Dấu ấn thời gian còn mãi với thành phố cảng

Dấu ấn thời gian còn mãi với thành phố cảng


Biên phòng - Bất cứ ai bước vào Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu cảng Chính, Ban Chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Hải Phòng, BĐBP thành phố Hải Phòng cũng ngỡ ngàng vì doanh trại của đơn vị là khu nhà kiến trúc Pháp dưới bóng những gốc cây xoài cổ thụ. Ngạc nhiên hơn nữa là mặc dù công trình này được giao cho một đơn vị quân đội quản lý, gìn giữ và sử dụng trong suốt nhiều năm, nhưng hiện trạng gốc hầu như không thay đổi. Cảnh quan nơi này vẫn giữ nét đẹp cổ điển, sang trọng giữa lòng thành phố cảng. 


Ngôi nhà kiến trúc Pháp hiện là nơi làm việc của cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu cảng Chính. Ảnh: Thụy Văn

Việc các đơn vị BĐBP tiếp quản cơ sở vật chất cũ là tài sản công, sau đó quản lý, sử dụng không phải hiếm gặp trên toàn bộ các vùng miền từ Bắc vào Nam. Điều thú vị là công năng sử dụng của công trình này không hề lỗi thời hay lạc hậu mà được phát huy, gìn giữ, bảo quản khá tốt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt và cường độ sử dụng cao. Toàn bộ hệ thống các cầu thang gỗ của tòa nhà kiến trúc Pháp hiện là trụ sở của Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu cảng Chính còn khá nguyên vẹn. Căn phòng có đặt hệ thống lò sưởi thiết kế kiểu nhà ở biệt thự “gothic” châu Âu hiện vẫn được đơn vị sử dụng làm phòng đọc, lưu trữ tài liệu và sinh hoạt văn hóa cho cán bộ, chiến sĩ.

Nhờ được chăm sóc và bảo quản thường xuyên nên công trình và phụ cận ngôi nhà này có cảnh quan đẹp, đặc biệt là khuôn viên hiện còn nhiều cây xoài cổ thụ xanh tốt - một trong những hạng mục không thể thiếu của các biệt thự kiểu cũ. Nằm gần khu vực cửa sông thoáng gió, ngôi nhà rất mát vào mùa hè và ấm vào mùa đông. “Hệ thống điện nước và các công trình phụ khác thì dựa vào nhu cầu sử dụng để sửa lại một chút cho phù hợp, chứ không có sửa chữa lớn” – cán bộ quản lý doanh trại của đơn vị cho biết.

Hải Phòng trong lịch sử từng là thành phố cửa biển nắm giữ yết hầu kinh tế cảng biển của miền Bắc. Cho đến nay, thành phố này còn giữ được nét đẹp cổ kính và nếp sống đô thị đặc trưng là do nhịp độ phát triển đã đi vào ổn định. Việc phát triển nóng với tốc độ mọc lên cao ốc, nhà ống hay là trào lưu nhập cư ồ ạt chỉ diễn ra ở vùng ngoại vi. Bên cạnh đó, các kiến trúc cũ được trân trọng, giữ lại để sử dụng tùy theo tình hình cụ thể. Tòa nhà của Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu cảng Chính là một trong những công trình có quy mô vừa phải, nằm xen kẽ trong thành phố, tạo nên một đô thị trầm mặc, quyến rũ.

Đặc biệt, ngoài kiến trúc, phần quy hoạch đô thị theo kiểu của người Pháp hiện còn lại dấu ấn rất rõ ở thành phố cảng. Xung quanh các vùng dân cư đông đúc ở cửa sông và dọc chiều dài cảng chính của cảng Hải Phòng, các khu phố buôn bán đông đúc vẫn còn không khí thương mại đặc trưng của phố cảng biển và vừa vặn cho đô thị. Ở khu vực trung tâm, ngoài công trình Nhà hát lớn Hải Phòng - một trong 3 nhà hát lớn kiểu Pháp còn lại trên đất nước ta, được đặt trong quảng trường lớn và không gian văn hóa đô thị, còn có các công trình khác như bưu điện, ngân hàng, nhà văn hóa thanh, thiếu niên, bảo tàng, nhà triển lãm..., đây đều là các công trình cũ của Pháp được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Những ngôi biệt thự rêu phong vì mưa nhiệt đới bên các khóm hoa tường vi và hoa hồng được du khách rất yêu thích ở thành phố cảng. Họ chụp ảnh, trầm trồ và đăng tải trên mạng xã hội làm cho nhiều người tò mò, muốn đến Hải Phòng. Ngoài 2 loại thực vật được xem là có gốc gác từ việc người Pháp đưa sang trồng ở Việt Nam là tường vi và hoa hồng, còn rất nhiều cây xanh đô thị khác và hệ thống cầu cống, bến cảng, vườn hoa, tổ hợp tượng đài, tác phẩm nghệ thuật ngoài trời còn lại nhiều ở Hải Phòng. Chỉ cần nhìn vào việc điều chỉnh hệ thống các con sông trong lòng thành phố, đã có thể thấy hơi hướng quy hoạch thành phố kiểu châu Âu cổ điển có mặt ở đây. Chỉ tính nội đô, Hải Phòng có tới gần 20 cây cầu bắc qua sông, tạo cảm hứng bất tận cho nghệ thuật kiến trúc, xây dựng. Có thể nói, đây chính là thành phố có tổ hợp mỹ quan đô thị đáng quan tâm và cần giữ gìn, bảo tồn.

Tuy là thành phố đầu mối của khu kinh tế trọng điểm Bắc bộ, nhưng Hải Phòng không quá xô bồ, mà trầm lắng đúng nghĩa mảnh đất cuối nguồn phù sa sông. Đây cũng là nơi đánh dấu mốc việc người Pháp xuất hiện rồi rời đi ở Bến Nghiêng, Đồ Sơn trong tổng cộng 80 năm của quá trình thôn tính thuộc địa. Xen kẽ giữa cũ và mới, màu sắc châu Âu và cảnh quan đặc trưng làng xã Bắc bộ, Hải Phòng giữ được phong độ là thành phố luôn được yêu thích của đời sống du lịch, nhất là đối với khách du lịch nước ngoài.

Để giữ được sự giao hòa giữa cổ kính và hiện đại, Hải Phòng có hướng bảo tồn những kiến trúc cổ, trồng thêm hoa phượng đỏ và phát triển đô thị ra 5 hướng từ nội đô ra ngoại vi như 5 cánh hoa phượng. Các dòng sông lịch sử một lần nữa được gọi tên trong quy hoạch đô thị mới như sông Cấm, sông Tam Bạc, Lạch Tray, sông Lấp... để có thể trở thành thành phố hiện đại tiêu chuẩn quốc tế gần thủ đô nhất. Khi cây cầu Hoàng Văn Thụ với kiến trúc cầu kỳ, hiện đại trị giá hơn 2 ngàn tỉ đồng hoàn thiện mở rộng thành phố qua sông Cấm, dường như Hải Phòng mới bất chợt nhận ra giá trị vô giá của những mảng kiến trúc cũ trong lòng thành phố.

Bên cạnh hơi thở và nhịp sống đô thị hiện đại là những ngày tháng êm đềm của đô thị cũ kỹ bên bờ sông Tam Bạc. Thành phố đã kịp níu giữ nét duyên dáng và sang trọng của mình bằng cách xây dựng phố đi bộ vỉa hè sông Tam Bạc, nuôi thả thiên nga trắng và biến nét cổ kính xưa cũ thành sản phẩm du lịch rất thu hút giới sành điệu trong vòng một năm qua.

Thụy Văn

(Nguồn: Dấu ấn thời gian còn mãi với thành phố cảng//Thụy Văn// Báo Bienphong.com.vn .- Ngày 28 /08/2020)

Facebook zalo

Các tin đã đưa