Nơi lưu dấu một thuở chiến trường xưa

Cách trung tâm TP. Hải Phòng khoảng 22km, Khu di tích Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) là quần thể di tích gắn với ba trận thủy chiến vang dội trên dòng sông Bạch Đằng chống quân xâm lược trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cùng với sự phát triển của thành phố, nơi đây được đầu tư xây dựng bề thế, trở thành nơi hội tụ những dấu ấn lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng của thành phố biển Hải Phòng.

Khu di tích Bạch Đằng Giang rộng 20ha nằm trong quần thể danh thắng Tràng Kênh (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng). Từ sông Bạch Đằng nhìn vào, Tràng Kênh như một Hạ Long trên cạn với nhiều núi non hùng vĩ. Nơi đây, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII đã diễn ra ba trận quyết chiến chiến lược, đều dùng trận địa cọc ngầm trên sông Bạch Đằng. Mở đầu là trận chiến trên sông Bạch Đằng do Ngô Quyền lãnh đạo, đánh tan quân Nam Hán (năm 938), chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc của đất nước. Tiếp đến, năm 981, người anh hùng dân tộc Lê Hoàn (Lê Đại Hành) đã lãnh đạo nhân dân, tiếp tục sử dụng phương pháp trận địa cọc gỗ để đánh tan quân Tống trên sông Bạch Đằng. Sau cùng, một lần nữa, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (Trần Hưng Đạo) đã vận dụng sáng tạo địa hình, trận địa cọc gỗ và quy luật sông nước Bạch Đằng, chỉ huy quân dân, đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông, trên sông Bạch Đằng (năm 1288), chấm dứt giấc mộng xâm lăng xuống khu vực Đông Nam Á của đế chế Nguyên – Mông, mở ra thời kỳ phát triển mới của đất nước. Học giả Phạm Sư Mạnh thời Trần có dịp ghé thăm lại chiến trường xưa đã cảm tác trước cảnh trí nơi đây mà đề thơ: “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu” (tạm dịch: Khí thiêng sông núi đọng lại ở chốn Bạch Đằng).

Từ một ngôi miếu cổ thờ vong linh các tử sĩ chiến đấu, hy sinh trên dòng sông Bạch Đằng, để tưởng nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc đã làm nên những chiến thắng vang dội trên dòng sông lịch sử, từ năm 2008 đến năm 2016, chính quyền và người dân địa phương đã xây dựng các công trình trong Khu di tích Bạch Đằng Giang trên khu đất đắc địa của dãy núi Tràng Kênh, tạo nên một quần thể di tích bề thế, uy nghi, soi bóng xuống dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Theo bước chân hành hương của du khách, đầu tiên, khi bước qua cổng chính khu di tích, du khách sẽ được thấy trụ Chiến thắng được chế tác từ đá hồng ngọc nguyên khối, có chiều cao 5,5m, mặt cắt ngang 1,5m2, nặng khoảng 100 tấn. Trụ có 4 mặt hình chữ nhật. Mặt tiền trụ khắc nổi 7 chữ “Giang san vượng khí Bạch Đằng thâu”. Ba mặt tả, hữu, hậu khắc công lao của vua Ngô Quyền, vua Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo. Đi tiếp vào trong, sẽ là đền thờ vua Lê Đại Hành - người tạo nên chiến thắng Bạch Đằng lần thứ 2 năm 981, quét sạch quân Tống xâm lược. Cách đó khoảng 500m là đền thờ Trần Hưng Đạo – vị tướng soái kiệt xuất nhà Trần đã lãnh đạo quân và dân anh dũng chiến đấu, đánh tan quân xâm lược Mông – Nguyên trên sông Bạch Đằng lần thứ ba năm 1288. Đi tiếp đến rừng cây trong thung lũng Tràng Kênh, sát cửa sông Bạch Đằng là đền thờ vua Ngô Quyền, người khai sinh trận địa cọc Bạch Đằng, đánh thắng quân Nam Hán năm 938, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Điều đặc biệt, trong khu di tích còn có đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là nơi đầu tiên tại Hải Phòng lập Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân dân và khách thập phương bày tỏ lòng thành kính đến vĩ lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh lập đền thờ danh nhân có nhiều công lao với đất nước, khu di tích còn có đền Thánh Mẫu thờ Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải Phủ. Du khách tới khu di tích không chỉ được hành hương thăm lại chiến trường xưa, tưởng nhớ công ơn của các vị anh hùng mà còn là dịp để cầu sức khỏe, bình yên.

Nổi bật nhất trong khu di tích là Quảng trường Chiến thắng nơi đặt 3 pho tượng bằng đồng nguyên khối tạc 3 vị anh hùng dân tộc gắn với những trận đại thắng địch trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử: Ngô Quyền, Lê Đại Hành và Trần Hưng Đạo. Mỗi pho tượng đồng có chiều cao 8m, trọng lượng 40 tấn. Mỗi vị anh hùng được tạc thờ mang một sắc thái riêng, thần thái sống động, uy phong, mặt hướng ra sông Bạch Đằng. Phía dưới sông là bãi cọc lim bịt sắt mô phỏng lại trận địa cọc năm xưa các tiền nhân đã cho dựng lên để tiêu diệt quân thù...

Khu di tích còn có phòng trưng bày hiện vật do nhân dân địa phương tìm được dưới đáy sông Bạch Đằng như cọc gỗ lim, vũ khí của quân dân nhà Trần, vũ khí của quân Nguyên - Mông, cùng nhiều đồ gốm khá tinh xảo. Ngoài ra, Khu di tích Bạch Đằng Giang còn có những công trình phục vụ hoạt động tham quan, trải nghiệm và học tập cho du khách. Đó là khu vườn tượng mô tả việc làm cọc chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, khu mô phỏng khu rừng gỗ lim và vườn tượng chế tác cọc Bạch Đằng. Những năm gần đây, nhiều trường học trong TP. Hải Phòng đã tổ chức cho giáo viên, học sinh đến tham quan, trải nghiệm thực tế tại khu di tích. Qua đó, giúp thế hệ trẻ có cái nhìn chân thực hơn về lịch sử giữ nước của cha ông, từ đó thêm trân quý, tự hào về những giá trị ông cha ta đã tạo dựng, bồi đắp qua thời gian.

Đến với Khu di tích Bạch Đằng Giang, điều dễ nhận thấy là nơi đây không thu phí tham quan, không có các hoạt động thương mại và không rác thải. Nguyên tắc “3 không” này là những điểm tạo ấn tượng ban đầu cho du khách. Ông Lê Văn Đức, Trưởng ban Quản lý khu di tích cho biết: “Điểm khác biệt lớn nhất của khu di tích này so với nhiều điểm văn hóa tâm linh khác là tôn chỉ “3 không”. Việc duy trì các hoạt động trông xe, dọn dẹp vệ sinh đều do người dân tự nguyện tham gia, như một hình thức công đức cho khu di tích. Vì vậy, nơi đây không đặt nặng vấn đề kinh doanh”.

Với những giá trị mà khu di tích mang lại, ngày 2/1/2021, Khu di tích Bạch Đằng Giang đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Đây cũng là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của TP. Hải Phòng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, nâng tầm khu di tích. Từ đó, nơi đây trở thành điểm kết nối các tour, tuyến du lịch trong thành phố, tạo nên sự đa dạng của du lịch Hải Phòng, trở thành niềm tự hào lớn của nhân dân thành phố nơi cửa biển phía Bắc của Tổ quốc.

(Nguồn: Nơi lưu dấu một thuở chiến trường xưa//Nguyên Thanh// Báo Bienphong.com.vn  .- Ngày 12  /9/2021)

Facebook zalo

Các tin đã đưa