MỐI QUAN HỆ GIỮA NGÀNH THƯ VIỆN, PHÁT HÀNH SÁCH VÀ XUẤT BẢN TRONG NỀN KINH TẾ
THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XHCN Ở VIỆT NAM
Ths. Nguyễn Hữu Giới
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện-Bộ VHTTDL
Trong lịch sử phát triển xã hội, từ khi ra đời cho đến nay hai ngành xuất bản và thư viện có mối quan hệ gắn bó hữu cơ rất chặt chẽ. Xuất bản là người bao gói thông tin, tri thức còn thư viện là khách hàng của xuất bản, là người mang sản phẩm, hàng hoá của xuất bản đến với người dùng, bạn đọc của thư viện. Trong thời kỳ bao cấp trước kia, mối quan hệ giữa xuất bản và thư viện (còn có thể gọi là mối quan hệ giữa cung và cầu các ấn phẩm sách báo) phải nói là khá thuận chiều và “thông đồng bén giọt”. Sách sau khi được in ấn, xuất bản thì được phân phối theo kế hoạch về các công ty phát hành sách ở Trung ương và các địa phương, rồi các công ty phát hành sách này lại thông báo và giao hàng cho các thư viện tỉnh hoặc thư viện huyện với giá bán thống nhất trong cả nước và chiết khấu cũng gần như thống nhất trong cả nước (khoảng từ 18 đến 26 %), tuỳ theo chủng loại sách lý luận, chính trị, sách KHKT, sách văn học-nghệ thuật hay sách thiếu nhi v.v... Phải thừa nhận một thực tế là sách thời kỳ đó chưa nhiều, giá bán lại thấp nên đôi khi cung không đủ cầu. Giá sách hồi ấy được hình thành bao gồm: Chi phí xuất bản + nhuận bút + chiết khấu. Từ thực tế là việc sản xuất và cung ứng sách cho thị trường cũng như các loại hàng hoá khác phải theo kế hoạch của Nhà nước nên sách được in ra bao nhiêu thì hầu như các thư viện và nhân dân tiêu thụ hết bấy nhiêu, bất kể sách mỏng hay sách dày, truyện tranh hay tiểu thuyết. Có những khi thư viện tỉnh nhập về cùng một tên sách mà có tới 6 đến 8 bản, thậm chí có tên sách tới 10 bản. Không đọc hết thì xin cứ để nguyên trên giá sách. Nhiều cán bộ làm công tác bổ sung sách báo cho các thư viện thời kỳ ấy phàn nàn rằng: mặc dù họ cũng có được quyền lựa chọn nhất định, song thực tế là nhiều khi họ cũng bị chi phối bởi kế hoạch và ngân sách chi cho việc bổ sung sách báo. Việc mua một tên sách với số lượng nhiều bản đã đành, lắm khi theo kế hoạch cứ phải mua về kho cả những cuốn sách không mấy phù hợp với điều kiện và đặc thù phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội của địa phương. Hệ quả tất yếu là những loại sách này đã không phát huy được vai trò của mình, trở thành những cuốn sách “chết’ trên những giá sách, gây lãng phí cho thư viện và cho cả xã hội.
Kể từ sau năm 1986, khi nước ta chuyển từ thời kỳ bao cấp sang nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước - định hướng XHCN, công tác Xuất bản, Phát hành sách và Thư viện đã có nhiều hoạt động khởi sắc, đạt được những thành tích to lớn. Được sự quan tâm và đầu tư của Đảng và Chính phủ, những người làm công tác Xuất bản, Phát hành sách và Thư viện trong cả nước đã nỗ lực phấn đấu, không ngừng vươn lên, bám sát nhiệm vụ được giao, thích ứng và đứng vững trong cơ chế thị trường để cho ra đời, phát hành và phục vụ tận tay bạn đọc hàng chục triệu cuốn sách với hàng trăm tỷ trang in. Phải thừa nhận rằng sách và xuất bản phẩm hiện nay ở nước ta được in ra ngày một nhiều, nội dung ngày càng phong phú và bổ ích, hình thức đa dạng và đẹp hơn, nhằm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phổ biến, truyền bá tri thức, góp phần nâng cao dân trí.
Việc mua bán sách hiện nay cũng đã có nhiều thay đổi so với thời bao cấp: Nhà nước không còn quy định giá, phí phát hành cho sách được hình thành trên cơ sở “thuận mua, vừa bán”. Phí phát hành đã tăng cao hơn trước vì có nhiều thành phần kinh tế tham gia vào khâu lưu thông. Do vậy đã đẩy giá sách lên cao, trong khi tiền lương, thu nhập của người dân và kinh phí cấp cho các thư viện mua sách vẫn thấp, nên số lượng sách xuất bản nhìn chung/ bình quân chỉ từ 600 đến 800 bản/ tên sách; những tác phẩm hay, có tiếng vang mới đạt đến số lượng in 1.000 cuốn/tên sách trở lên (thời kỳ bao cấp bình quân từ 2000 đến 3000 bản / tên sách); làm hạn chế và có ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Vốn có truyền thống gắn bó từ lâu, mối quan hệ giữa Xuất bản, Phát hành sách và Thư viện trong những năm qua được đánh giá là tích cực. Cả ba ngành đều có những nỗ lực và cố gắng rất lớn hỗ trợ cho nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị - văn hoá - tư tưởng của mình. Tuy vậy nhìn lại công việc của từng ngành trong một mối quan hệ hữu cơ: Sản xuất sách (xuất bản sách) và tổ chức, phục vụ đọc sách báo (thư viện) trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh những mặt tốt, mặt tích cực, thì vẫn còn có những điều cần bàn. Đó là sách được in ra nhiều, song giá sách ngày nay vẫn còn khá cao so với túi tiền của người dân lao động và trí thức. Điều này cũng làm ảnh hưởng tới việc bổ sung sách cho các thư viện. Vì phải cạnh tranh quyết liệt với các nhà sách tư nhân và các cơ sở liên doanh, liên kết trong việc kinh doanh, buôn bán sách nên các công ty Phát hành sách ở khá nhiều địa phương tuy có rất nhiều cố gắng song vẫn chưa thực sự là chỗ dựa vững chắc trong việc cung cấp sách cho các thư viện tỉnh và các thư viện huyện. Kinh phí bổ sung sách ở đa số các thư viện còn hạn hẹp, vì thế nhiều thư viện có những lúc không chủ động được trong việc lựa chọn sách hay, sách tốt cho kho sách của mình...
Qua thực trạng nêu trên; nhất là thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng và Chính phủ ta (trong Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030) với quan điểm “Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục của đất nước. Phát triển văn hóa đọc trên cơ sở khai thác có hiệu quả và không ngừng phát triển nguồn vốn tri thức, văn hóa của con người và dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa tri thức của nhân loại....” và mục tiêu chung là “Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bấn phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập”; chúng ta nhận thấy rằng: để phát huy những mặt tích cực, hạn chế những tiêu cực của cơ chế thị trường, đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị hoạt động sự nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh (trong đó có 3 ngành xuất bản, phát hành sách và thư viện) trong bối cảnh hiện nay, cần phối hợp chặt chẽ hơn về nhiều mặt, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời tạo điều kiện cho mỗi ngành ngày càng phát triển. Muốn vậy, điều cần thiết phải làm rõ và nhấn mạnh những mối quan hệ đã có, đang có, sẽ xuất hiện trong quá trình phát triển của mỗi ngành, từ đó đặt ra những vấn đề cần phối hợp giải quyết:
Một là, mối quan hệ về kinh tế: Thư viện là khách hàng truyền thống, quan trọng và chủ yếu của ngành xuất bản, là nơi phản ánh thị hiếu người đọc / hay nói khác đi phản ánh nhu cầu thị trường xuất bản phẩm, liên quan đến kế hoạch sản xuất của các nhà xuất bản. Hàng năm các hệ thống thư viện trong cả nước đã tiêu thụ một khối lượng khá lớn sản phẩm sách của các nhà xuất bản. Trong Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ, đối với chỉ tiêu xuất bản & thư viện: “Về tăng cường hoạt động thư viện, xuất bản: phải phấn đấu đạt mức hưởng thụ bình quân sách là 05 bản/người dân và đạt 01 bản sách/người dân trong hệ thống thư viện công cộng; mỗi người dân trung bình đọc 04 cuốn sách/năm; Phấn đấu số lượt người truy cập và sử dụng thông tin tại các thư viện đạt 300.000.000 lượt/năm...” (nghĩa là số lượng sách được đưa vào các thư viện chiếm từ 30-40 % lượng sách được xuất bản ở Việt Nam). Vì vậy, các nhà xuất bản cần hỗ trợ thư viện hoạt động quảng bá sách và các hoạt động văn hoá khác nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ xuất bản phẩm...
Hai là, mối quan hệ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ: Thư viện và xuất bản đều là công cụ quan trọng, vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực tư tưởng - văn hoá. Vì thế việc phối hợp hoạt động để làm sao đưa được nhiều sách tốt, sách hay tới tay người đọc, góp phần định hướng cho người đọc, cũng là phương châm và khẩu hiệu hành động chung của cả hai ngành.
Ba là, mối quan hệ về nghiệp vụ: Thông qua các yếu tố và tóm tắt nội dung các xuất bản phẩm của các nhà xuất bản, chúng ta có thể sử dụng làm biên mục sách trong các thư viện; cũng như việc nộp lưu chiểu xuất bản phẩm điện tử ở nước ta hiện nay (tuy rằng việc này còn thu được kết quả khiêm tốn, vì nhiều NXB chưa thực sự vào cuộc và nộp xuất bản điện tử vì sự phát triển chung). Việc này ở một số nước tiên tiến trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Pháp, Anh, Nga v.v... lâu nay người ta vẫn thường làm. Thực hiện tổ chức xử lý kỹ thuật sách ngay (cơ bản) tại các nhà xuất bản, sẽ tạo thuận lợi cho các thư viện có phiếu mô tả tài liệu kèm theo sách, vừa tiết kiệm được kinh phí xử lý kỹ thuật sách, vừa rút ngắn được thời gian chờ đợi thông tin của người dùng tin, của bạn đọc (Đồng thời nếu chúng ta là tốt việc thu nhận xuất bản phẩm điện tử; sẽ rất tiện lợi cho việc phục vụ người đọc qua mạng Internet.)
Bốn là, mối quan hệ về công nghệ: Do tiến bộ về KH&CN, sản xuất và kinh doanh trong ngành xuất bản, phát hành sách ngày càng hiện đại, các xuất bản phẩm điện tử ngày càng phổ biến, vì thế việc tiêu thụ và quảng bá những xuất bản phẩm này trên mạng của thư viện sẽ ngày càng trở nên thông dụng. Và việc “đi chợ sách trên mạng”; giao dịch quảng cáo xuất bản phẩm và mua-bán sách qua mạng... đã và đang trở thành hiện thực đối với khá nhiều thư viện của chúng ta hôm nay.
Qua những vấn đề vừa trình bày ở trên, chúng ta thấy rõ ràng là: Mối quan hệ giữa ngành thư viện và hai ngành phát hành sách, xuất bản xét về nhiều mặt là một mối quan hệ biện chứng và hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau và tác động qua lại với nhau. Sự đa dạng, phong phú trong sản phẩm của ngành xuất bản là một trong những nhân tố tạo nên sự phát triển của hoạt động thư viện và ngược lại việc quảng bá, giới thiệu sách trong các thư viện, nhất là việc thăm dò những nhu cầu và thị hiếu của người đọc thông qua hệ thống thư viện sẽ giúp cho ngành xuất bản có sự điều chỉnh và định hướng xuất bản, nhằm đem đến cho người dân những ấn phẩm vừa hay, hấp dẫn về mặt nội dung, vừa đẹp về mặt hình thức, nhằm tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, phổ biến và truyền bá tri thức, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HĐH hoá đất nước và làm phong phú những giá trị truyền thống văn hoá Việt Nam.
Giống như một tấm huân chương, kinh tế thị trường cũng có mặt trái của nó, để làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, thì cả 3 ngành xuất bản, thư viện và phát hành sách cần duy trì tốt hơn nữa các mối quan hệ truyền thống và phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong toàn bố quy trình: xuất bản (sản xuất sách) - lưu thông (phát hành sách) - và tổ chức phục vụ đọc sách báo (thư viện). Đó là công việc nặng nề và vinh quang đối với đội ngũ những người làm công tác xuất bản, phát hành sách và thư viện, không chỉ của hôm qua, hôm nay và cả ngày mai./.

