Lễ hội đảo Dấu Đồ Sơn - độc đáo văn hoá tâm lình người dân biển

Đảo Dấu Đồ Sơn là ngôi đền thiêng cổ kính, hiện thân đời sống tâm linh, tín ngưỡng tập tục của người dân miền biển. Lễ hội diễn ra từ ngày 1/2 - 10/2 Âm lịch hàng năm (20/2/2023 - 30/2/2023).

Năm nào cũng vậy, lễ hội Đảo Dấu, Đồ Sơn thu hút rất nhiều người dân địa phương và du khách thập phương về dự. Lễ hội Đảo Dấu gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của người dân miền biển Đồ Sơn. Lễ hội gồm phần lễ và hội, với phần lễ đặc trưng là tục rước đèn về đêm và tế lễ, thả thuyền giấy. Lễ rước đèn từ 23h đếm hôm trước đến sáng hôm sau.

Điểm mới trong lễ hội Đảo Dấu năm nay diễn ra chương trình liên hoan diễn xướng hát văn và hát chầu văn Đồ Sơn mở rộng 2023. Đây là lần đầu tiên quận Đồ Sơn tổ chức chương trình nhằm sân khấu hóa loại hình nghệ thuật diễn xướng hát văn và hát chầu văn. Qua đó, hoạt động này mang lại cái nhìn đúng đắn nhất về những giá trị cốt lõi của văn hóa "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đảo Hòn Dấu thuộc phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng. Đảo cách đất liền gần 01km với diện tích 13,79 ha. Trên đảo Hòn Dấu có đền thờ Nam Hải Thần Vương.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí và tương truyền, nơi đây thờ một vị tướng nhà Trần đã hi sinh trong trận thuỷ chiến với quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng và trôi dạt về hòn đảo này, được nhân dân Đồ Sơn lập đền thờ phụng năm 1288.

Hàng năm để tưởng nhớ công ơn của vị võ tướng đã hy sinh thân mình cho đất nước, Uỷ ban Nhân dân quận Đồ Sơn long trọng tổ chức Lễ hội đảo Hòn Dấu từ ngày mùng 01 đến ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm để cầu cho Quốc thái dân an. (Hội chính diễn ra trong 03 ngày từ ngày mùng 8,9,10 Âm lịch).

Đảo Hòn Dấu có rừng nguyên sinh với thảm thực vật đa dạng và phong phú. Hệ thống Đa Búp Đỏ lên đến hàng trăm cây, trong đó có 35 cây đa có độ tuổi từ 400 - 700 năm tuổi được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di Sản Việt Nam từ năm 2013.

Phổ biến trong cánh rừng nguyên sinh là hệ thống cây Long Não được trồng từ thời Pháp thuộc với mục đích tạo bóng mát và xua đuổi côn trùng. Đặc biệt đảo có bãi đá tự nhiên độc đáo nghìn năm tuổi bao quanh đảo giữa mây trời non nước, cùng ghềnh đá Bàn đang là điểm check-in thu hút du khách đến trải nghiệm và tận hưởng cảm giác thú vị của thiên nhiên hùng vĩ.

Nằm trên đỉnh cao nhất của đảo chính là Hải đăng Hòn Dấu - Mắt ngọc của Tổ quốc. Đây là công trình do kiến trúc sư người Pháp thiết kế và xây dựng từ năm 1892 làm nhiệm vụ dẫn đường cho tàu thuyền ra vào cảng Hải Phòng. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Hải Đăng Hòn Dấu là minh chứng cho truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân Đồ Sơn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với các yếu tố về tự nhiên, lịch sử, văn hoá đảo Hòn Dấu được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công nhận là Danh lam thắng cảnh quốc gia theo Quyết định số 320/QĐ-BVHTTDL ngày 22/1/2009. Được Ủy ban Nhân dân TP. Hải Phòng công nhận là Điểm du lịch theo quyết định số 2586/QĐ-UBND ngày 27/8/2020.

Lễ hội Đảo Dấu nhằm biết ơn thần Nam Hải Đại Vương luôn che trở, bảo vệ ngư dân có những chuyến ra khơi an toàn, bội thu, đồng thời cầu mong thần phù hộ một năm ra khơi bình an may mắn.

Đền thờ Nam Hải Thần Vương nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Quốc gia đảo Hòn Dấu thuộc quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng. Nơi đây thờ Nam Hải Thần Vương - Một vị tướng nhà Trần đã hi sinh vào thế kỉ XIII. Theo sách Đại Nam nhất thống chí và tương truyền, hôm đó vào ngày 9 tháng 2 Âm lịch năm 1288, ngư dân đánh cá gần đảo Hòn Dấu phát hiện một thi thể người lập lờ trên sóng nước.

Khi đốt đuốc tới gần, qua trang phục và những gì thu thập được ngư dân nhận ra đây là vị võ tướng nhà Trần đã hy sinh trong trận chiến với quân Nguyên Mông trôi dạt về đây. Trong đêm tối mọi người trên đảo đã làm lễ khâm niệm cho người để chuẩn bị hôm sau an táng. Sáng hôm sau vô cùng ngạc nhiên khi thấy thi thể của người đã bị mối vùn lên lấp kín.

Biết tướng quân đã được thiên táng mọi người cầu xin được sửa sang phần mộ cho đẹp đẽ. Thời gian sau đó người dân thấy vị võ tướng hiển linh thành ông già râu tóc bạc phơ khi dạo chơi, lúc câu cá. Người dân Đồ Sơn thành kính gọi người là "Lão Thần Đảo".

Vào thời nhà Lê, khi Vua Lê kinh lý vùng Đồ Sơn nghỉ đêm trên đảo Dấu có nằm mơ thấy ông già râu tóc bạc phơ tự xưng là Thần đảo. Hôm sau Nhà Vua lên thuyền, kể lại giấc mơ cho mọi người cùng nghe và phán rằng " Nếu là Thần đảo hãy cho ta một ứng báo". Vua vừa dứt lời, một con cá to quẫy mạnh nhảy lên thuyền. Thấy linh ứng vua Lê ban cho người tước hiệu "Lão Đảo Thần Vương".

Lần khác trong chuyến kinh lý ra Bắc của vua Tự Đức khi đi qua khu vực biển Đồ Sơn gặp sóng to, gió lớn. Vua đã chắp tay thành tâm khẩn cầu, vừa dứt lời thì sóng yên biển lặng. Nhà vua phong cho người tước hiệu "Nam Hải Thần Vương" và truyền cho trăm họ lập đền thờ phụng.

Hàng năm để tưởng nhớ công đức của vị võ tướng, Uỷ ban nhân dân quận Đồ Sơn tổ chức lễ hội từ ngày mùng 01 đến ngày 10 tháng 2 Âm lịch (hội chính diễn ra trong 03 ngày từ mùng 8,9,10 tháng 2 Âm lịch) để cầu cho Quốc thái dân an. Trong lễ hội có tục rước đèn và thả thuyền giấy vào giờ Tý (23 giờ đêm ngày mùng 9 Âm lịch). Tàu bè đi Bắc về Nam đều qua cửa đền cầu mong được che chở trước sóng to gió lớn, cầu cho một năm đi biển thuận lợi, được mùa. Du khách đến đền thờ Nam Hải Thần Vương cầu được mạnh khoẻ, bình an và hạnh phúc.

Để phát huy giá trị Danh lam thắng cảnh Quốc gia đảo Hòn Dấu và tưởng nhớ công đức của vị võ tướng, Uỷ ban nhân dân quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng quan tâm đầu tư, tôn tạo đền từ năm 2013. Hàng năm, nhân dân và du khách mọi miền tổ quốc về tham quan, dâng hương phát tâm công đức để xây dựng đền thờ Nam Hải Thần Vương ngày một to đẹp và uy linh.

Theo lãnh đạo quận Đồ Sơn, năm nay công tác tổ chức lễ hội được ban tổ chức đặc biệt chú trọng nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho du khách. Công an quận đã triển khai các biện pháp bảo vệ và huy động 100% quân số để chuẩn bị phương tiện, các chốt điểm, phân luồng giao thông để an toàn trên bờ, dưới biển và trên đảo. Bên cạnh đó, công tác phòng cháy chữa cháy cũng được triển khai đồng bộ.

(Nguồn: Lễ hội đảo Dấu Đồ Sơn - độc đáo văn hoá tâm lình người dân biển/Sơn Thu//  Báo Tuổi trẻ thủ đô.com.vn  .- Ngày 18 /2/2023)

Facebook zalo

Các tin đã đưa