GIA ĐÌNH, BẠN BÈ VÀ ĐẤT NƯỚC

 

“ Phụ nữ ta chẳng tầm thường.

Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”.

Những vần thơ trong bài diễn ca lịch sử “Lịch sử nước ta” của Bác Hồ đã khái quát hình ảnh chung của phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay, chẳng “tầm thường” chút nào. Kể từ khi nước Việt được thành lập nên với dòng giống Rồng tiên cho đến thời đại Hồ Chí Minh hiện nay, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử có nhiều nhân tài, tuấn kiệt trên khắp các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… góp phần làm nên lịch sử từng thời đại. Giữa trăm ngàn tuấn kiệt đấng mày râu cũng đâu thiếu những cô, những chị, những mẹ vốn thân bồ liễu nhưng có sức mạnh rời non, lấp bể kém gì đấng nam nhi. Họ là bà Trưng, bà Triệu, là chị Sáu anh hùng, chị Ba Định kiên cường…Họ là những tấm gương sáng chói đại diện cho sức mạnh, cho truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910-8/3/2024) và 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Thư viện KHTH thành phố Hải Phòng trân trọng giới thiệu cuốn sách “ GIA ĐÌNH, BẠN BÈ VÀ ĐẤT NƯỚC"” Đây là tên hồi ký của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hòa đàm Paris. Cuốn sách tái hiện cuộc đời của bà, một nhân chứng sống đã tham gia, chứng kiến những chuyển biến thăng trầm của lịch sử, từ thời thơ ấu cho đến khi tham gia hoạt động cách mạng, những dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và cả khi đã nghỉ hưu.

Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Châu Sa, sinh ngày 26 tháng 5 năm 1927 (Đinh Mão), quê quán: xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bà là cháu ngoại của nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bà hoạt động cách mạng sôi nổi tích cực và nhiều lần bị địch bắt bớ, tù đầy. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Đầu năm 1961, bà được Ban Thống nhất đề cử sang tham gia hoạt động ngoại giao cho Mặt trận và đổi tên từ Yến Sa (bí danh) sang Nguyễn Thị Bình để giữ bí mật và để quốc tế dễ đọc. Từ đây, thế giới biết đến một nữ chính trị gia – Nguyễn Thị Bình với cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968-1973.

“Gia đình, bạn bè và đất nước”. Cuốn sách nhỏ dày hơn 400 trang, nói về con đường của bà Nguyễn Thị Bình, một nhân chứng của nhiều chuyển biến quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại, về cuộc đời bà, như bà đã chọn một đầu đề thật giản dị: “Gia đình, bạn bè và đất nước, những nguồn gốc đã tạo nên sức mạnh đặc biệt trong bà. Có lẽ bà là người Việt Nam có nhiều bạn bè nhất trên thế giới, từ những người dân thường cho đến các nguyên thủ quốc gia nổi tiếng và thuộc nhiều chế độ chính trị khác nhau. Những năm tháng ấy, bà có mặt ở hầu khắp hành tinh, và thật lạ, thật đẹp, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh đằng đằng sát khí mà là một phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin...Bà đem bạn bè về cho dân tộc. Và đấy là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi kỳ lạ của Việt Nam trong thế kỷ qua." (Nhà văn Nguyên Ngọc) Trong lịch sử ngoại giao thế giới, Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc hội đàm kéo dài ngày nhất, ròng rã 4 năm, từ năm 1968 đến năm 1973. Hội nghị có 4 trưởng đoàn, trong đó có duy nhất một nữ trưởng đoàn - bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao – Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Để có được chiến thắng ngoại giao mang tính lịch sử này, có sự đóng góp hi sinh của cả dân tộc Việt Nam, trong đó không thể không nhắc đến bà Nguyễn Thị Bình – một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định này.

Từng trang hồi ký, bằng chính ngôn từ giản dị của bà, không triết lý cao siêu mà gần gũi, chân thành như cách bà tâm sự với người thân hằng ngày. Thư viện KHTH trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách “ GIA ĐÌNH, BẠN BÈ VÀ ĐẤT NƯỚC”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Facebook zalo

Các tin đã đưa