Đình Tam Sơn, xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên: Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử quý báu

Đình Tam Sơn, xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên: Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử quý báu

Tọa lạc ở trang Phù Liễn, thuộc tổng Trịnh Xá, huyện Thủy Đường, quận Kinh Môn thuộc trấn Dương Tuyền, nay là thôn Tam Sơn, làng văn hóa Phù Liễn, xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên, đình Tam Sơn được đánh giá là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hóa vô cùng quý giá...

Theo thần tích: đời Hùng Vương thứ 18, ở trang Phù Liễn, thuộc Giang Nam Triệu, xứ Đông (nay là thôn Dực Liễn, xã Thuỷ Sơn) có một gia đình họ Trịnh sống tình nghĩa, thuận hòa với làng xóm. Năm Mậu Dần, vợ chồng ông Trịnh Đốc Mẫn và bà Hồ Thị Mai sinh ba người con trai. Con cả đặt tên là Trịnh Thao, con thứ là Trịnh Thám và con út là Trịnh Mon, tất cả đều khôi ngô, tuấn tú. Nhờ thiên phú, bản tính thông minh, càng lớn, cả ba hơn hẳn chúng bạn trang lứa.

Ngày qua tháng lại, ba anh em hăng say học văn, luyện võ, tiếng tăm đã lừng lẫy khắp vùng. Vua Hùng nghe tin, sai sứ triệu về triều. Khi Thục Phán đem quân sang xâm lược, ba anh em họ Trịnh cùng quân sĩ hăng hái xông trận, quân giặc thua to và rút chạy. Tin thắng trận báo về triều, nhà vua rất mừng, ban cho ông Trịnh Thao chức Quảng Hộ, ông Trịnh Thám chức Phổ Hộ, ông Trịnh Mon chức Ứng Hộ. Đất nước thanh bình, nhân dân làm ăn yên ổn, ba ông xin về thăm quê cũ, làm lễ tạ tổ tiên, mở tiệc khoản đãi dân làng. Số vàng bạc vua ban, được các ông mua ruộng cấp cho dân, làm nhà thờ, lập miếu cho trang ấp.

Sau khi ba ông mất, để tưởng nhớ công ơn, dân trang Phù Liễn đã lập đền thờ. Trong đó, riêng đình Tam Sơn là nơi thờ Quảng hộ cư sỹ Đại vương Trịnh Thao.

Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi có dịp về thăm viếng đình Tam Sơn. Bên ấm trà nóng, mới được nghe và tận “mục sở thị” những giá trị lịch sử - văn hóa quý giá nơi đây. Sử sách còn ghi: thần tích về đình Tam Sơn vẫn được phụng sao tại đền Hùng Vương (Việt Trì, Phú Thọ). Đây là một điểm đặc biệt, ít ngôi đình nào trên cả nước có được. Tương truyền, đình được xây dựng từ khá sớm, song các tư liệu ghi chép về di tích đến nay đều đã bị thất truyền, các cụ cao niên cũng không nhớ rõ nguồn gốc khởi dựng.

Tuy nhiên, theo lời kể của ông Đồng Văn Phượng, Ban quản lý đình Tam Sơn thì từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho đến khi hòa bình lập lại, ngôi đình vẫn tồn tại dù quy mô kiến trúc khá khiêm tốn, với kiến trúc gỗ truyền thống là 3 gian đại bái, 2 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi, nền lát gạch bát. Nhẹ lật từng trang sử liệu, ông Phượng không giấu được tự hào khi hiện ngôi đình vẫn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử vô giá, trong đó phải kể đến 7 sắc phong từ năm Tự Đức 6 (1853) đến năm Khải Định 9 (1924) và bản hương ước của làng Tam Sơn được Viện khoa học xã hội Việt Nam ghi nhận.

Qua nhiều triều đại, mỗi khi thắng giặc, các vua như thấy có “âm phù dương trợ” nên có tặng thêm danh hiệu (từ đời Lý đến đời Trần, Lê, Nguyễn). Từ đó đến nay, ngoài việc bảo tồn tín ngưỡng tâm linh của dân làng, đình Tam Sơn không chỉ thờ vị thành hoàng là nhân thần linh thiêng mà còn là nơi ghi nhớ và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống từ ngàn xưa, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đạo lý của dân tộc Việt.

Lại nói về vùng đất Thủy Sơn, đây là một xã có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế- văn hóa của huyện Thủy Nguyên. Thủy Sơn có 3 làng (Phù Liễn, Dực Liễn và Tam Sơn) xưa đều thuộc tổng Trịnh Xá, huyện Thủy Đường (tức Thủy Nguyên ngày nay). Qua các tư liệu khảo cổ học cho thấy, cư dân đến tụ cư ở vùng đất này từ rất lâu. Minh chứng khoa học là từ năm 2000, nơi đây đã phát hiện các mộ thuyền táng có niên đại cách đây khoảng 2400-2.200 năm. Điều đặc biệt, là ngày 25-12-2011, trong quá trình thi công xây dựng một số hạng mục trong khuôn viên di tích, đã phát lộ một số tiền cổ bằng kim loại, đựng trong một hũ sành lớn tại hồ nước trước cửa đình.

Toàn bộ số tiền cổ có trọng lượng khoảng 20 kg. Kết quả giám định của Bảo tàng Hải Phòng cho thấy: Đó là những loại tiền có niên đại từ thế kỷ thứ 7 đến đầu thế kỷ 16. Một số chuyên gia nhận định đây là số tiền do nhân dân công đức xây dựng đình. Nếu như vậy, đình Tam Sơn có thể đã được người dân địa phương xây dựng từ nhiều thế kỷ.

Cho dù đó mới chỉ là suy luận song trên thực tế cùng với những công trình, kiến trúc tôn giáo trên địa bàn xã có từ thời Hậu Lê thế kỷ 17, 18 (gồm chùa Sùng Đức, chùa Khánh Long (làng Dực Liễn), chùa Cốc Linh (làng Tam Sơn)  thì 3 ngôi đình thờ các vị thành hoàng là 3 anh em họ Trịnh đã tạo nên một cụm di tích lịch sử - văn hóa độc đáo, quý giá.

Trải qua bao thời gian mưa nắng xói mòn, chiến tranh giặc dã cùng thăng trầm lịch sử dân tộc, năm 2009 ngôi đình được dân làng phục dựng lại bằng nguồn vốn xã hội hóa. Đến nay đình được làm hoàn toàn bằng loại gỗ quý (gỗ căm se), có bố cục hình chữ Đinh gồm 3 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Năm 2013, đình Tam Sơn được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố.  Theo tục lệ, lễ hội đình được tổ chức vào ngày 12-3 âm lịch hàng năm.

(Nguồn: Đình Tam Sơn, xã Thủy Sơn, huyện Thủy Nguyên: Nơi lưu giữ những giá trị lịch sử quý báu // Thủy Nguyên//http://www.anhp.vn)

Facebook zalo

Các tin đã đưa