Ngô Quyền ( - 944)

Ngô Quyền, người thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm (nay thuộc huyện Ba Vì, ngoại thành Hà Nội). Theo bài văn bia 'Phùng tự bi ký' ở thông Cam Lâm thì Ngô Quyền là người khôi ngô, tuấn tú, mắt sáng như chớp, sức khỏe có thể nhấc nổi vạc. Ông là người can đảm, mưu trí, giỏi phép dùng binh. Ông là nha tướng cho Dương Đình Nghệ. Là một tướng giỏi, lại có nhiều công lao, Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ tin yêu và gả con gái cho. Khi Dương Đình Nghệ làm tiết độ sứ, Ngô Quyền được cử là thứ sử châu Ái.


Năm 937, Dương Đình Nghệ bị bọn tướng Kiều Công Tiễn giết hại. Được tin Kiều Công Tiễn làm phản, từ châu Ái, Ngô Quyền mang quân ra Bắc trị tội tên phản bội.


Kiều Công Tiễn hoảng sợ, sai người sang cầu cứu vua Nam Hán là Lưu Cung. Vốn ôm mộng xâm chiếm nước ta, cuối năm 938, vua Nam Hán sai con là Hoằng Thao đem thủy quân sang đánh nước ta. Lưu Cung tự mình cầm thủy quân đóng ở trấn Hải Môn, sẵn sàng tiếp ứng cho Hoằng Thao.


Khi quân Nam Hán còn ngấp nghé ngoài bờ cõi thì Ngô Quyền đã giết được tên Kiều Công Tiễn. Ông lo tổ chức ngay việc chống ngoại xâm.


Biết quân địch sẽ vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng, Ngô Quyền bàn với các tướng: 'Nếu ta sai người đem cọc lớn, đẽo nhọn đầu và bịt sắt đóng ngầm ở cửa biển trước, nhân khi nước triều lên, thuyền của họ tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không có kế gì hơn kế ấy cả'. Mọi người đồng lòng theo ý Ngô Quyền. Ông lại cho quân mai phục hai bên bờ sông, phía trên bãi cọc ngầm. Tự mình, Ngô Quyền chỉ huy thủy quân phá tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.


Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 diễn ra đúng với sự dự đoán, và tài chỉ huy lỗi lạc của Ngô Quyền. Toàn bộ quân địch bị tiêu diệt. Hoằng Thao cũng bỏ mạng nơi đây. Vua Nam Hán nghe tin Hoằng Thao chết trận, vội thu quân về nước, không dám nghĩ đến chuyện xâm lược nước ta nữa.


Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 chấm dứt hẳn thời kỳ nhân dân ta bị phong kiến Trung Hoa đô hộ hàng ngàn năm, mở ra một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập lâu dài của Tổ quốc.


Sau chiến thắng này, mùa xuân năm 939 Ngô Quyền lên làm vua, tự xưng là Ngô Vương, đóng đô ở Cổ Loa. Ông lo xây dựng một chính quyền có quy củ. Ông đặt ra các chức quan văn võ, quy định các nghi lễ trong triều đình. Các tướng sĩ có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược đều được phong thưởng.


Ngô Quyền lên làm vua được 6 năm thì mất. Ngay sau khi ông mất, nhà Ngô suy yếu.Ngày nay ỏ Hải Phòng có nhiều đền, đình, miếu thờ ông.


                              Trích:- Lịch sử Việt Nam tập I, Nxb. Khoa học xã hội


                                        - Bia phùng tự bi kýýýý thôn Cam Lâm


                                        - Thần phả làng Da Viên, làng Lương Xâm


                                        - Toàn thư Cương mục

Facebook zalo

Các tin đã đưa