Những điều chưa biết về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

Những điều chưa biết về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn





    Hội chọi trâu ở Đồ Sơn là một trong những lễ hội dân gian nổi tiếng ở nước ta:
         “Dù ai buôn đâu bán đâu
         Mùng Tám tháng Sáu chọi trâu thì về
         Dù ai buôn bán trăm nghề
         Mùng Chín tháng Tám trở về chọi trâu”
    Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn đã được nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận 10 nghệ nhân chuyên thực hành, truyền dạy tục chọi trâu là nghệ nhân dân gian Việt Nam. Lễ hội chọi trâu hiện là sản phẩm du lịch độc đáo của con người và mảnh đất Đồ Sơn, Hải Phòng.
    Mua trâu, huấn luyện trâu:
    Hội chọi trâu Đồ Sơn được mở ra trong một không gian rộng khắp, thu hút đông đảo du khách thập phương, diễn ra tại nhiều địa điểm như: đền Nghè, đình Chung (đình Công) hàng tổng và 5 đình làng… Hội chọi trâu Đồ Sơn không chỉ là một sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo của cư dân miền biển Đồ Sơn - Hải Phòng mà còn trở thành di sản văn hóa “viên dung” của đất nước. Theo cổ lệ, hàng năm, cứ vào sáng mồng 1 Tết Nguyên đán, các bậc kỳ hào trong tổng ra lễ thần ở đình công (đình chung của hàng tổng) rồi bàn bạc việc chọi trâu.
    Trước kia, người Đồ Sơn phân chia mỗi giáp một trâu thì xã Đồ Sơn 6 trâu, xã Đồ Hải 6 trâu, xã Ngọc Xuyên 2 trâu. Sau này, có năm lại phân chia theo xuất nhân đinh: xã Đồ Sơn 6 trâu, xã Đồ Hải 4 trâu, xã Ngọc Xuyên 2 trâu… Tiền mua trâu lấy từ nguồn cho ngư dân đấu thầu các khẩu xăm đáy trên mặt biển và tiền đóng góp của các nhân đinh tuổi từ 18 đến 60. Trước khi đi mua trâu, người ta chọn ngày lành tháng tốt làm lễ ở đình làng rồi mới xuất phát. Có đoàn tới các xã bạn như Bàng La, Tú Sơn, Đại Hợp… đã mua được trâu, cũng có đoàn sang Thủy Nguyên rồi theo đường ra Quảng Ninh, Móng Cái.
    Có đoàn đi Hải Dương, Kinh Môn, Đông Triều. Có đoàn đi Hà Nội, Hà Bắc không mua được thì cố lên Tuyên Quang, Bắc Cạn. Có đoàn đi Nam Định, Thanh Hóa rồi vào đến Nghệ An, thậm chí có đoàn sang tận Miến Điện… Dù xa xôi đến đâu người mua trâu chọi cũng chỉ đi bộ, nay làng này mai làng khác, lang thang hỏi tìm mua trâu đực mộng để làm trâu chọi nên nhiều nơi biết Đồ Sơn có hội chọi trâu. Vô tình các đoàn đi mua trâu lại kiêm luôn cả việc cổ động cho hội chọi trâu.
    Trâu là giống vật nuôi đã được con người thuần dưỡng từ lâu đời, sự hung dữ hoang dã dường như đã bị loại bỏ. Huấn luyện trâu chọi là phải làm thức dậy bản năng thú tính của chúng, nhưng lại phải tuân thủ những luật lệ khắt khe của con người. Kinh nghiệm chọn trâu chọi, cặp sừng phải đạt tiêu chuẩn khoảng cách giữa hai đỉnh sừng rộng 40 đến 48cm, chiều cao từ 24 đến 26cm, sừng đen mịn cong đều và hơi hướng tiền. Vót sừng cho trâu chọi cũng là cả một nghệ thuật, nếu là trâu hay “rập” thì vót sừng múi khế, trâu hay đánh dọc thì vót sừng hình tam giác, trâu hay cáng thì vót sừng nhọn như đinh ba…
    Tính gan lì hung tợn của trâu thể hiện ở đôi tròng mắt, mi mắt và một số khoang, khoáy. Đó là trâu chọi tốt phải có cặp mi dày, tròng mắt vằn đỏ, độc khoang, khoáy sỏ, khoáy “tam tinh”, da dày, lông móc… Trâu chọi còn có một số ẩn tướng khác như: hàm nghiền (phía bên trong hàm trên của trâu màu đen), số đo vòng ngực đạt từ 190cm đến 200cm, độ tuổi đạt từ 9 đến 12 tuổi. Tướng “độc khoang” là trâu dưới cổ chỉ có một vệt trắng vắt ngang.
    Tướng “tam tinh” là trâu có khoáy đóng giữa hai tròng mắt. Tướng “khoáy sỏ” là trâu có khoáy tròn đóng giữa đỉnh đầu, cách đều hai chân sừng. Trâu chọi có quý tướng xuất lộ: cao vây, ức rộng, háng to, cổ cò, lưng tôm bà, tiền cất hậu hạ, sườn kín, bụng teo, trường đùi, ngắn quản, nhỏ kheo hoặc mình cá trắm, bụng teo, nhỏ kheo, bốn chân móng thò, thẳng móng con, tròn móng lớn… được người Đồ Sơn lựa chọn. Trong thời gian nuôi trâu chọi, chủ trâu không được ăn thịt chó, mắm tôm, không đến chơi các gia đình có tang, không để trâu chọi đánh nhau, gần gũi trâu cái. Nếu ai phạm vào các điều này, gia đình phải bồi thường cho làng hoặc bị phạt vạ theo lệ làng.
    Lễ hội chọi trâu:
    Sáng mồng 9 tháng 8 âm lịch, cửa đình công (đình chung) mở rộng, khói hương nghi ngút, cờ quạt rực rỡ, các xã rước các “ông trâu” xuống sới chọi tham dự vòng “chung kết”. Mới khoảng 1 giờ sáng, chủ tế các làng làm lễ trình ở đình, xin phép được đưa “ông trâu” về đình công tham gia hội tổng Đồ Sơn. Độ 6, 7 giờ sáng, các xã lần lượt rước trâu ra. Mười lá cờ “Ngũ phương” đi đầu, đến bộ bát bửu (đàn, sáo, lẵng hoa, bầu rượu, kiếm, túi thơ, thư bút, khánh quạt), đồ lỗ bộ (hai thanh mác trường, hai cờ tiết mao, đôi rùi trống, đôi phủ việt, biển tĩnh túc và biển hồi ty), phường bát âm, đôi sênh tiền, kiệu bát cống che đôi lọng vàng.
    Tiếp đến là các vị bô lão, chức sắc, chức dịch, theo sau là các “ông trâu” đầu phủ vải xanh, đỏ, che lọng xanh. Người dắt trâu, đầu đội khăn đỏ, mặc áo   lương đen, thắt lưng xanh, quần trắng, giầy và tất trắng, tay cầm hương, tay dắt trâu. Đi hai bên trâu là các chàng trai trong trang phục múa cờ, gõ trống con, miệng hô “a ha a ha… cụ rập - cụ rập này…”, mọi người hô theo “cụ rập - cụ rập”... rất vui nhộn.
Ngày trước, sới chọi khi thì ở khu Vụng Chẽ, có năm lại ở Gò Công hay Gò Bồng Bồng… Vào khoảng cuối thế kỷ 19, Chánh tổng Bát phẩm Hoàng Gia Dương đứng chủ hưng công dựng đình Công hàng tổng (thay thế đình Chung) thì sới chọi đặt ở khu Đầm Giữa thuộc cửa Tù Vè… Sới chọi ở Đầm Giữa cách đình Công khoảng 80m, mỗi chiều dài khoảng 100m, có hào nước bao quanh. Bên trong hào, phía Tây và Đông có dựng hai dãy lán cho trâu chọi chờ lên đài thi đấu, gọi là “Sáng”.
    Bên ngoài sới chọi cho đắp các ụ đất hay làm sàn cao gọi là “Xào xá” dành cho người xem. “Sáng” làm bằng bốn cọc, lợp vải đỏ, ba mặt bưng minh môn thêu kim tuyến lấp lánh hàng chữ: “Đệ nhất Đồ Sơn”, “Đệ nhất Đồ Hải”, “Đệ nhất Ngọc Xuyên”… Theo điều lệ, “Sáng” của Đồ Sơn quay hướng Bắc, “Sáng” của Đồ Hải quay hướng Nam, “Sáng” của Ngọc Xuyên quay hướng Đông Nam hay Đông Bắc tùy ý, để tránh cửa đình hướng Tây. Ngày nay, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn diễn ra tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn.
    Hội chọi trâu Đồ Sơn hấp dẫn người xem bởi các kháp đấu diễn ra hết sức đa dạng, quyết liệt, mỗi “ông trâu” đều có cách đánh “độc chiêu” của mình. Loại trâu quen đánh “rập” thường lao vào đối thủ sau cái “nghênh” ban đầu, dùng phần gốc của sừng đập vào đầu đối phương. Nếu chưa hạ được địch thủ, chúng khéo léo tìm cơ hội lảng ra ngoài, tập trung sức lực, lấy đà rồi bất ngờ lao vào với sự hung dữ hơn trước. Loại trâu gan lì thích đánh gần, thường bình tĩnh tiến lại, mắt vằn đỏ trừng trừng uy hiếp đối phương. Thấy địch thủ, chúng lập tức áp sát như hình với bóng, dùng các cặp sừng đánh tới tấp vào mặt, vào đầu đối phương, gọi là “miếng phang”. Khi thì nhanh nhẹn cúi thấp đầu, múa đôi sừng bén nhọn nhằm vào mắt, hầu, mang tai đối phương mà chọc, đó là miếng “cáng mắt”, “cáng hầu”, “cáng tai” hiểm hóc… Có những kháp đấu diễn ra hàng tiếng đồng hồ, cũng có kháp phân định thắng thua chỉ trong khoảnh khắc.
    Khi trật tự đã ổn định, hồi chiêng, hồi trống vừa dứt, một thanh niên đầu đội khăn đỏ, quần áo trắng, thắt lưng xanh, tay cầm loa đồng: Loa, loa, loa, lệnh   truyền: Đệ nhất Đồ Sơn kháp với Đệ nhất Đồ Hải. Tiếng loa vừa dứt, hai mươi thanh niên của mỗi bên ăn mặc như võ tướng, tay cầm lá cờ đều múa nhịp nhàng sang đối phương. Đến giữa “sới”, hai bên đều trở lại vị trí của mình.
    Bấy giờ mới rước hai “ông trâu” đến cột mốc thì tháo thừng mũi. Hai “ông” đều nghênh cổ về hướng đình 30 giây rồi mới xông vào chọi. Có đôi chọi năm phút đã phân thắng bại, có đôi đến hàng giờ vẫn chưa rõ được thua… Kháp hai, loa... loa... loa..., lệnh truyền “Đệ nhất Ngọc Xuyên kháp với Đệ nhị Đồ Sơn, còn đôi thứ ba là Đệ nhị Đồ Hải kháp với Đệ tam Đồ Sơn”… Như thế là kết thúc bán kết. Ba “ông” vào chung kết, nếu "ông” nào hạ được hai "ông” là nhất, còn lại là nhì, ba. Trong trường hợp một "ông trâu” giành chiến thắng trong cả hai kháp thì sẽ đoạt giải nhất.
    Đúng ra theo thể lệ thi đấu, phải tiến hành một kháp đấu nữa để xác định thứ hạng nhì, ba nhưng do hai “ông trâu” vừa bị hạ thường không chịu tham gia hiệp đấu này nên kháp đấu không diễn ra. Trường hợp trâu vừa thắng ở kháp đấu trước bị trâu thứ ba “trâu đứng dưng” đánh gục trong kháp sau thì vị trí nhất, nhì, ba được xác định ngay sau hai kháp đấu. Ông trâu “đứng dưng” đoạt chức vô địch toàn tổng, gọi là trâu phá giải. Như vậy, trên sới chọi trâu ở Đồ Sơn, ngày mồng 9 tháng 8 hàng năm diễn ra 5 kháp đấu. Trâu thua vào làm lễ tế thần ngay và rước kiệu về một cách bẽn lẽn, sơ sài:
         “Rước đi kẻ đón người đưa
         Rước về dù sớm dù trưa mặc lòng”
    Sáng mồng 10 tháng 8, toàn bộ 14 trâu chọi được đem giết thịt làm lễ tế thần. Trâu nhất, nhì được rước vào đặt trong đình, bên cạnh mỗi trâu có một đĩa nhỏ đựng lông và tiết trâu, gọi là đĩa “mao tiết”. Đúng 12h trưa, lễ tế được cử hành, sau đó toàn bộ số thịt trâu được chia đều có các xuất đinh gọi là thịt “quân cấp”. Tương truyền, tục này do vua Lý Thánh Tông đặt ra. Riêng đĩa “mao tiết” vẫn được thờ trong đình, đến chiều 16-8, ngư dân Đồ Sơn mới tổ chức lễ “Tống thần” kết thúc hội. Trước kia nghi thức này được tiến hành trên bãi biển, nơi bến xăm, sau lại được chuyển về địa điểm ao, giếng gần đình công.
    Hương sư trong trang phục tế, hai tay bưng đĩa tiết, hô to 3 tiếng, vái 3 vái và làm vài động tác thần bí rồi hất đĩa xuống nước, dân làng và những người dự hội cùng vái theo rất thành kính. Khi các đình cử hành lễ “Tống thần” (khoảng 1 tiếng) mọi người không được đi lại ngoài đường làm cản trở thành hoàng về “Bằng y” tại đền Nghè.
(Nguồn: Trần Phương - An ninh Hải Phòng 05/09)

Facebook zalo

Các tin đã đưa