ĐẶNG CẬN (MỸ) (1923 - 1949)

Tên khai sinh là Đỗ Cường Chùy, có bí danh: Đặng Cận, Mỹ hay Mỹ Cận do bị cận thị nặng. Ông sinh năm 1923, quê ở thôn Thọ Môn xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Đình Bảng, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Xuất thân trong một gia đình nông dân yêu nước, nhiều anh chị em tham gia phong trào Việt Minh, người anh thứ tư là Đỗ Cường Hy hoạt động trong tổ chức cách mạng học sinh sinh viên ở Hà Nội khá sớm, sau cách mạng thành công được Đảng cử làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Làng Đình Bảng vốn có cơ sở cách mạng của Đảng từ trước năm 1945, nhà cụ đám Thi làng này được nhiều người biết đến vì là trung kiên của Xứ ủy Bắc Kỳ. Làng Đìn Bảng còn có nhiều chiến sĩ cách mạng nổi tiếngtừng hoạt động ở Hải Phòng như cụ Thi Sơn, Chủ tịch ủy ban Liên Việt Hải Phòng, Lê Quang Đạo và Lê Quang Tuấn, đều đã làm bí thư Thành ủy sau khởi nghĩa, trong kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954). Sinh trưởng trong gia đình, quê hương có truyền thống yêu nước, cách mạng nên Đỗ Cường Chùy sớm giác ngộ; Năm 1940 khi mới 17 tuổi đã tham gia Thanh niên cứu quốc ở xã, năm 1941 được kết nạp vào Đảng Cộng Sản. Năm 1942 bị địch bắt tù ở nhà tù Bắc Ninh. Sauk hi trốn khỏi nhà tù năm 1943, Xứ ủy Bắc Kỳ điều đi công tác thoát ly. Năm 1944, lại bị địch bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò Hà Nội. Nhân phát xít Nhật đảo chính Pháp, Đỗ Cường Chùy cùng một chiến sĩ cách mạng tìm cách trốn ra tù hoạt động. Cả hai lần bị bắt, bị tra tấn nhưng đều kiên cường, bất khuất, bảo vệ cơ sở, bảo vệ đồng chí và liên hệ với tổ chức cách mạng trong nhà tù đế quốc.


            Tháng 10 năm 1945, Xứ ủy cử Đỗ Cường Chuỳ tăng cường đảng viên cán bộ cho tỉnh Kiến An và được bổ sung cho Tiên Lãng. Ông đã cùng nhà cách mạng lão thành Nguyễn Văn Sơ xây dựng chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện do Nguyễn Văn Sơ làm bí thư, Đỗ Cường Chùy làm bí thư huyện bộ Việt Minh và chuyên trách việc tuyên truyền phát triển Đảng, xây dựng tổ chức Đảng trong toàn huyện. Tháng 12 năm 1946, tại Đại hội thành lập Đảng bộ huyện, ông được bầu vào ban chấp hành huyện ủy, đến tháng 9 năm 1947, tham gia ban thường vụ huyện ủy, khi Pháp vi phạm hiệp định 6 3, theo yêu cầu của tỉnh, Tiên Lãng phải xây dựng căn cứ kháng chiến. Huyện ủy Tiên Lãng đã phân công Đỗ Cường Chùy phụ trách việc này. Hai năm liên tục công tác ở Tiên Lãng, ông đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, kết nạp, bồi dưỡng nhiều đảng viên, nhiều hội viên Việt Minh trung kiên. Nhiều người trưởng thành sau trở thành cán bộ lãnh đạo xã, huyện, tỉnh của nhiều ngành. Các khu căn cứ kháng chiến sau có 2 xã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là Vinh Quang và Hùng Thắng.


            Cuối năm 1948, do nhu cầu công tác ở vùng địch hậu, cấp trên lại điều Đỗ Cường Chùy tham gia ban chấp hành Thành ủy Hải Phòng, trực tiếp làm trưởng ban cán sự Tây Nam. Ông đã cùng cán bộ ban và ban Giao thông Thành ủy phát triển củng cố các cơ sở  kháng chiến ở các xã thuộc huyện An Dương giáp ranh nội thành phía Tây Nam thành phố. Khu này trở thành một căn cứ cách mạng của Thành ủy, làm bàn đạp cho cán bộ vào hoạt động bí mật ở nội thành . Đầu năm 1949, ông dược chỉ định làm trưởng ban cán sự Đảng nội thành. Thời gian này địch ra sức củng cố bộ máy kìm kẹp, đưa những tên thực dân cáo già am hiểu tình hình Hải Phòng và những việt gian thâm thù cách mạng điều hành bộ máy mật vụ cảnh sát. Chúng tìm mọi thủ đoạn để tìm diệt cán bộ, vây ráp khủng bố nhân dân nhằm triệt phá cơ sở kháng chiến nội thành. Ban cán sự nội thành đã chỉ đạo các lực lượng phá vỡ âm mưu hiểm độc của địch, đã trừ khử tên võ sĩ Trịnh Ninh, phụ trách phòng Nhì miền Duyên Hải giữa ban ngày tại khu phố đông người. Hai tên hộ phố tay sai đắc lực cũng bị ta xử tử. Mặc dù bị cận thị nặng, đi lại khó khăn những Đỗ Cường Chùy luôn đi sát cơ sở chỉ đạo phong trào, chia sẻ khó khăn cùng đồng chí, đồng bào. Dưới sự chỉ đạo sát sao, liên tục của ban cán sự, nhiều đường phố, nhà máy, công sở, trường học, hãng buônnnnđã xây dựng được tổ chức cứu quốc, chính quyền cách mạng. Trên cơ sở phong trào kháng chiến, ban cán sự đã xây dựng được hệ thống Đảng ở các khu phố. Địch thấy tình hình nguy hiểm, tìm mọi cách để lùng bắt cán bộ lãnh đạo phong trào nội thành. Một lần vây ráp để phá kế hoạch kỷ niệm Quốc Khánh 2/9/1949, địch bắt được Đỗ Cường Chùy mà chúng dò thám đã biết ông là một cán bộ lãnh đạo. Chúng dùng cực hình tra tấn để khai thác tài liệu, nhưng người chiến sĩ cộng sản kiên cường, dầy dạn kinh nghiệm  đối phó khiến chúng đành phải bó tay. Cuối cùng địch đã cho Bécgiê cắn chết Đỗ Cường Chùy để trả thù và đem thi hài ông thủ tiêu.


            Tấm gương tận tụy, ý chí kiên cường bất khuất của liệt sĩ Đỗ Cường Chùy đã để lại ấn tượng sâu sắc, niềm tiếc thương kính mến của đồng chí, đồng bào nơi ông công tác.


Ngô Đăng Lợi


Nguồn:


            Theo hồi ký và chứng nhận hồ sơ liệt sỹ Đỗ Cường Chùy của các ông Lê Quang Tuấn, Trần Thắng, Phạm Văn Điệt, Ngô Văn Ngọ,,,,hiện lưu tại Ban tổ chức Thành ủy Hải Phòng.


 


 

Facebook zalo

Các tin đã đưa