Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ 1954 ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam một mốc son chói lọi, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.70 năm đã trôi qua, thế giới có nhiều đổi thay nhưng thời gian không làm phai mờ chiến công hào hùng năm xưa. Trong ký ức của những người lính Điện Biên năm xưa, kỷ niệm chiến đấu trong những tháng ngày gian khó, ác liệt nhưng đầy quả cảm đó vẫn còn vẹn nguyên.
Những ngày tháng 5 lịch sử, người dân cả nước lại nức lòng hướng về Điện Biên, bảy thập kỷ trôi qua sau chiến thắng vang dội mang ý nghĩa thời đại ấy, với những ký ức đầy tự hào vẫn luôn khắc sâu và truyền lại cho lớp lớp thế hệ người Việt Nam. Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 -7/5/2024), Thư viện KHTH Hải Phòng xin trân trọng giới thiệu cuốn sách “Ký ức Điện Biên”. Đây là một cuốn tư liệu quý do Nhà xuất bản Hải Phòng xuất bản năm 2019. Cuốn sách dày 307 trang, khổ giấy 15*22cm, là ấn phẩm đặc biệt của Hội truyền thống Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Hải Phòng giới thiệu tới độc giả nhân dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Ký ức Điện Biên” giúp chúng ta cùng nhau sống lại bầu không khí hào hùng, một thời “khoét núi, ngủ hầm, mưu dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” của bộ đội ta trong chiến dịch với những dòng hồi ký của cựu binh từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hải Phòng. Cuốn sách gồm 4 phần
Phần 1: Kỷ niệm Điện Biên Phủ - Hồi nhớ và kể lại
Phần 2: Thơ - nhạc chiến sĩ Điện Biên
Phần 3: Những hình ảnh kỷ niệm
Phần 4: Những sự kiện đáng nhớ
43 câu chuyện, là những dòng hồi ức sống động, những mảnh ghép cuộc đời của những người lính từng tham gia chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Mỗi người ở lứa tuổi khác nhau, vị trí chiến đấu khác nhau nhưng qua từng con chữ, ta dễ dàng bắt gặp điểm chung giữa họ là nhiệt huyết của tuổi trẻ, là quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Đó cũng là những hồi ức về con đường kéo pháo, về các trận địa pháo giả. Vượt qua mọi dự đoán của phía Pháp, quân đội Việt Minh đã đưa được pháo lên Điện Biên Phủ. Ngoài trục đường chính dài hơn 80km được mở để tchi viện vũ khí, lương thực cho chiến trường thì còn có tới 6 con đường nhỏ dành riêng cho xe cơ giới, bí mật kéo pháo đã được công binh mở trong chưa đầy 20 ngày. Những con đường luôn nằm trong tầm hỏa lực pháo binh của địch. Quân đội Pháp vẫn dự đoán, Việt Minh không có cách nào để vận chuyển pháo đến gần các tập đoàn cứ điểm của họ. Thế nhưng, những con đường được ngụy trang kín đáo, được giữ bí mật trong suốt chiến dịch đã góp phần tạo nên những yếu tố bất ngờ.
Với lối kể chuyện nhẹ nhàng mà đầy lôi cuốn, bác sỹ Nguyễn Ngọc Bích đã làm sống lại những mảnh ký ức về một thời bom đạn, về những khó khăn vất vả và nguy hiểm của người chiến sỹ quân y trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hơn 3 vạn chiếc dù quân địch thả xuống được những người lính áo trắng tận dụng làm vải lót, vừa để đảm bảo vệ sinh khu điều trị, vừa để tận dụng làm bông băng cầm máu. Chiến dịch ngày càng ác liệt, bác sĩ Bích và các đồng đội phải cùng lúc cứu chữa cho nhiều thương binh nặng mà thuốc giảm đau không đủ, người thầy thuốc phải kiêm luôn vai trò của một văn công.
Điều đặc biệt, cuốn sách còn ghi lại những dòng hồi tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tiêu đề: Quyết định khó khăn nhất trong đời. Sau nhiều ngày đêm chật vật, những khẩu pháo mới xích tới gần trận địa dã chiến. Tuy nhiên, chiến dịch không chỉ vấp phải sự tấn phản công của địch ở hướng tấn công đã đề ra, công tác đưa pháo vào trong trận địa của quân ta cũng đã gặp phải những khó khăn trước giờ nổ súng. Yêu cầu đặt ra là phải tìm ra được phương án tác chiến hợp lý nhất, vừa giành thắng lợi, vừa bảo toàn được lực lượng. Quyết định chuyển từ phương án đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc đã thay đổi toàn bộ chiến dịch. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi điện cho pháo binh:“Tình hình địch đã thay đổi. Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (chiến dịch Điện Biên Phủ) vẫn giữ vững. Nay thay đổi cách đánh. Vì vậy, ra lệnh cho các đồng chí từ 17 giờ hôm nay, kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Triệt để chấp hành mệnh lệnh, không giải thích.” Những thay đổi trong chỉ huy chiến dịch đã tạo ra bất ngờ ngay cả đối với quân ta. Vì vậy, ngay sau khi đưa ra quyết định của mình, với trí tuệ sắc bén và sự nhanh nhạy của một vị tướng dày dạn trận mạc, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những chỉ đạo cụ thể để giữ vững lòng quân, không để nảy sinh những xao động trong ý chí chiến đấu của bộ đội ta.
Những ký ức của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa còn đọng mãi với thời gian, như tiếng chuông lịch sử vang mãi, nhắc nhở các thế hệ hôm nay trân trọng hòa bình, luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, cùng cả nước tô thắm thêm trang sử vàng của dân tộc. Với lòng biết ơn, trân trọng quá khứ, Thư viện KHTH thành phố Hải Phòng chọn và giới thiệu cuốn sách “Ký ức Điện Biên” trong Liên hoan Cán bộ thư viện toàn quốc tuyên truyền phát triển văn hóa đọc và giới thiệu sách Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với chủ đề “Điện Biên – Vang mãi bản hùng ca” tại tỉnh Điện Biên, tháng 4 năm 2024. Thư viện KHTH Hải Phòng vinh dự được nhận giải Nhất và Giải chuyên đề “ Tuyên truyền giới thiệu sách đạt yêu cầu chuyên môn nhất” của Ban Tổ chức.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc./.
Ký ức Điện Biên / Đoàn Nhâm, Phong Kỳ, Trần Vát.... - Hải Phòng : Nxb. Hải Phòng, 2019. - 307tr. ; 22cm
Ký hiệu kho: Kho địa chí: DC.005579 - 82

