HỒ CHÍ MINH - TÌNH CẢM LỚN CỦA NGƯỜI DÀNH CHO VĂN HÓA ĐỌC VÀ NGÀNH THƯ VIỆN

HỒ CHÍ MINH - TÌNH CẢM LỚN CỦA NGƯỜI

DÀNH CHO VĂN HÓA ĐỌC VÀ NGÀNH THƯ VIỆN

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh danh nhân văn hóa, người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà tư tưởng vĩ đại, nhà lý luận cách mạng lỗi lạc của nhân dân Việt Nam. Người đã có nhiều công lao đóng góp với non sông đất nước, làm cho hai tiếng “Việt Nam” được vang lên khắp thế giới với niềm kiêu hãnh, tự hào. Biết bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu đã viết, tìm hiểu về Người với niềm say mê và lòng kính yêu không bao giờ cạn. Trong vô vàn các yếu tố tạo nên phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không nhắc đến phong cách ham đọc sách báo và tự học suốt đời của Người.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một mong muốn “dân tộc ta sẽ trở thành một dân tộc thông thái”  đây cũng là khát vọng ngàn đời của một dân tộc mang trong mình niềm kiêu hãnh là con rồng, cháu tiên.Hằng ngày, dù bận trăm công ngàn việc trên cương vị Chủ tịch nước nhưng Bác Hồ luôn dành một lượng thời gian thích hợp để nắm bắt thông tin tổng hợp qua sách báo. Vào khoảng 5h sáng hằng ngày đã có báo từ các nơi chuyển đến. Các đồng chí giúp việc sắp xếp lại, chuẩn bị để đầu giờ Bác xem. Bác đọc nhanh và chính xác, tay đưa theo dòng, mắt nhìn, chỗ nào có vấn đề cần chú ý hoặc liên quan đến các ngành, các cấp Bác đều ghi chép, đánh dấu để nhận biết số liệu và những thông tin cần phải xử lý.

Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí minh đặc biệt quan tâm đến việc lập Thư viện để cán bộ, nhân dân có nới đọc sách nâng cao trình độ và vấn đề “ diệt giặc dốt” để khắc phục chính sách ngu dân do Thưc dân Pháp để lại. Sau lễ Độc lập, ngày 8/9/1945, Hồ Chủ tịch ban hành Sắc lệnh số 13 về việc chuyển giao các thư viện công ( có cả thư viện Pierre Pasquier – tiền thân của Thư viện Quốc gia) về Bộ Giáo dục quản lý. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, noi gương sáng về sự ham đọc và tinh thần tự học của Bác, quân dân ta đã tích cực học tập đẩy lùi nạn mù chữ, đọc sách báo nâng cao kiến thức, trình độ lí luận để phục vụ cách mạng.

Năm 2014, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam. Đến năm 2021, ngày này được gọi là Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam. Có thể nói, đây là ngày có ý nghĩa lịch sử và văn hoá riêng đối với Việt Nam. Bởi đây là thời điểm ra mắt cuốn sách "Đường Kách mệnh" của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc.

Trân trọng tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Văn hóa đọc và công tác Thư viện ở Việt Nam, Thư viện KHTH thành phố Hải Phòng trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách “HỒ CHÍ MINH- TÌNH CẢM LỚN CỦA NGƯỜI DÀNH CHO VĂN HÓA ĐỌC VÀ NGÀNH THƯ VIỆN” do Ánh Dương biên soạn, Nxb. Thanh niên xuất bản năm 2022. Cuốn sách gồm 3 phần ghi lại những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác Hồ với công tác Thư viện và văn hóa đọc tại Việt Nam:

Phần 1: Bác Hồ luôn đề cao văn hóa đọc cuộc đời người là tấm gương sáng về việc đọc sách

Phần 2: Văn hóa đọc có vai trò quan trọng trong suốt cuộc đời học tập, nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn của Bác Hồ.

Phần 3: Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới văn hóa đọc và công tác Thư viện tại Việt Nam.

Hy vọng cuốn sách sẽ là những bài học quý báu trên con đường vươn tới đỉnh cao tri thức của thế hệ trẻ Việt Nam.

Thư viện KHTH Hải Phòng trân trọng giới thiệu.

Hồ Chí Minh tình cảm lớn của Người dành cho văn hóa đọc và ngành thư viện / Ánh Dương b.s. - H. : Thanh niên, 2022. - 192tr. ; 21cm

Ký hiệu kho

-Kho Đọc: DVN.043154

-Kho Mượn: MVN.051212-13

Facebook zalo

Các tin đã đưa