua cho người tìm đến hỏi. Triều đình nhà Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn khi có việc đại sự tìm đến hỏi ý kiến ông đều được ông tận tình chỉ bảo. Những bài thơ, những câu nói tiên tri đó được tập hợp trong cuốn “Sấm Trạng Trình”.

Khi Trạng Trình tạ thế, vua nhà Mạc đã cử nhiều đại thần cùng văn võ, bá quan về dự tang lễ, lại sai cấp hàng trăm mẫu ruộng, ba nghìn quan tiền lập đền thờ ông tại quê nhà. Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm được nhân dân xây dựng trên nền nhà cũ của Trạng Trình. Cổng đền được xây theo kiểu truyền thống với tam quan rộng, phía trên có 3 chữ Trung Am từ (tức đền Trung Am), vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay. Đền hướng ra hồ nước rộng, có chiếc cầu đá bắc ngang hồ. Đền thờ gồm có 3 gian tiền đường và 2 gian hậu cung. Đây là nơi đặt tượng thờ và bài vị của quan Trạng. Từ tấm bia đá còn lại nguyên vẹn đến ngày nay bên hồ nước cho thấy, đền thờ Trạng Trình được xây dựng năm Vĩnh Hựu nhà Lê (năm 1736).

Trải qua thời gian, ngôi đền đã được các thế hệ sau trùng tu, tôn tạo, mở rộng hơn với nhiều hạng mục công trình như: Đền thờ; nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm; phần mộ cụ thân sinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm; tháp bút Kình Thiên; tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng đá; hồ bán nguyệt, chùa Song Mai, đền thờ song thân quan Trạng, quán Trung Tân và quảng trường. Trong đó, tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng đá granite, cao 5,7m, nặng 8,5 tấn, trong tư thế ngồi, tay phải cầm bút và tay trái cầm cuốn sách. Chùa Song Mai là nơi Nguyễn Bỉnh Khiêm thường đến lễ. Bên cạnh chùa là nhà thờ bà Minh Nguyệt - phu nhân Trạng Trình. Cách đó không xa là Tháp Bút Kình Thiên được dựng lên cách nay hơn 400 năm, do học trò của Trạng Trình dựng lên để ca ngợi tài năng của thầy như cột chống trời (kình thiên). Hồ Bán nguyệt trong khu di tích rộng khoảng 1.000 mét vuông.

Phía bên phải đền thờ Trạng Trình được bố trí một khu vườn với những bức tượng bằng đá có kích thước như người thật, tái hiện cảnh nhân dân làng Trung Am vui mừng ra đón Trạng Trình khi từ quan trở về quê hương. Những hình ảnh được mô tả khiến người xem hiểu hơn về tấm lòng yêu dân của quan Trạng.

Phía sau khu vườn là căn nhà 3 gian lợp cói, mô phỏng am Bạch Vân, nơi Trạng Trình sau khi từ quan về quê mở trường dạy học. Phía trước am mô phỏng tượng của những đứa trẻ cùng bố mẹ đến xin cụ Trạng dạy chữ, những vị quan của các thế lực phong kiến đến vấn an cụ việc quốc sự. Lúc này, Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ, dựng am Bạch Vân, lập quán Trung Tân, mở trường dạy học. Nhiều học trò của ông đều thành đạt cả về văn lẫn võ, làm quan dưới các triều đình nhà Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn như: Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Quyện... Tuy đã là những vị quan lớn rường cột của triều đình nhưng học trò đều nhất mực tôn kính thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Trong quần thể di tích còn có hai bức phù điêu đặt nơi quảng trường lớn, mỗi bức cao khoảng hơn 5m, dài hơn 20m, khắc họa những nét chính trong cuộc đời sự nghiệp của Trạng Trình từ lúc còn bé đến cuối đời và giai đoạn lịch sử của địa phương (từ khi Pháp xâm lược đến nay). Phía trước tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm là một quảng trường lớn, đây là địa điểm tổ chức các hoạt động của lễ hội đền Trạng vào ngày 23-12 hằng năm. Bên cạnh đó, đây còn là nơi TP. Hải Phòng tổ chức lễ biểu dương học sinh - sinh viên tiêu biểu xuất sắc nhân dịp khai giảng năm học mới hằng năm. Đây là nét văn hóa mới của Hải Phòng, thể hiện truyền thống “tôn sư trọng đạo”, giáo dục về tấm gương sáng của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Di tích lịch sử Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm là địa chỉ thường xuyên được học sinh, sinh viên các trường học của Hải Phòng đến dâng hương, xin chữ, cầu thi cử hanh thông. Đồng thời, nơi đây cũng là địa chỉ hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước đã từng nghe đến công tích của Trạng Trình. Mỗi dịp ghé thăm di tích là dịp để nhớ về một Bạch Vân cư sĩ với lòng yêu dân, mở trường dạy học miễn phí, giúp học trò nghèo trên bước đường học tập và lập nghiệp.

(Nguồn:Thăm Đền thờ Trạng Trình, nhớ Bạch Vân cư sĩ// Thanh Thuận// Báo Bienphong.com.vn  .- Ngày 25 /08/2020)

 

Facebook zalo

Các tin đã đưa