HUỲNH THÚC KHÁNG - TIỂU SỬ

                                                             HUỲNH THÚC KHÁNG - TIỂU SỬ

3.jpg

Huỳnh Thúc Kháng hiệu Mính Viên, tự Giới Sanh, sinh ngày 01/10/1876 tại làng Thạnh Bình, nay là xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Huỳnh Thúc Kháng là tấm gương tiêu biểu của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, là nhân vật tạo cái “gạch nối” lịch sử gắn kết phong trào yêu nước của các chí sĩ Duy Tân với phong trào cách mạng theo con đường cách mạng vô sản. 

Đầu thế kỷ XX, Huỳnh Thúc Kháng cùng với Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp khởi xướng phong trào Duy Tân khẩu hiệu “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” đã tạo nên những tác động to lớn đối với xã hội đương thời. Phong trào Duy Tân như một ngọn triều lớn cuốn phăng những lạc hậu trong kinh tế, hủ tục trong đời sống từng kìm hãm sự phát triển, từng là nỗi nhức nhối trong nhân dân, mở ra một thời kỳ phát triển mới của kinh tế, văn hóa, xã hội các địa phương. Năm 1908, Huỳnh Thúc Kháng bị thực dân bắt đày đi Côn Đảo. Sau 13 năm chịu án khổ sai, năm 1921, Huỳnh Thúc Kháng được trả tự do và tích cực hoạt động với vai trò Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ và chủ bút báo Tiếng Dân.

          Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Cụ ra tham gia nội các Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, Cụ Huỳnh được cử làm Quyền Chủ tịch nước. Cuối năm 1946, thay mặt Chính phủ đi kinh lý miền Trung, trong chuyến đi này Cụ Huỳnh lâm bệnh nặng và mất tại huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi ngày 21/4/1947.

Cuốn sách “Huỳnh Thúc Kháng Tiểu sử” gồm 5 chương:

Chương 1: Quê hương - Gia đình - Tuổi trẻ (1876-1904)

Chương 2: Hoạt động trong phong trào Duy Tân ở Trung Kỳ và những năm tháng ở nhà tù Côn Đảo (1904-1921)

Chương 3: Trên cương vị Viện trưởng Viện Dân biểu Trung Kỳ và Chủ nhiệm báo Tiếng Dân (1921-1943)

Chương 4: Từ chí sĩ yêu nước đến nhà lãnh đạo nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1943-1947)

 Chương 5: Tấm gương sáng ngời cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Cuộc đời và sự nghiệp của Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một tấm gương lớn về nhân cách, tinh thần yêu nước và thương dân của một chí sĩ “giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời Cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan, chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.

Thư viện KHTH thành phố Hải Phòng xin trân trọng giới thiệu!

Huỳnh Thúc Kháng - Tiểu sử/ Bùi Đình Phong (ch.b.), Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Thanh Tâm... H. : Chính trị Quốc gia Sự thật, 2020. – 332tr. ; 21cm.

Kho đọc: DVN. 041265

Kho mượn: MVN. 048576

Facebook zalo

Các tin đã đưa